Tại những bãi đất, rồi trên nóc những ngôi nhà xung quanh "sân khấu ngoài trời" của lễ đón nhận, đâu đâu cũng kín người xem. Ai cũng háo hức tham dự Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa cho Hội Gióng, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức sáng 22/1, tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội)...
Đã có chương trình hành động
Buổi lễ được tổ chức tại bãi cát sát chân đê làng Phù Đổng, nơi diễn ra trận đánh phất cờ lệnh của Hội Gióng. Mở đầu là lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống trang nghiêm tưởng nhớ vị Thánh huyền thoại.
Sau phần lễ là chương trình biểu diễn với những màn diễn xướng quan trọng, đầy hưng phấn của Hội Gióng, do nhân dân huyện Gia Lâm, Sóc Sơn và các nghệ sĩ diễn viên thực hiện. Đặc biệt ấn tượng là các màn rước ngựa, múa cờ lệnh, cướp chiếu, múa kéo chữ “Quốc thái dân an, thiện hạ thái bình”, rước giò hoa tre, với sự tham gia của 500 diễn viên quần chúng và hàng ngàn người dân địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã trở thành Di sản văn hóa của nhân loại, một trong 213 di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia trên thế giới.
Vinh dự này trước hết thuộc về các thế hệ tiền nhân đã sáng tạo, dựng xây để lại cho thế hệ hôm nay những di sản vô giá; thuộc về cộng đồng các người dân ở các làng quê huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thường Tín và quận Long Biên hàng trăm năm qua đã trân trọng gìn giữ, bảo tồn các di tích, truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội phụng thờ Thánh Gióng.
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã trao bằng của UNESCO ghi danh Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho thành phố Hà Nội, đồng thời trình bày bản đánh giá của UNESCO về Hội Gióng, trong đó nhấn mạnh:
Hội Gióng ăn sâu trong đời sống của các cộng đồng dân cư vùng châu thổ sông Hồng như một phần bản sắc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một dòng chảy liên tục. Việc ghi danh Hội Gióng vào danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, sẽ góp phần thúc đẩy tính sáng tạo của con người và thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa, góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể nói chung.
Tái hiện lại hình ảnh Lễ hội Gióng tại xã Phù Đổng nhân dịp đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN |
Tại buổi lễ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hội Gióng giai đoạn 2011-2015, với các nội dung: Hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học của Hội Gióng, cập nhật hàng năm; xây dựng chính sách ưu đãi với những người thực hành lễ hội (các ông hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, hiệu tiểu hổ, cô tướng…) ở các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín và quận Long Biên; sưu tập phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các văn bia, thần tích, sắc phong liên quan tới Thánh Gióng.
Cùng với đó, Nhà nước hỗ trợ tạo điều kiện cho Ban quản lý di tích đền Phù Đổng, Trung tâm du lịch di tích đền Sóc và cộng đồng các địa phương tổ chức Hội Gióng như tập quán lâu nay, ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa và sân khấu hóa lễ hội; hỗ trợ cộng đồng phục hồi đầy đủ Hội Gióng ở các làng của huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thường Tín; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền Phù Đổng, đền Sóc và các di tích liên quan đến Thánh Gióng ở các làng xã của Hà Nội.
Chương trình cũng đề cập đến việc hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nghi lễ, trò diễn của Hội Gióng; đưa công nghệ thông tin phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản; cải tiến nâng cao chất lượng giảng dạy về truyền thuyết Thánh Gióng và Hội Gióng trong trường phổ thông và đại học; mở chuyên mục tuyên truyền về Hội Gióng từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch hàng năm…
Chung sức vì Hội Gióng
Là lễ hội lớn và đặc sắc tưởng nhớ Thánh Gióng, trong “Tứ Thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Hội Gióng cũng là lễ hội độc nhất vô nhị của người Việt ở châu thổ Bắc bộ. Lễ hội độc đáo này được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới. Hàng năm, Hội Gióng được tổ chức ở nhiều địa điểm thuộc địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận, trong đó tâm điểm là Hội Gióng đền Sóc (nơi Thánh Gióng bay về trời) diễn ra từ ngày 6-8 tháng giêng âm lịch, với các nghi lễ: Rước hương hoa oản phẩm, giò hoa tre, voi chiến, cầu húc… Hội Gióng đền Phù Đổng (nơi sinh Thánh Gióng) diễn ra vào ngày 8 và 9/4 âm lịch như một kịch trường sống động, nổi bật với các màn diễn xướng dân gian đặc sắc, các đoàn rước, các trận đánh ước lệ ở bãi Đống Đàm, Soi Bia… |
Theo lời kể của những người dân ở xã Phù Đổng, cả xã đã háo hức chuẩn bị cho buổi lễ từ nhiều ngày trước. Đặc biệt là những gia đình nào có con được chọn vào vai ông hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, vai ông Tiểu Hổ, vai nữ tướng giặc, rồi cả những người tham gia trong phường áo đen, áo đỏ… đã dành hầu hết thời gian để tập dượt, chuẩn bị trang phục, đạo cụ cho buổi lễ. Ai cũng coi như đây là việc của mình, của nhà mình.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đảng (xã Phù Đổng), năm nay có con trai là Nguyễn Văn Phương được đóng vai ông hiệu chiêng. Cả hai bên nội, ngoại đều rất tự hào, nên cắt cử người đi theo phục vụ rất đông. Ông Đảng hãnh diện kể, riêng trong lễ đón bằng công nhận này đã có 30 người đi theo phục vụ. "Còn nếu trong hội chính thì sẽ có khoảng 100 người trong gia đình đi theo phục vụ ông hiệu chiêng cơ đấy" - ông Đảng cho biết. "Được tham gia Hội Gióng, được đóng góp công sức, tiền của khi tham gia lễ hội là niềm vinh dự cho cả gia đình, dòng họ, nên tất cả mọi người đều phấn khởi và thành tâm khi tham gia. Không điều gì và cũng không khó khăn gì khiến cho gia đình phải lùi bước. Chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia lễ hội, sẵn sàng đóng góp công sức để gìn giữ Hội Gióng cho những thế hệ sau” - ông Đảng khẳng định.
Được vào vai ông hiệu cờ, một trong những ông hiệu quan trọng nhất, Nguyễn Văn Việt (xóm Lai, Phù Dực, Phù Đổng) rất tự hào kể: “Để đóng được ông hiệu cờ, em được thầy, là người đã từng đóng ông hiệu trong những Hội Gióng trước đây, dạy tỉ mỉ từng bước chân, từng động tác múa cờ. Tuy khó nhưng em đã rất cố gắng để học thật đúng, không chỉ để múa đẹp, mà sau này còn dạy lại những người sau”.
Không chỉ tới khi lễ hội được công nhận, mà sớm hơn thế, những người dân ở đây đã coi Hội Gióng là tài sản của mình. Và cũng chỉ tới làng Phù Đổng, gặp gỡ và trò chuyện với mọi người, mới hiểu được, tại sao Hội Gióng lại giữ được truyền thống lâu đến thế.
Từ người già đến trẻ nhỏ, chỉ cần là người làng Phù Đổng thì hỏi bất cứ điều gì về Hội Gióng đều nhận được câu trả lời chính xác, rành mạch. Em Phạm Hữu Quân (làng Phù Đổng) tuy mới 10 tuổi, nhưng chỉ cần nhìn trang phục mọi người mặc, nhìn những đạo cụ đi kèm đã có thể kể vanh vách: Anh này là ông hiệu cờ, anh này là hiệu trống, anh này là hiệu chiêng, anh kia là trung quân, những người này là phường áo đỏ, áo đen… Hỏi ai dạy, Quân trả lời đơn giản: “Từ nhỏ chúng em theo cha mẹ đi xem hội và đã biết rồi”.
Tự hào về lễ hội của quê hương, cụ Lê Văn Tặng - cụ từ trông coi đền Gióng, cũng khẳng định: “Hội Gióng đã được chính những người dân gìn giữ và bảo vệ từ trước đến nay, và chắc chắn sau này cũng sẽ vẫn như thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục giáo dục con cháu tham gia và gìn giữ lễ hội như bao đời nay chúng tôi vẫn làm”.
Phương Lan - Hồng Hạnh