Tham dự trại lần này có 26 nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nhà văn thuộc các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị trong nước.
Phát biểu khai mạc tại trại sáng tác, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhấn mạnh: Trại sáng tác lần này là một hoạt động rất cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa theo tinh thần của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Hội trại là dịp hội tụ để trao đổi, chia sẻ, thúc đẩy và tạo cảm hứng cho công tác lý luận, phê bình văn học giữa các thành viên tham gia trại. Đây cũng là dịp để ra đời, phát hiện những tác phẩm có giá trị; phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới trong giới lý luận, phê bình văn học, góp phần trong đời sống văn học.
Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn: Trại sáng tác lần này cũng đồng thời cụ thể hóa Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; thu hút, phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, có quy mô, tầm vóc và tư tưởng lớn. Đây cũng là chương trình đầu tiên, cụ thể hóa Đề án số 939/QĐ-BVHTTDL ngày 22/04/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về "Nâng cao năng lực sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Đại diện cho các tác giả, nhà nghiên cứu tham gia trại sáng tác, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Suyền (Hội Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội) cho rằng, đây là dịp để bồi dưỡng, nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm đối với công tác nghiên cứu, phê bình văn học.
Trong khuôn khổ trại sáng tác, các nhà nghiên cứu, nhà văn sẽ tham gia nhiều hoạt động như: tọa đàm trao đổi, định hướng nội dung sáng tác; viết đề cương, bản thảo tại Nhà sáng tác; đi thực tế, thăm quan tại Học viện Hải quân và Tàu buồm 286 Lê Quý Đôn, các khu di tích lịch sử, văn hóa tại thành phố Nha Trang. Thời gian sáng tác của trại kéo dài đến ngày 31/5.