Học lại văn hóa nhường đường

Đừng  nghĩ văn hóa giao thông là một điều gì đó to tát, một cử chỉ thôi, biết cách nhường đường cho người đi bộ, những người gặp khó khăn khi tham gia giao thông (trẻ em, người già, người tàn tật…), những phương tiện được quyền ưu tiên, cũng đã chính là một nét văn hóa giao thông rồi. Nét văn hóa giao thông mà lâu nay nhiều người cứ lạnh lùng bỏ qua…

Bài 1: Những ác mộng của du khách nước ngoài

11 giờ trưa một ngày đầu đông, những dòng xe vẫn mải mốt trên con phố Chả Cá (Hà Nội). Đột nhiên dòng xe dừng lại, ngay ngã ngư Chả Cá- Lãn Ông, người sau ngó nghiêng tìm hiểu lý do, người trước thì dẫu dừng lại nhưng vẫn có chút bồn chồn, muốn nhanh nhanh để lại tiếp tục hành trình…

Qua đường ở Việt Nam là một trải nghiệm vô cùng sốc với du khách nước ngoài.


Hóa ra đang có một đoàn khách nước ngoài qua đường, đoàn rất đông, dễ tới vài chục người. Khi người hướng dẫn viên đứng ra xin đường, thì chiếc xe taxi và vài chiếc xe máy đã dừng lại, ngay trước vạch dành cho người đi bộ và kiên nhẫn chờ đợi cho cả đoàn khách đi qua rồi mới tiếp tục chuyển bánh. Vì hàng đầu đã dừng, nên những hàng sau cũng theo nhau mà dừng và chờ đợi.

Tôi ở cuối dòng xe, khi lên tới nơi, chứng kiến sự việc, tự nhiên thấy một chút tự hào. Hóa ra, người Hà Nội mình cũng biết nhường đường đấy chứ!

Nhưng tự hào chưa chớm, thì lại thấy chạnh lòng, rằng lẽ ra, cái việc nhường đường cho người đi bộ, đặc biệt là khách nước ngoài ấy, phải là việc đương nhiên, phải thành một cái nếp trong văn hóa giao thông của chúng ta lâu nay; chứ không phải là một nét đẹp hiếm hoi như vậy, không phải là điều để chúng ta phải tự hào khi nó đột nhiên xảy ra như vậy…

Ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nói riêng, cái nét văn hóa nhường đường rất đẹp và nhiều tình người dường như đã vắng bóng quá lâu. Đổ lỗi cho sự bận rộn, ai cũng vội vã, dù sự vội có khi chỉ là đến một cuộc hẹn uống cà phê chém gió, nên ai ra đường cũng tranh đi, tranh vượt, tranh lượn lách, tranh trèo thượng lên vỉa hè để đi cho nhanh.

Và tất nhiên, đã tranh rồi thì không có chuyện nhường, nhường nhau trên đường cũng không, nhường nhịn cho những người đi bộ qua đường càng không. Dân mình từ lâu thì đã quen, cái thói quen đường cho người đi xe – người đi xe đi, đường cho người đi bộ- người đi bộ đi. Những người đi bộ, rất nhiều là trẻ con, người già hoặc người có tuổi- nhưng cũng đều chấp nhận việc không được nhường đường, chấp nhận tạt qua đầu mũi xe, đồng hành cùng những dòng xe cùng chiều, ngược chiều vun vút để sang đường.

Nhưng với người nước người, thì văn hóa nhường đường ở những thành phố lớn của Việt Nam thực sự là điều kinh khủng. Dễ dàng thôi, tại bất cứ góc phố nào, bạn cũng có thể thấy họ, những người nước ngoài, trẻ có, già có, châu Á có, châu Âu có, châu Mỹ có, đi du lịch bụi có, đi công tác có, làm việc và sống ở Thủ đô cũng có…

Tất cả họ, đều có chung một sự căng thẳng trên khuôn mặt khi phải sang đường. Có nhiều người, thậm chí bất lực với việc sang đường, nên cứ đứng trân trân ngắm dòng người, không biết khi nào sẽ là lúc dành cho mình, bởi dù đèn xanh dành cho người đi bộ, vẫn thấy những dòng xe cơ giới vun vút chạy qua, với những khuôn mặt trên xe vô cảm, không ai tỏ ý quan tâm hay cảm thông, hoặc có ý định hỗ trợ họ. Rất nhiều lần, tôi đã làm động tác dừng xe lại, vẫy tay mời họ qua đường và niềm vui trên khuôn mặt họ thật sự tỏa rạng, bởi lẽ, nếu không, họ không biết sẽ phải làm sao, đứng ở những ngã tư bao nhiêu lâu cho đủ.

