Trong hoàn cảnh chiến đấu dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, không ít người lính đã hi sinh anh dũng, nằm lại nơi chiến trường. Hình ảnh ấy đã tạc vào dáng hình đất nước và trở thành bức tượng đài bất hủ tròng thơ ca kháng chiến. Viết về chiến tranh, nơi bom đạn ác liệt, các nhà thơ của văn học Việt Nam giai đoạn 1954-1975 và giai đoạn sau 1975 không hề né tránh những đau thương, mất mát và đặc biệt là hi sinh của những người lính.
Tượng đài chiến thắng sông Lô (Phú Thọ). |
Trong hành trình “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đi đến ngày chiến thắng, không ít những người lính đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Viết về giây phút ra đi của người lính là những đoạn thơ mang sức căng của cảm xúc, đậm chất hiện thực. Trong phút giây quyết định, khi mà số phận của họ cận kề với cái chết, khi mà đất nước sẽ một còn một mất cũng là lúc mà tâm thế của người lính đẹp hơn bao giờ hết:
“Những người lính vững vàng như cột mốc/Những người lính/Đứng/Làm cột mốc/Những cột mốc thiêng liêng/Biết thương nhớ/Biết làm nên sấm sét/Khi quân thù xâm lấn núi sông ta!...” (Tình ca người lính - Nguyễn Trọng Tạo).
Sự ra đi của người lính gần như gang tấc:
Hôm qua còn theo anh/Đi ra đường quốc lộ/Hôm nay đã chặt cành/Đắp cho người dưới mộ” (Viếng bạn - Hoàng Lộc). Không phủ trên mình hào quang của những tấm chiến bào sang trọng, không có những khúc cử hành tấu lên, người lính nằm xuống đất mẹ trong tư thế:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến - Quang Dũng). Dọc chiến trường, nơi rừng thiêng núi thẳm, những ngôi mộ của họ như những cột mốc vững chắc trên con đường ra trận, trở thành những nấm mồ vô danh nơi biên cương.
Không hề lên gân hay kể lể khi nói về phút giây đau thương nhất, phút giây người lính hi sinh, trở về với đất mẹ, những vần thơ nhẹ nhàng mà thấm sâu vào trái tim người đọc về những người anh hùng. Họ ra đi vì chiến tranh, họ chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu và ngã xuống trên hành trình đi đến ngày chiến thắng. Cái chết của họ “nhẹ tựa lông hồng” mà xót xa đau đớn:
“Thế hệ chúng con đi như gió thổi/ Quân phục xanh đồng sắc với chân trời/ Chưa kịp yêu một người con gái/ Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”(Trần Mạnh Hảo - Đất nước hình tia chớp). Họ tình nguyện ra đi và nằm xuống khi tuổi đời còn xanh:
“Họ trẻ lắm những người nằm dưới đó/áo binh nhì xanh suốt tuổi đôi mươi” (Sông Mê Công - Anh Ngọc).
Trong khoảnh khắc, đạn bom, đất đá và tiếng gọi như bị hòa trộn vào nhau tạo nên một tình thế hết sức cam go. Trong hoàn cảnh ấy, người chiến sĩ - những cô thanh niên xung phong là những người sẽ phải xông pha để thông những tuyến đường. Song, sức công phá của dã tâm hủy diệt không chỉ băm vằm những tuyến đường mà còn vùi lấp những “mái tóc tuổi hai mươi” nơi Đồng Lộc:
“La lại quẫy mình...không làm sao gượng dậy/nắng nửa chiều tung hoa cải hoa cà/trên bụi khói/bỗng lành lạnh bờ vai/như máu chảy lại như là nước chảy/và dòng sông xanh cứ dâng đầy lên mãi/dọc cơn mê - dịu ngọt một dòng sông... ”(Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo).
Những người chiến sĩ - những cô thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng. Họ không thể gượng lên trước sự công phá của những vũ khí tối tân. Mái tóc xanh của tuổi hai mươi hòa vào lòng đất, bay trong lòng đất. Để rồi, tiếng gọi đồng đội thiết tha, trìu mến vẫn vang lên trên mặt đất nham nhở hố bom:
“- Mười đồng đội yêu thương/mười đồng đội yêu thương nằm lại với con đường!/- La không khóc mà đầm đìa nước mắt/ơi Hợi, ơi Nho, ơi Hà, Xanh, Cúc...” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo).
Những người lính đã nhận thức được cái chết chờ đợi ngay trước mặt, nếu yếu lòng sẽ chẳng thể vượt qua. Song, nếu lùi lại phía sau thì cả dân tộc mình sẽ bị vùi trong biển lửa, trong đau thương. Trước cửa tử đầy nguy hiểm, họ phải nằm xuống, phải chết trước bình minh của hòa bình:
“Em ơi em, có thể anh ngã xuống/Trước bình minh chiến thắng”(Tình ca người lính - Nguyễn Trọng Tạo). Họ thanh thản ra đi, họ coi cái chết như một điều định sẵn vì con đường phía trước:
“Con trai vừa lớn lên, chưa biết yêu đã biết cầm súng đứng vào đội ngũ.../ Đường đến với Tổ quốc là đường đi qua cái chết“ (Lê Lâm). Các anh nguyện:
“Nằm khuất nơi đâu ven rừng đá lạnh/Trọn đời làm chiến sĩ vô danh”(Thu Bồn - Bài ca chim Chơrao).
Sự hi sinh của những người lính là khúc tráng ca bất tử về những con người tình nguyện xả thân vì Tổ quốc. Đó là sự hóa thân kỳ diệu họ vào lòng đất Mẹ và sự bất tử những con người với non sông:
“Tên anh đã thành tên Đất Nước/ Ôi anh giải phóng quân/ Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân“ (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh xuân). Hành trình đi đến chiến thắng của dân tộc không phải là con đường trải đầy hoa hồng và gấm lụa. Đó là chặng đường đầy chông gai mà mỗi tấc đất, mỗi gốc cây đều thấm máu anh hùng. Để rồi, những dòng sông vẫn ca lên những khúc ca về tuổi hai mươi anh hùng đã làm nên dáng hình xứ sở:
“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm” (Lời người bên sông - Lê Bá Dương).
Bức tượng đài về người anh hùng liệt sỹ đã trở thành bất tử trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Mỗi tấc đất quê hương, mỗi ngả rừng, mỗi dòng sông đều là sự hóa thân của các anh, các chị. Mỗi vần thơ viết về đề tài chiến tranh là niềm tự hào, biết ơn và sự ngợi ca trân trọng nhất đối với sự hi sinh của những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.