Thông tư này hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Thông tư này không áp dụng đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Thông tư nêu rõ, việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí cho tổ chức lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức, Ban tổ chức lễ hội khi ban hành quy chế làm việc và phân công trách nhiệm của các thành viên ban tổ chức lễ hội, có trách nhiệm phân công cho một đơn vị chức năng chủ trì thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội. Đơn vị được giao tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí có trách nhiệm, mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt, Thông rư nêu rõ, phải cử người tiếp nhận; mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản kinh phí cho tổ chức lễ hội đã tiếp nhận.
Thông tư cũng quy định chi tiết nội dung chi tổ chức lễ hội; mức chi do Trưởng Ban tổ chức lễ hội quyết định theo Quy chế tổ chức, tài chính lễ hội, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Đối với lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức, tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội phải mở sổ sách ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho tổ chức lễ hội; tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho tổ chức lễ hội, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội và quy định của pháp luật.
Việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, Thông tư quy định, chi tiết theo 5 chủ thể là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích, bao gồm người đại diện cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, chủ sở hữu di tích tư nhân, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý di tích kiêm nhiệm.
Ngoài ra, Thông tư quy định chi tiết các nội dung chi bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Mức chi do người đứng đầu của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích quyết định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Thông tư nhấn mạnh, với các quy định nêu trên, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/3/2023.