Còn nhớ câu chuyện đau lòng về hai vụ tai nạn xảy ra với hai người nước ngoài, trong tuần cuối cùng của tháng 9/2013, tại TP Hồ Chí Minh. Chỉ vì các phương tiện lưu thông đã không nhường đường cho người nước ngoài đi bộ sang đường đúng quy định, mà cô giáo Kakinuma Joji (50 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) đã chết thảm dưới bánh xe buýt trên đường Phạm Ngũ Lão. Còn du khách Blankenstein (46 tuổi, quốc tịch Hà Lan) phải đi cấp cứu sau hai cú tông liên tiếp của xe gắn máy trên đường Bùi Thị Xuân.

Nhắc lại để hiểu hơn, vì sao những người nước ngoài lại sợ văn hóa giao thông Việt Nam và bất lực với văn hóa “không nhường đường” của Việt Nam tới vậy. Câu chuyện của phóng viên với những du khách nước ngoài tới Việt Nam, với những người nước ngoài đã sống và làm việc ở Việt Nam, đều là những minh chứng cho sự sợ hãi đó.

Chúng tôi gặp vợ chồng ông bà Joubert tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Họ là những du khách Pháp lần đầu tiên đến Việt Nam tham quan. Yêu Việt Nam thì có, thích thú với những khám phá trên mảnh đất mình chữ S này trong chuyến du lịch thì có, nhưng với giao thông của Hà Nội, họ thật sự sợ hãi. Bà Joubert cho biết, bà rất sợ việc phải sang đường ở Hà Nội. “Sợ thì sợ, nhưng có việc thì vẫn phải sang, thế cho nên tôi phải rất cẩn trọng khi làm việc này”, bà Joubert chia sẻ. Cùng chung suy nghĩ này, chồng bà cho biết: “Giao thông ở Hà Nội trông không được bảo đảm an toàn cho lắm, có rất đông người và phương tiện, trong khi người tham gia giao thông  lại không tôn trọng luật lệ khi đi trên phố”.

Ông Dan Rathbun, 63 tuổi.

Không phải lần đầu tới Việt Nam, mà đã quá quen thuộc với đất nước này trong suốt 7 năm sống và làm việc tại Việt Nam, nhưng với ông Dan Rathbun, công dân Mỹ, chia sẻ, khi đặt chân tới Việt Nam, cảm nhận đầu tiên của ông đó là giao thông ở đây trông y hệt một cuộc “hỗn chiến”.

Nhớ lại việc lần đầu tiên phải băng qua đường, ông Dan giờ vẫn còn rùng mình: “Khi ấy, tôi đã nghĩ mình sẽ không sống sót để qua được phía bên kia con đường!”. Sợ là vậy, song ông Dan vẫn phải sang đường và theo thời gian, ông cũng làm quen dần với tình trạng giao thông ở Việt Nam.

Cùng với “trạng thái quen” của ông là những “kỷ niệm” nhớ đời  như  lần suýt bị một chiếc xe máy đâm trong… hành lang một khách sạn ở TP Hồ Chí Minh, lần bị tông khi đi trên vỉa hè, hay lần bị một người đàn ông đi ngược chiều trên đường một chiều đâm vào người. “Trong đa số các trường hợp, xương gãy đều liền lại, nên du khách không nên quá lo lắng khi đi lại ở Việt Nam”, ông Dan dí dỏm đùa.

“Tôi có cảm giác là mọi người ở Việt Nam có được thứ quyền tự do hoàn toàn để làm điều họ thích khi tham gia giao thông. Nếu so với giao thông ở Mỹ, thì hệ thống giao thông ở Việt Nam “thú vị” hơn và tạo ra nhiều cơ hội để “phát huy tính sáng tạo”. Ví dụ, ở Mỹ không dễ để có thể lái xe máy trên vỉa hè hay chở 5 người trên một chiếc xe máy nhỏ”, ông Dan Rathbun hóm hỉnh chia sẻ.

Bài 2: Sự vô cảm đáng sợ



Nhóm phóng viên


Nữ cảnh sát giao thông trong thơ Tú Mỡ
Nữ cảnh sát giao thông trong thơ Tú Mỡ

Nhiều người chúng ta hẳn còn nhớ Tú Mỡ… Ông là cây bút xông xáo, đầy nhiệt tình công dân và trách nhiệm xã hội, có uy tín cao với đông đảo bạn đọc cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN