Diễn ra từ ngày 20/5 đến hết ngày 1/6, Liên hoan thu hút sự tham gia của hơn 2.000 nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công, trình diễn 130 trích đoạn tiêu biểu, đặc sắc của các loại hình nghệ thuật thuộc thể loại sân khấu như: tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói, xiếc...
Các nghệ sỹ, diễn viên thuộc 32 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống chuyên nghiệp công lập và đơn vị nghệ thuật hoạt động theo mô hình xã hội hóa gồm: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Đoàn Chèo Quân đội, Nhà hát Kịch Công an nhân dân, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, Nhà hát Cải luơng Trần Hữu Trang, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh…
Theo thể lệ cuộc thi, mỗi đoàn tham dự không quá 5 trích đoạn, mỗi trích đoạn không quá 25 phút. Phần nội dung có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng, đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn; lên án cái xấu, cái ác; khắc họa rõ nét tính cách, hình tượng nhân vật. Ban Tổ chức khuyến khích những trích đoạn xây dựng hình tượng về con người tiêu biểu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quy mô toàn quốc và quốc tế, góp phần phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân, đồng thời quảng bá văn hóa, du lịch của tỉnh. Liên hoan là dịp để khán giả và những người yêu nghệ thuật truyền thống được gặp gỡ, giao lưu, thưởng thức các tiết mục đặc sắc đến từ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của cả nước và các nghệ sỹ ở các loại hình nghệ thuật khác nhau.
Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan nhấn mạnh, Liên hoan là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống trước những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường; giới thiệu những tiết mục nghệ thuật xuất sắc, trích đoạn hay, mảng miếng “độc, lạ” nhất của nghệ thuật sân khấu đến với khán giả. Đây còn là hoạt động tôn vinh các nghệ sĩ sân khấu ở mọi lứa tuổi đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo và khát vọng cống hiến trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; là dịp để các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm sáng tạo ra nhiều trích đoạn, vai diễn hay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. Thông qua các trích đoạn hay của sân khấu, những vấn đề từ đời sống đương đại của quốc gia, dân tộc và cộng đồng sẽ được soi chiếu, khám phá, rút ra nhận thức thẩm mỹ về đời sống, giá trị nhân văn cao đẹp, cách đối nhân, xử thế văn minh...
Liên hoan cũng là cơ hội để Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và các nhà quản lý nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên từ đó có những giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Liên hoan diễn ra tại Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh Hà Nam (thành phố Phủ Lý).