Các thành viên tham gia khai quật tiến hành phát dọn mặt bằng, sau đó sẽ phân ô, phân vùng để thực hiện các bước khai quật. Theo các chuyên gia văn hóa và các nhà khảo cổ đến từ Hà Nội, tại hiện trường tháp Núi Bút đã phát lộ rất nhiều phế tích gạch Chămpa, qua đó khẳng định tại đây có một công trình kiến trúc của người Chăm. Vì vậy, việc khai quật khảo cổ khẩn cấp là hết sức cần thiết.
Tiến sĩ Võ Quốc Hiền, phụ trách khai quật khảo cổ tháp Núi Bút cho biết, mục đích của cuộc khai quật nhằm xác định nội dung, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học các điểm khảo cổ, thu thập dấu tích, di vật khảo cổ nhằm bảo tồn gìn giữ di tích, di vật khỏi tình trạng bị hủy hoại, đảm bảo theo đúng quy trình Luật Di sản văn hóa; bổ sung hiện vật cho Bảo tàng Quảng Ngãi; phân loại, chỉnh lý tài liệu, di vật thu thập trong quá trình thăm dò khảo cổ, cung cấp nguồn sử liệu vật thật quan trọng góp phần nghiên cứu, tiềm hiểu văn hóa thời kỳ tiền sử ở Quảng Ngãi cũng như thời kỳ dựng nước của nhân dân ta.
Qua công tác phát dọn mặt bằng, các chuyên gia phát hiện nhiều gạch, đá ong, qua đó nhận định rằng tại đây từng có một kiến trúc của Chămpa, sau đó theo thời gian có thêm nhiều kiến trúc khác như chùa, đồn bốt... Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Doanh - chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật Chăm pa cho biết đặc điểm của viên gạch thời Chămpa là có độ xốp, nhẹ, to bản, có độ cong...
Đền tháp của Chămpa thường cao trên 20 mét, là hình ảnh của các quả núi, nơi thần linh trú ngụ, bên trong có các tượng phật. Để xây được những tòa kiến trúc như vậy phải chọn được nơi có nền đất chắc, cần xây tường dày trên 1 mét bằng đá hoặc gạch. Với những chứng tích ban đầu thu được, tháp Núi Bút có thể là nơi có một ngôi tháp cổ thời Chămpa.
Việc khai quật khảo cổ khẩn cấp tháp Núi Bút thuộc Dự án Công viên Thiên Bút. Tổng diện tích khai quật 400 mét vuông, thời gian thực hiện trong 30 ngày.