Tại lễ ra mắt, Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Barbara Szymanowska cho biết: Thời kỳ Ryszard Kapuscinski sống, làm việc diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng của thế giới. Đó là cuộc nổi dậy của các nhà nước độc lập trên lục địa châu Phi; sự thay đổi tại Nam Mỹ; sự sụp đổ của hệ thống thế giới lưỡng cực và Liên bang Xô Viết vào nửa sau của những năm 80 thế kỷ XX... Kapuscinski có thiên bẩm về quan sát, là nhà vô địch về cách kể chuyện phong phú. Từ những quan sát của mình, ông đánh giá, mô tả lại một cách thú vị.
Dưới ngòi bút của Ryszard Kapuscinski, những cuốn sách như “Gỗ mun”, "Du hành cùng Herodotus”, “Vẫn còn một ngày sống”, "Chân dung tự họa của phóng viên”, ”Đế chế”, “Hoàng đế”… có những yếu tố đặc trưng của phóng sự. Mỗi cuốn sách là kho tàng những lời khuyên về nghề nghiệp, cách sống. Sự toàn cầu trong sáng tác cũng là lý do khiến tác phẩm của ông được dịch ra hàng chục ngôn ngữ trên thế giới.
"Hoàng đế” của Ryszard Kapuscinski là cuốn sách đặc biệt, miêu tả một chính quyền toàn trị với văn phong đầy tính hài hước. Kapuscinski đã cố gắng chỉ ra cho người đọc thấy rằng toàn trị và độc đoán là một hệ thống thể hiện sự bất lực. Mang đậm tính trào lộng, thuần khiết, các thủ pháp nghệ thuật trong tác phẩm là kết quả lao động không mệt mỏi của một tài năng văn học. Với "Hoàng đế”, Kapuscinski đã kết hợp phóng sự với phỏng vấn và ghi chép để tạo nên một thể loại văn học hoàn toàn mới...
Nhân dịp "Hoàng đến" ra mắt ở Việt Nam, vợ của nhà văn quá cố Ryszard Kapuscinski là bà Alicja Kapuscinska đã gửi thư cám ơn những người Việt Nam đã đóng góp tích cực để xuất bản tác phẩm này. Bà nêu rõ: Đúng 40 năm trước, cuốn sách này lần đầu tiên ra mắt bạn đọc Ba Lan, ngày nay tác phẩm đã trở thành một di sản văn chương thế giới. Tác phẩm này đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng khác nhau. Riêng tại Tây Ban Nha, cuốn sách được tái bản lần thứ 15 và nhiều lần được chuyển thể thành kịch bản sân khấu theo yêu cầu của các nhà hát.
Các tác phẩm văn học của Ryszard Kapuscinski xuất hiện ở Việt Nam cách đây chưa lâu. Những thông tin đầu tiên về nhà văn đến với độc giả Việt Nam là vào những năm 90 của thế kỷ XX. Giáo sư Nguyễn Chí Thuật, người trực tiếp biên dịch cuốn “Hoàng đế” của Ryszard Kapuscinski trước đó đã dịch, đăng trích đoạn ”Tản văn” của ông trên tuần báo "Văn hoá” xuất bản ở Hà Nội. Giáo sư cũng đã có bài giới thiệu về Kapuscinski năm 2003 trên tạp chí "Người làm báo" của Hội Nhà báo Việt Nam.
Riêng về cuốn sách ”Hoàng đế”, dịch giả Nguyễn Chí Thuật cho biết: Tạp chí ”Văn học Nước ngoài” của Hội Nhà văn Việt Nam đã in phần I cuốn sách trong số đặc biệt về Kapuscinski nhân kỷ niệm một năm ngày mất của ông; phần II được in trong số đặc biệt về văn học Ba Lan sau năm 1989 trên tạp chí ”Nhà văn và & tác phẩm” năm 2016. Đây là lần đầu tiên kiệt tác "Hoàng đế” được in thành sách, góp phần làm cho Ryszard Kapuscinski trở thành tác giả Ba Lan có vị trí vững chắc trong lòng độc giả Việt Nam.
Năm 2008, kỷ niệm một năm ngày mất của Ryszard Kapuscinski, tạp chí "Văn học Nước ngoài” của Hội Nhà văn Việt Nam đã ra số đặc biệt về nhà văn này. Cũng trong năm đó, tác phẩm "Du hành cùng Herodotus”, bản dịch của dịch giả Thái Linh được in; không lâu sau là cuốn "Heban”...
Ryszard Kapuscinski sinh năm 1932, mất năm 2007 tại Warszawa, Ba Lan. Ông là nhà thơ, nhà báo, nhà văn, nhiếp ảnh gia và nhà lữ hành ở Ba Lan. Ông còn được mệnh danh là “hoàng đế của phóng sự”, được cả thế giới biết đến, công nhận với vai trò người sáng lập ra thể loại phóng sự báo chí. Những phóng sự của ông được viết vào những năm 60-70 thế kỷ trước XX, đến nay vẫn không mất đi tính thời sự bởi ngôn ngữ lôi cuốn, thu hút và đánh thức trí tưởng tượng của độc giả.