Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Quốc gia Quỹ FNF Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đối tác xây dựng công viên địa chất.
Công viên địa chất Lạng Sơn được xây dựng bao gồm 5 huyện là Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Hữu Lũng và Chi Lăng; tổng diện tích gần 3.900 km2 với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại những địa phương này có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đậm nét vùng cao và đặc sắc về tín ngưỡng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà cho biết, việc thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh - quốc phòng của khu vực công viên địa chất nói riêng, Lạng Sơn và các tỉnh Đông Bắc Việt Nam nói chung.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những tham luận chia sẻ kinh nghiệm liên quan tới xây dựng Công viên địa chất và phát triển đối tác hợp tác công tư.
Về kinh nghiệm triển khai các kế hoạch xây dựng Công viên địa chất gắn với hợp tác công tư, Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Thị Yến Ngọc cho rằng, Lạng Sơn cần xây dựng Ban quản lý đủ mạnh, đủ quyền hạn và quản lý một cách hiệu quả; có những ký kết thỏa thuận hợp tác công tư với một số doanh nghiệp tư nhân có mong muốn tham gia vào quá trình xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch, hợp tác quốc tế và tham gia các hoạt động của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
Đối với vấn đề quản lý các di sản địa chất kết hợp phát triển kinh tế bền vững, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, Lạng Sơn cần nghiên cứu rà soát thêm về công tác bảo vệ các vùng đá vôi bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số một cách hiệu quả và đặc sắc nhất, để từ đó có một khu vực mà người dân có thể “sống được từ du lịch”. Về lâu dài, tỉnh cũng cần xây dựng quy hoạch tổng thể khu du lịch trọng điểm quốc gia với những nội dung cụ thể, bài bản, qua đó không chỉ nâng tầm du lịch Lạng Sơn mà còn góp phần nâng cao sinh kế cho đồng bào trong khu vực.
Liên quan tới nội dung bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của công viên địa chất, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những tập quán, truyền thống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở khu vực công viên như cộng đồng dân tộc tại chỗ, các dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Sơn là những di sản cần có kế hoạch bảo vệ. Để làm được điều này cần tổ chức khảo sát, kiểm kê, đánh giá thực trạng di sản địa phương, đồng thời có kế hoạch và biện pháp bảo vệ đối với các loại hình di sản vật thể, phi vật thể cũng như phát triển du lịch cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho biết, những kinh nghiệm, khuyến nghị của các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp được đưa ra là rất hữu ích cho Lạng Sơn. Tỉnh sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến, khuyến nghị trên trong quá trình xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn.
Qua đây, lãnh đạo tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ, hợp tác trong thời gian tới. Lạng Sơn hoan nghênh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế nghiên cứu và triển khai hợp tác đầu tư, tài trợ, triển khai các dự án nghiên cứu, tôn tạo, bảo tồn, phục dựng, đầu tư, nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản và công viên địa chất, hạ tầng du lịch… góp phần giúp tỉnh xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn; thực hiện mục tiêu sớm được UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu.