Với bề dày lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển gần 300 năm, dù trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, hòa chung trong dòng chảy Phật giáo Việt Nam, sơn môn Liên Phái đã xác định được vị trí và vai trò của mình trong lòng Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Điều đó càng được khẳng định kể từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay, sơn môn Liên Phái đã có đại diện tham gia Giáo hội ngay từ những ngày đầu thành lập và trong suốt hơn 40 năm qua luôn có những vị cao tăng, thạc đức tham gia lãnh đạo Giáo hội và có những đóng góp xứng đáng cho đất nước, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương cao quý. Có những cơ sở thờ tự của sơn môn đã được Nhà nước công nhận là di tích cần được bảo tồn và gìn giữ, như ngôi chùa Liên Phái đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) cho biết: Việc tổ chức Hội thảo nhằm tưởng nhớ công lao của Thiền sư Như Trừng Lân Giác, cũng như để nhìn nhận về những đóng góp của Tổ sư và Sơn môn Liên phái cho Phật giáo Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, dân tộc Việt Nam là việc làm cần thiết và có ý nghĩa rất thiết thực, thể hiện sự tri ân và báo ân đối với những bậc tiền nhân đi trước, đó là duy trì và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đồng thời đánh giá, ghi nhận và phát huy những đóng góp và giá trị tích cực của sơn môn Liên Phái đối với đời sống xã hội.
“Sơn môn chính là nền tảng, là căn cốt cho sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam, là gốc rễ để duy trì và tiếp nối các truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị theo thời gian”, bà Trần Thị Minh Nga nói.
Thực tế sơn môn nói chung, sơn môn Liên Phái nói riêng có thể khác nhau về sắc thái, đường lối tu tập, có những quy định riêng, nhưng đều có điểm chung là môi trường rất tốt để quản lý, giáo dục tăng ni, tu tập, rèn luyện, hành đạo, giữ gìn giới luật, duy trì mạng mạch Phật giáo.
Ở góc độ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, bà Trần Thị Minh Nga cho biết cũng nhận thấy được vai trò và vị trí quan trọng của các sơn môn trong hệ thống Phật giáo Việt Nam và trong xã hội Việt Nam, trong đó có sơn môn Liên Phái; mong muốn Hội thảo làm rõ hơn về những đóng góp của các vị chư Tổ và sơn môn Liên Phái cho Phật giáo Việt Nam, cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước. Qua đó, các tăng ni sẽ thêm trân quý và giữ gìn hình ảnh, giá trị của sơn môn; nhìn nhận, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của sơn môn đối với Phật giáo và xã hội.
Bà Nga cũng mong Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo tiếp tục có thêm nhiều hội thảo ý nghĩa, thiết thực nhằm đánh giá vai trò, vị trí của sơn môn, hệ phái trong việc gắn kết và xây dựng tổ chức Giáo hội, hiện thực hóa nội dung trong Lời nói đầu các bản Hiến chương của Giáo hội là thống nhất về lãnh đạo, về tổ chức, về ý chí và hành động nhưng vẫn tôn trọng và duy trì truyền thống của các hệ phái, pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp, nhằm phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, tinh thần nhân văn, nhân ái, vì cộng đồng của Phật giáo để biến thành các nguồn lực trong sự nghiệp xây dựng Giáo hội và đất nước.
Nhấn mạnh đến công đức của Tổ Như Trừng Lân Giác và vị trí, vai trò, giá trị văn hóa của sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng - Tiến sỹ Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Liên Phái (Hà Nội) cho biết: Tổ Như Trùng Lân Giác (1696-1733), thế danh là Trịnh Thập. Ngài là đời thứ 37 tông Lâm Tế. Ngài sinh trưởng trong gia đình quý tộc họ Trịnh tại kinh thành Thăng Long, triều vua Lê Hy Tông.
Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã tỏ ra là người thông minh, học rộng biết nhiều. Khi trưởng thành, lại hội đủ tài, đức nên vua Lê Hy Tông đã gả con gái cho Ngài và cấp một khu đất rộng ở tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên.
Một lần, Ngài sai người đào gò đất trong khu đất được vua cấp để làm ao thả cá thì thấy bông sen lớn, Ngài cho là điềm xuất gia. Sau đó, Ngài đã đổi nhà làm chùa, đặt tên là chùa Liên Hoa (chùa Hoa Sen) nay là chùa Liên Phái, Hà Nội. Sau đó, Ngài xin vua Lê Hy Tông xả tục xuất gia và được nhà vua chấp thuận.
Ngài đến chùa Long Động, núi Yên Tử, Đông Triều theo Thiền sư Chân Nguyên học đạo. Sau thời gian học đạo, Ngài trở về trụ trì chùa Liên Hoa và thu nhận học trò, phát triển thành phái riêng, hiệu là Liên Tông (tông thiền Liên Hoa). Đồng thời chùa cũng đổi tên thành chùa Liên Tông. Thời gian sau, chùa Liên Tông lại trùng tên nhà vua Miên Tông nên chùa lại đổi tên thành chùa Liên Phái cho đến ngày nay. Chùa Liên Phái là nơi in khắc kinh lục nổi tiếng thời bấy giờ, và trở thành chi phái Phật giáo phát triển không chỉ ở Thăng Long - Hà Nội mà còn ở Bắc Ninh và nhiều vùng khác ở miền Bắc.
Chùa Liên Phái trải qua nhiều thăng trầm vẫn giữ được giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và giá trị tôn giáo độc đáo, riêng biệt và lan tỏa suốt 297 năm nay. Sinh thời, Tổ Như Trừng Lân Giác đã độ được nhiều đệ tử, dựng được nhiều ngôi chùa. Nếu thời Trần có Sơ tổ Trần Nhân Tông là người đã khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm thì vào thời hậu Lê có Thiền sư Như Trừng Lân Giác lập ra phái Liên Tông.
Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chư tôn đức, tăng, ni đã trao đổi, tham luận về cuộc đời, đạo nghiệp, hành trạng, những di sản và đóng góp của Tổ Như Trừng Lân Giác nói riêng, về chùa và sơn môn Liên Phái nói chung với nhiều phát hiện mới, tư liệu mới.