Xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) là một trong bốn nhóm giải pháp lớn được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Kể từ khi Ban chỉ đạo Trung ương (BCĐTW) phong trào TDĐKXDĐSVH ra mắt và phát động triển khai phong trào đến nay đã 10 năm, với vai trò chỉ đạo, định hướng phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH, BCĐTW đã chỉ đạo triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương cũng đưa mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện phong trào vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch nhà nước các cấp.
Bài 1: Thành quả 10 năm nhìn lại
Chuyển biến mọi mặt
Qua 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, với quan điểm đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào, để các nội dung văn hóa của phong trào thấm sâu vào mọi tầng lớp xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở… đến nay, phong trào TDĐKXDĐSVH đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Ký cam kết thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư xóm 14, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ảnh: Trần Cảnh Yên - TTXVN |
Công tác biểu dương “Người tốt, việc tốt” tạo nên những tấm gương sáng, cổ vũ mọi người tham gia phong trào TDĐKXDĐSVH đã được coi trọng. Đã có 1,2 triệu người tốt, việc tốt được suy tôn ở các cấp, góp phần xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống; tạo hạt nhân tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển về chiều rộng và bề sâu, thu hút trên 90% gia đình tham gia. Tính đến nay, cả nước đã có 16 triệu gia đình được công nhận “gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 70,8%), có 58.284/86.761 làng (thôn, ấp, bản, buôn, tổ dân số…) văn hóa được công nhận, góp phần xây dựng cộng đồng các khu dân cư từng bước ổn định, phát triển về kinh tế, xã hội, có đời sống lành mạnh, phong phú.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội đã có những chuyển biến tiến bộ, nhất là ở khu vực nông thôn. Cả nước có trên 50% khu dân cư được đánh giá thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang.
Các thủ tục được đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo chu đáo. Trong tổ chức lễ hội, nạn cờ bạc, cá độ giảm 60%, hoạt động mê tín, dị đoan giảm 59%, tổ chức tràn lan, lãng phí giảm 47%. Ngoài ra, nhờ đẩy mạnh thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH mà truyền thống đoàn kết và đạo lý dân tộc đã được phát huy.
Những “hạt giống” ở địa phương
Hải Dương là một trong những địa phương đã đạt được những kết quả tích cực trong 10 năm thực hiện phong trào này. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa ở đây đã đạt 83,%, tiêu biểu như gia đình ông Trịnh Văn Nghệ (thôn Lẻ, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng), gia đình bà Nguyễn Thị Mươi (thôn Bình Đê, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc)… nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa; làng, khu dân cư văn hóa đạt 56,8% như làng văn hóa Bùi Xá, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang; làng Xuân Kiều, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng; làng Tranh Xuyên, xã Đông Tâm, huyện Ninh Giang)…
Có trên 67% số cơ quan đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa; toàn tỉnh có 23% số dân luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên, 15% số gia đình được công nhận là gia đình thể thao (như gia đình ông Đoàn Văn Tỉnh ở TP Hải Dương và Nguyễn Văn Khánh ở xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc), 100% các trường học giáo dục thể chất đảm bảo chất lượng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,9%.
Hà Giang cũng là một tỉnh có phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển tương đối mạnh. Ông Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH cho biết: Qua 10 năm thực hiện, phong trào TDĐKXDĐSVH ở Hà Giang đã có tác động mạnh mẽ và toàn diện lên mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tính đến nay, Hà Giang có 130.031 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, tăng 16% so với năm 2000; 54.000 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, tăng 31,4% so với năm 2000; 599 cơ quan được công nhận danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa. Toàn tỉnh có 324 câu lạc bộ gia đình văn hóa, tăng 100% so với năm 2000; 1.330 làng, bản, khu phố được công nhận danh hiệu làng văn hóa, tổ khu phố văn hóa, tăng 106,76% so với năm 2000.
Phong trào xây dựng khu dân cư tiên tiến của Hà Giang đã khơi dậy được truyền thống đại đoàn kết các dân tộc, tình làng nghĩa xóm được phát huy, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. 10 năm qua toàn tỉnh có 1.172 khu dân cư tiên tiến; 35.311 hộ nông dân SXKD giỏi, trong đó có 2.055 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, 625 hộ đạt danh hiệu cấp T.Ư.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Hàng chục ngàn hộ trong tỉnh đã thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 51,05% (năm 2005) xuống còn khoảng 15%. 10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động sự tham gia của đông đảo cán bộ CCVC, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh được trên 15 tỷ đồng để ủng hộ chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hỗ trợ tấm lợp, phản nằm, xây dựng nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn bản...
Nhóm PV
Bài 2: Những mô hình hiệu quả