Thiếu tướng Phạm Văn Quang - Chuẩn Đô đốc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân đã tiếp nhận bức tranh.
Bức tranh sơn dầu Chân dung Bác Hồ đội mũ hải quân khổ 80x100cm do họa sỹ Nguyễn Hoàng Tùng, thành viên công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội thể hiện, dựa trên bức ảnh tư liệu Bác Hồ thăm Vịnh Hạ Long cùng anh hùng vũ trụ Liên Xô Giec-man Titop vào ngày 22-1-1962.
Bức ảnh tư liệu đen trắng chụp không rõ nét do kỹ thuật máy ảnh thời điểm đó chỉ được như vậy. Nhưng với bút pháp vẽ tả thực tinh tế, họa sỹ Nguyễn Hoàng Tùng đã diễn tả sống động chân dung Bác với nụ cười thật tươi, gương mặt nhân hậu với làn da hồng hào, chòm râu và mái tóc bạc như cước, từng sợi tóc được tả chi tiết như nổi lên khỏi toan vẽ. Đôi mắt Bác hướng nhìn biển trời Tổ quốc, toát lên khí phách và tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ với câu nói nổi tiếng: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Chính với mong muốn thể hiện tinh thần câu nói nổi tiếng này nên thay vì vẽ Bác Hồ đứng trong cabin buồng lái như trong bức ảnh tư liệu, họa sỹ Nguyễn Hoàng Tùng đã vẽ chân dung Bác Hồ đội mũ hải quân nổi bật trên nền trời mây và sóng biển hùng vỹ.
Quan tâm nhiều về biển đảo quê hương, Bác Hồ đã nhiều lần tới thăm các đảo như Tuần Châu, Hòn Rồng, Cồn Cỏ, Cô Tô, Vạn Hoa, Bạch Long Vĩ… để thăm hỏi, dặn dò các chiến sỹ, bà con ngư dân miền biển về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh biển đảo. Những câu nói và nhận định của Bác Hồ vẫn luôn đúng cho đến hôm nay.
Là công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội, từng 5 lần ra Trường Sa để thực hiện các công trình nghệ thuật ngoài đảo, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy có nhiều gắn bó với biển đảo và luôn trân quý tinh thần và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 2012 họa sỹ Nguyễn Thu Thủy đã đề xuất và thực hiện thành công ý tưởng xây dựng Lá cờ Tổ quốc Việt Nam bằng gốm lớn nhất trên nóc nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn để khi tìm trên Google map hay bay máy bay trực thăng, tất cả mọi người có thể nhìn thấy. Lá cờ gốm rộng 312m2 được tạo nên từ hàng triệu viên gốm nhỏ có hiệu ứng lấp lánh đặc biệt dưới ánh nắng bình minh và hoàng hôn giữa trùng khơi.
Cũng trong chuyến đi năm 2012, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy đã tặng bức tranh ghép gốm Bác Hồ đội mũ hải quân đến Ban chỉ huy Đảo Trường Sa Lớn. Trong năm 2016, cũng theo đề xuất của họa sỹ Nguyễn Thu Thủy, công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã hoàn thành công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca.
Trong tháng 5 này với sự kiện kỷ niệm tròn 130 năm ngày Sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) và kỷ niệm 65 năm thành lập Quân chủng Hải quân (7/5/1955-7/5/2020), họa sỹ Nguyễn Thu Thủy đã cùng họa sỹ Đỗ Như Điềm thể hiện phác thảo một bức tranh gốm ngoài trời khổ lớn với chủ đề Bác Hồ với các lực lượng Hải quân và ngư dân. Hình tượng Bác Hồ ở vị trí trung tâm cùng với em bé ôm chim bồ câu hòa bình dưới lá cờ sao vàng đỏ thắm gửi gắm thông điệp yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Nụ cười của Bác rạng rỡ bao dung ở giữa các chiến sỹ, sỹ quan hải quân và ngư dân, tỏa sang hai bên là vùng biển vùng trời Việt Nam với tài nguyên biển giàu có, với sức mạnh quân sự luôn sẵn sàng giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy mong muốn được thể hiện bức tranh gốm này bên cạnh con tàu “Không số” HQ671 huyền thoại - con tàu duy nhất còn lại trong đoàn tàu Không số làm nên những chiến công lẫy lừng của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Tàu HQ671 được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào cuối năm 2017. Tàu mới được Bảo tàng Hải quân đưa từ sông Lạch Tray lên khuôn viên bảo tàng vào năm 2018 và hiện các cán bộ bảo tàng đang xây dựng khuôn viên trưng bày. Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cũng đề xuất sửa lại sóng bê tông sơn trắng hiện nay thành con sóng gốm với các tone màu xanh dương uốn lượn mềm mại đỡ bên dưới tàu HQ671.
Với tình cảm tôn kính lãnh tụ và tình yêu biển đảo, các họa sỹ công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội rất mong muốn được đóng góp công sức lao động sáng tạo, góp thêm “vũ khí nghệ thuật” không thể thiếu trên mặt trận tinh thần và ý chí quyết tâm gìn giữ biển đảo quê hương.