Nếu nói về cảm hứng xuyên suốt tập truyện thì có lẽ chỉ cô đọng trong hai từ “đàn bà”. Y Ban làm hằn lên trong từng câu chuyện những lý giải của bà về tâm lý của người phụ nữ, hoang hoải không ngừng câu hỏi về những khát vọng, ước muốn tột cùng của phận đàn bà.
Song song với đó, truyện của bà đặt những tấm thân phụ nữ bé nhỏ vào những cảnh đời méo mó dị thường khác nhau, đẩy những ý nghĩ của nửa giới còn lại lên một “hình thù” trừu tượng, có đấu tranh, có giằng xé, có những khúc quanh gợi mở và cả những sự trỗi dậy đột ngột của ý chí được yêu thương, được sống và sống cho ra con người toàn vẹn.
Đó là tự sự của ba cô gái trẻ với nỗi sợ, sự ê chề, tủi nhục và giằng xé trong lần phá thai đầu tiên; là người đàn bà chịu phận người giúp việc xa xứ sống cô quạnh trong nỗi nhớ chồng, nhớ con để rồi đẩy mình vào phút cao trào của ham muốn đơn thuần và đàn bà nhất; hay người đàn bà tưởng chừng như có cuộc sống toàn vẹn nhưng không ngừng hoài nghi về bốn bức tường hạnh phúc mà người chồng tạo dựng nên để rồi tự buông mình vào ranh giới của việc ngoại tình...
I am Đàn bà không vạch trần những mặc cảm, tủi hổ hay phán xét đúng sai về thân phận người đàn bà. Ngược lại, từng câu chuyện đấu tranh cho quyền và cái bản thể trần trụi, thô sơ nhất của mỗi phụ nữ vượt lên sự áp của chuẩn mực.
Mạch truyện pha lẫn nhiều cao trào, ngôn từ đầy mạnh mẽ và chất chứa những kìm nén, dồn lại và đẩy ra biết bao sự thương cảm, xót xa và tình người cũng như cái nhìn đầy bao dung.
Không chỉ tiếp tục dòng chảy và đam mê văn chương với thể loại truyện ngắn, I am Đàn bà còn là tác phẩm song ngữ Việt - Anh nhằm quảng bá chất văn đầy nội lực, sục sôi của Y Ban - nhà văn của những hệ lụy bất thường tới bạn đọc quốc tế.