Hướng đến 'tour' du lịch nghệ thuật tại Nhà hát Lớn

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên kế hoạch tiếp tục đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn, vừa để tôn vinh xứng đáng cho nghệ thuật truyền thống, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đồng thời hướng đến việc xây dựng tour du lịch nghệ thuật, để Nhà hát Lớn thành điểm đến giao lưu văn hóa Việt.

Chèo, tuồng, cải lương tiếp tục vào Nhà hát Lớn

Tiếp nối thành công của chuỗi chương trình nghệ thuật chất lượng cao được đưa vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn từ năm 2016, sang năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chủ trương đưa các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đưa các vở kịch có tiếng vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Vở "Kiều" của Nhà hát Kịch được chọn biểu diễn ở Nhà hát Lớn.


Theo kế hoạch, trong năm 2017, sẽ có hai đợt diễn lớn. Đợt đầu dự kiến vào tháng 5/2017, sẽ tập trung các đơn vị nghệ thuật truyền thống tham gia biểu diễn, bao gồm: Nhà hát Cải lương Việt Nam có 2 vở “Cung phi Điểm Bích” và “Hừng đông”; Nhà hát Múa rối Việt Nam có 2 vở “Aladanh và cây đèn thần” và Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh; Nhà hát Chèo Hà Nội diễn “Nàng thứ phi họ Đặng” và “Vương nữ Mê Linh”; Nhà hát Tuồng Việt Nam có “Nữ tướng Đào Tam Xuân” và “Chuyện bịa của Làng Vồm”; Nhà hát Ca kịch Huế với vở “Vụ án Lệ Chi Viên” và “Dòng sông đỏ”; Nhà hát Chèo Việt Nam diễn “Súy Vân” và “Dây tràng hạt diệu kỳ”.

Đợt cao điểm thứ 2 diễn ra vào tháng 8, sẽ là chương trình biểu diễn các vở kịch nổi tiếng. Với chủ đề “Những vở kịch còn mãi với thời gian”, các chương trình biểu diễn tháng 8 có sự tham gia của 5 nhà hát và đoàn nghệ thuật: Nhà hát Tuổi trẻ với “Vòng phấn Kavkaz”, “Tất cả đều là con tôi” và “Công lý không gục ngã”, Nhà hát Kịch Hà Nội với các vở “Những mặt người thấp thoáng”, “Bỉ vỏ”, “Cát bụi”; Nhà hát Kịch Việt Nam với “Hamlet”, “Kiều” và “Lâu đài cát”; Đoàn Kịch nói Công an nhân dân với “Đường đua trong bóng tối”, “Quyết đấu giữa sương mù”; Nhà hát Kịch nói Quân đội với vở “Dưới cát là nước”.


Bên cạnh đó, một số đơn vị nghệ thuật biểu diễn không nằm trong hai đợt diễn theo chuyên đề, cũng có lịch diễn tại Nhà hát Lớn trong năm 2017, đó là: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc. Một số địa phương có những loại hình nghệ thuật đặc trưng, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận như Quan họ, Ca trù, Dân ca ví giặm, Đờn ca tài tử… cũng có thể sẽ được mời đến biểu diễn.


Theo đó, tiêu chí lựa chọn các vở tham gia biểu diễn tại Nhà hát Lớn trong năm 2017, đều phải là những vở diễn, chương trình nghệ thuật đạt chất lượng cao, tiêu biểu của từng nhà hát, từng loại hình nghệ thuật, nhằm phát triển các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn theo chiều sâu hơn.


Nghệ thuật phục vụ du khách


Với chủ chương bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa gồm: Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng xây kế hoạch xây dựng sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Nhà hát Lớn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan sử dụng các nguồn lực, các chuyên gia trong ngành để hiện thực hóa ý tưởng này. Sau khi chương trình xây dựng hoàn thiện, sẽ tiến hành giới thiệu, quảng bá đến các công ty du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp du lịch hưởng ứng chương trình này.  


Bộ Văn hóa cũng yêu cầu, các chương trình biểu diễn phục vụ du khách cần ngắn gọn, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, nhưng cũng có tính giải trí, nhẹ nhàng, giúp du khách vừa có cơ hội tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật Việt Nam, vừa có những giây phút vui vẻ, thư giãn khi đến Thủ đô.


Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, chủ trương xây dựng sản phẩm nghệ thuật dành cho khách du lịch tại Nhà hát Lớn là rất đúng đắn và khả thi. Bởi, bản thân Nhà hát Lớn là biểu tượng văn hóa lịch sử của thủ đô, của Việt Nam, hội tụ những giá trị tiêu biểu, khác biệt, thu hút du khách đến tham quan và thưởng thức nghệ thuật. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL là nơi hội tụ của các nghệ sỹ, nhà hát hàng đầu cả nước, là điều kiện rất thuận lợi để hiện thực hóa chủ trương này. Ông Nguyễn Văn Tuấn đề nghị, Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì xây dựng Đề án, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ hoàn thiện, Nhà hát Lớn xây dựng chương trình tour tham quan tại Nhà hát và nội dung thuyết minh để giới thiệu với du khách.


Trước mắt, cần chuẩn bị đội ngũ thuyết minh viên tại điểm tham quan Nhà hát Lớn, bài giới thiệu, tập gấp, tờ rơi…; xây dựng và công bố sớm các chương trình nghệ thuật truyền thống sẽ diễn trong Nhà hát Lớn để các công ty lữ hành đưa vào chương trình tour, quảng bá đến du khách.

Phương Hà
Chương trình nghệ thuật “Mùa xuân” tại Hà Nội
Chương trình nghệ thuật “Mùa xuân” tại Hà Nội

Gala nghệ thuật “Mùa xuân” sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 16-17/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN