Đây là một trong những hoạt động tích cực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như tỉnh Bắc Ninh trong công tác bảo tồn, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, khi nghề này đang có nguy cơ mai một, cần bảo vệ khẩn cấp.
Theo đó, hai đơn vị thống nhất tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ nhau đưa học sinh các cấp học, khách du lịch đến Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ để tìm hiểu di sản văn hóa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, truyền thống lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Ninh… góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cho học sinh, du khách trong và ngoài tỉnh.
Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thuyết minh viên để đón du khách; tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề làm tranh dân gian Đông Hồ và các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống; thực hiện các hoạt động quảng bá, tuyên truyền về các hoạt động tại Trung tâm.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển giáo dục và du lịch Sun Star đảm bảo các điều kiện, năng lực theo quy định để đưa học sinh về tham quan trải nghiệm tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ; cam kết hằng năm đưa từ 15.000 - 20.000 khách du lịch và học sinh về tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, Công ty phối hợp quảng bá, hỗ trợ quảng bá di sản nghề làm tranh dân gian Đông Hồ và các loại hình nghệ thuật truyền thống khác của tỉnh Bắc Ninh…
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch Nguyễn Văn Luyện, chương trình được tổ chức nhằm thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa nói chung và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng; đồng thời, phát triển Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ trở thành điểm giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa tiêu biểu của quê hương Bắc Ninh. Hoạt động góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ và các loại hình di sản, nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống; giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về di sản văn hóa của địa phương…
Tranh dân gian Đông Hồ là một Di sản văn hóa quý giá được nhân dân làng Đông Hồ sáng tạo, trao truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, phong tục, tập quán và quan niệm thẩm mỹ của người nông dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tháng 3/2020, Việt Nam đệ trình UNESCO hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" để xem xét ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, dự kiến được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2024.
Tỉnh Bắc Ninh đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ và dòng tranh quý này. Trong đó, tỉnh phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đề án gồm nhiều tiểu dự án, trong đó có dự án xây dựng Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng.
Để quản lý, vận hành Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, vào các dịp sự kiện, cuối tuần, Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh cử cán bộ trực, hướng dẫn du khách tham quan. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự. Năm 2023, Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ chính thức đi vào hoạt động đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phục dựng chợ Tranh Đông Hồ, các hoạt động về quảng bá du lịch dịp Tết Dương lịch 2024… Đến nay, Trung tâm đón trên 10.000 khách về tham quan tìm hiểu, trong đó có 1.000 khách nước ngoài.