Họa sĩ Lê Hiền Minh: Tôi phải tìm cho mình con đường riêng biệt

Những ngày này, Lê Hiền Minh (SN 1979, hiện sống tại TP.HCM), con gái của họa sĩ nổi danh Nguyễn Thị Hiền, đang tất bật chuẩn bị cho triển lãm sắp diễn ra tại Hà Nội. Từ TP.HCM, không phải ngẫu nhiên, cô mất nhiều công sức chuyển cả ngàn vật thể và những thứ liên quan khác bằng tàu ra Hà Nội để thực hiện triển lãm sắp đặt lớn nhất của mình từ trước đến nay. Cô nói, triển lãm này cô làm là vì bố, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lê Dưỡng Hạo, ông đã mất mười năm. Sự ra đi của ông, cho đến bây giờ, với cô, vẫn là sự thật khó tin…


Lê Hiền Minh tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Cincinnati, Ohio (Mỹ), chuyên khoa Hội họa. Cô đến với hội họa từ rất sớm. Nếu như mẹ cô, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền lần đầu tiên cầm cọ lúc mới 8 tuổi, khi vừa từ vùng kháng chiến Nhã Nam, ấp Cầu Đen, Yên Thế (Bắc Giang) trở về Thủ đô Hà Nội năm 1954 (bức vẽ này đã đem lại giải thưởng quốc tế đầu tiên cho họa sĩ Nguyễn Thị Hiền tại triển lãm tranh thiếu nhi quốc tế tại Hunggary sau đó); thì Hiền Minh cầm bút vẽ lần đầu khi mới chừng bốn, năm tuổi, cái tuổi mà đôi tay còn quá non nớt để cầm bút chứ chưa nói đến cầm cọ.


Từ bức tranh đầu tiên vẽ bằng sơn dầu, có lẽ là lấy bút vẽ của mẹ, mà bây giờ cô cũng chẳng nhớ là vẽ gì, chỉ mang máng là vẽ tĩnh vật; nhưng đã cho cô một định hướng để theo đuổi sau này: ngành hội họa.


Họa sĩ Lê Hiền Minh.


Chỉ có điều, cô không đi theo lối của mẹ, không phát triển ở dòng tranh sơn dầu, sơn mài hay tranh chân dung, những dòng tranh đã làm nên tên tuổi của mẹ ở cả trong nước và quốc tế; mà chọn cho mình một lối đi riêng khi sử dụng chất liệu truyền thống cho loại hình nghệ thuật hiện đại: Chuyên sáng tác trên giấy dó và giấy bản cho loại hình điêu khắc - sắp đặt; và mười năm nay năm nay cô miệt mài với nó.


Những triển lãm cá nhân: Thân thể (2010, Mỹ), Lê Hiền Minh (2007, Hà Nội), Không đề (2003, TP.HCM), những triển lãm nhóm: Kẻ bộ hành (2012, TP.HCM), Watusi Regime (2011, New York, Mỹ), Tưởng gần nhưng lại là xa (2009, Hàn Quốc), Tình trạng lấp lửng (2004, Mỹ), Tiếng nói hội họa hiện đại Việt Nam (Đức) hay những giải thưởng cô đạt được của Mỹ và Hàn Quốc cũng đều sử dụng chất liệu này.


Cô khẳng định chắc như đinh rằng: “Mẹ đã vẽ quá thành công với chất liệu sơn dầu, sơn mài cũng như mảng chân dung thì tôi đi vào con đường đấy làm gì. Tôi phải tìm con đường mới, riêng biệt của mình”. Mà thật ra, cô cũng không có hứng thú với những dòng tranh này. Tình cờ cô chọn giấy dó để sáng tác và thấy yêu thích chúng. Cô cũng đã từng sử dụng giấy dó của Thái Lan hay Nhật Bản nhưng cho đến hiện tại vẫn chỉ sử dụng giấy dó của Việt Nam mặc dù việc cô dùng chất liệu này đã nhận được không ít lời thắc mắc, thậm chí bàn lui. Lý do tại sao thì cô biết rõ hơn ai hết. Các tác phẩm sáng tác trên chất liệu truyền thống này khó có thể tồn tại được trong thời gian dài vì bản chất của giấy là sẽ tự phân hủy, tan rã theo thời gian. Nhiều người nói rằng, các tác phẩm của cô cũng sẽ không được bảo tàng sưu tập hay các nhà sưu tập có hứng thú để mua. Nhưng tất cả những lời nói đó chưa bao giờ làm cô lung lạc. Niềm đam mê đã trở thành bất di bất dịch trong mọi quyết định về hội họa, cộng với tính cách ương bướng thích là làm khiến cô trung thành tuyệt đối với chất liệu này trong suốt mười năm qua. Hơn nữa, cô cũng nghĩ một cách thuận theo lẽ tự nhiên rằng, việc sử dụng chất liệu giấy tự nhiên là không vĩnh cửu; cũng giống như con người cô, lớn lên rồi già đi, đến một lúc nào đấy sẽ trở về với cát bụi. Tác phẩm của cô cũng sẽ có một vòng đời như thế, thuận theo tự nhiên.


Lần này, triển lãm của Lê Hiền Minh cũng vậy. Với tên gọi “Bố Hạo”, đây sẽ là triển lãm sắp đặt lớn nhất kể từ khi cô bước chân vào làng nghệ thuật đến nay (diễn ra từ 10 - 14/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Ngay từ những suy nghĩ đầu tiên, cô đã biết chắc chắn một trong những tác phẩm sẽ là sắp đặt gồm một ngàn vật thể được làm bằng giấy bản và có hình dáng của sách từ điển (Bố cô là người rất mê sách, ông đọc rất nhiều sách để phục vụ cho việc nghiên cứu của mình. Ông cũng tin rằng mình học được rất nhiều điều từ sách). Tất cả đều rỗng ruột và không có chữ. Tác phẩm sắp đặt này có tên Sách từ điển.


Lý giải cho lựa chọn này, cô nói: “Đây là một lời tuyên bố thay cho sự thất vọng của bố về việc đại bộ phận chúng ta không biết đọc ngôn ngữ Hán Nôm. Chúng ta hoàn toàn bị cắt đứt với chính nền văn hóa của tổ tiên” và cũng thể hiện cách nhìn nhận của lớp trẻ về văn hóa đọc viết của giới trẻ ngày nay. Với sự phát triển của máy vi tính và internet, giới trẻ ngày càng đọc và viết bằng bút, bằng giấy ít đi. Tuy nhiên, lý do riêng của phần sắp đặt còn mang trong đó yếu tố của bản thân cô là Sách từ điển với sự trống rỗng tượng trưng cho những ký ức về bố đã mất đi qua năm tháng. Sự trống rỗng ấy khiến cô nhận ra và giận bản thân mình rằng bao năm ở bên bố bây giờ chỉ là một nắm ký ức lộn xộn, lụn vụn và mỏng manh; dù cho cô cũng không thể phủ nhận nhiều lúc ký ức đến bất chợt mang lại niềm vui và khiến cô mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Sau này, cô quyết định làm thêm một ấn phẩm phụ trợ cho Sách từ điển, đó là tập hợp ảnh chụp vật dụng còn lại của bố và ghi chép lại ký ức về bố có tên “Còn Lại/Rời Rạc”.


Theo lời kể của cô, từ ngày bố mất cho đến tận bây giờ, cô vẫn chưa có đủ can đảm để chấp nhận một thực tế rằng người mình yêu quí đã rời xa, thậm chí “vẫn không thể xem ảnh đám tang của bố” và những cảm xúc của mình về bố là “những cảm xúc lẫn lộn mà tôi đã tránh né trong bao năm”. Cô thừa nhận rằng, mình không biết phải làm như thế nào để bản thân chấp nhận được sự mất mát này, cuối cùng, dù nghe có vẻ cũ, đành nhờ nghệ thuật. Nghệ thuật dường như là cách duy nhất để cô có thể cố gắng đối diện chân thật nhất với cảm xúc của mình cho dù những kỷ niệm mà cô có thể nhớ về bố không nhiều. Những ký ức đó không phải vì ông đã đạt được những thành tựu gì to lớn hay ông có định hướng nghề nghiệp cho cô mà đơn giản chỉ là những việc rất nhỏ nhặt hàng ngày như bố đèo đi học rồi đón về, bố dẫn đi ăn sáng trước khi vào lớp, bố dặn phải mặc áo ấm vì con gái hay bị ho,... “Bây giờ bố mất rồi, tôi mới nhận ra tình yêu thương của bố. Thường ngày chỉ chăm chăm làm những việc “đao to búa lớn” mà quên đi mất việc chăm sóc, quan tâm đến nhau ở những việc bé nhỏ hàng ngày, quên đi rằng những sự chăm sóc tận tuỵ bé nhỏ đấy lại là những động lực vô cùng to lớn. Thiếu vắng nó liệu rằng chúng ta có làm được những việc “đao to búa lớn” không”, Minh nói.


Lê Hiền Minh sinh ra ở Hà Nội, bố Hạo mẹ Hiền gặp nhau, yêu nhau, cưới nhau cũng ở Hà Nội. Trước khi chuyển vào TP. HCM, bố Minh làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Thế nên, dù sau này bố mất tại TP.HCM, nhiều kỷ niệm về cuộc sống sau này của Minh cũng ở TP.HCM nhưng cô vẫn chọn Hà Nội làm nơi triển lãm “Bố Hạo” lần này. Triển lãm đánh dấu mười năm cô chỉ sử dụng chất liệu giấy dó và giấy bản trong tác phẩm nghệ thuật và hơn tất cả, cô làm triển lãm này dành riêng cho cha mình, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lê Dưỡng Hạo, ông đã mất cách đây mười năm. Dù cô nói, những ký ức về ông còn lại chỉ ít ỏi và rời rạc nhưng những gì cô suy nghĩ, thực hiện thì không hề ít ỏi chút nào. Và hơn hết, những dòng ký ức cô viết ra sẽ trưng bày tại triển lãm đã thể hiện cô yêu cha mình đến nhường nào. “Ngày còn đi học trường Kết Đoàn, bố đèo đi học rồi bố đón về. Trước khi vào học, bố hay cho ăn hủ tiếu trong một con hẻm trên đường Võ Văn Tần, gần ngã tư Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM). Bát hủ tiếu của con gái bố gọi cho ít hủ tiếu, thịt nạc, không hành, nước trong. Đến lúc lớn, mỗi khi có kỳ thi quan trọng, bố vẫn đèo đi và bao giờ cũng cho con ăn sáng rồi mới vào lớp. Bố bảo bữa ăn sáng là bữa ăn rất quan trọng trong ngày”, cô đã viết rất rõ nét về hình ảnh cha mình như thế còn gì.



Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN