Chương trình Photovoice (Tự kể chuyện qua hình ảnh) được Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) triển khai trong những tháng qua tại cộng đồng dân tộc PaKô, Vân Kiều (tỉnh Quảng Trị), Mông (Lào Cai), Dao, Mông (Yên Bái), Mường, Thái (Thanh Hóa), Khmer (Sóc Trăng). Các tác phẩm “tự kể” này đã giúp người xem khám phá được những nét văn hóa đặc sắc trong cuộc sống, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc.
Tự hào giới thiệu văn hóaNhững câu chuyện kể bằng hình ảnh của em Lý Thị Líu, 18 tuổi, thôn Nậm Chậu, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, Yên Bái thật độc đáo. Đó là câu chuyện về cách làm giấy dùng trong lễ cúng (ảnh). “Người Dao thường tự làm giấy để dùng trong các lễ cúng. Giấy được làm từ rơm, trước đây chỉ làm từ rơm nếp nhưng hiện nay chủ yếu là rơm tẻ. Trong thôn cũng có nhà làm giấy để bán cho người Thái, người Mông trong vùng. Nhà nào nhiều thì có 30 khung, nhà nào ít thì cũng phải có 3 - 5 khung. Làm giấy không phải chọn ngày nhưng làm khung thì phải chọn ngày, nếu chọn ngày không tốt thì sau này ốm đau liên tục, suốt ngày phải mời thầy đến cúng thôi”, Líu kể.
Đây là một trong số hàng trăm câu chuyện do chính chủ thể văn hóa kể lại qua hình ảnh và khi hệ thống lại giúp người xem nhìn thấy thế giới văn hóa của cộng đồng đó qua góc nhìn người trong cuộc. Chị Lương Minh Ngọc, Giám đốc chương trình Photovoice nhận xét: “Líu mới học hết cấp 3 ở thôn Nậm Chậu, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Lào Cai). Khi mới tham gia chương trình, Líu ít nói, nhưng khi tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình và trình bày trước mọi người, em thấy tự hào và trở nên rất nhiệt tình. Em Líu đã trở thành một con người mạnh dạn, đây là điều mà chúng tôi thấy đáng quý và đề nghị cộng đồng cho phép em Líu được về Hà Nội giới thiệu về chính dân tộc mình trong triển lãm những bức ảnh Photovoice trung tuần tháng 4”.
Trước đây, những nét văn hóa thường do các nhà nghiên cứu ghi lại, nhưng với chương trình Photovoice, người dân và cộng đồng là chủ thể ghi lại chính những sự việc trong cuộc sống của họ. “Qua thực tế, những cộng đồng nào tự hào về truyền thống văn hóa thì họ rất nhiệt tình tham gia kể chuyện bởi họ rất muốn bảo tồn giá trị truyền thống đó cho lớp trẻ sau này”, chị Ngọc cho biết.
Làm theo từng chuyên đề“Cách giới thiệu Photovoice không mới, bởi thực tế Bảo tàng Dân tộc học đã thực hiện trước đó. Do đó, lần thực hiện này, iSEE muốn để chính người dân giới thiệu những nét văn hóa vốn là những hoạt động trong đời sống hàng ngày của họ với những hình ảnh chân thực nhất. Chúng tôi chọn 5 tỉnh và từng tỉnh giới hạn trong 1 - 2 cộng đồng thôn bản nhất định. Mỗi thôn bản, chúng tôi có làm việc với chính quyền nhờ họp thôn và giới thiệu dự án, đề nghị cộng đồng cử ra từ 6 - 8 người để thực hiện chương trình này. Mỗi người sẽ được phát một máy ảnh và tập huấn 1 ngày về giá trị văn hóa, 3 ngày về cách sử dụng máy ảnh và cách ghi nhật ký những ảnh chụp. Phần lớn trong số họ là làm nương, rẫy, trình độ cao nhất là học hết trung học phổ thông, nên chúng tôi không đòi hỏi phải lựa được những góc cạnh để chụp như nhiếp ảnh gia. Quan trọng là họ chụp những hình ảnh chân thực quanh họ, không dàn dựng và giải thích được hoạt động đó có ý nghĩa ra sao. Thực tế, có rất nhiều người không biết chữ nên định kỳ khoảng 3 - 4 ngày, người của dự án sẽ giúp xử lý ảnh và ghi chép lại ý nghĩa của bức ảnh đó”, chị Ngọc cho biết.
Những người tham gia chương trình Photovoice chụp rất nhiều và trong số đó có những bức ảnh rất đẹp. Đặc biệt, khi in ra, họ rất vui vì được thấy cộng đồng, người thân trong ảnh. Sau khi lựa chọn ảnh với những chú thích, cộng đồng có họp lại và giới thiệu ảnh để mọi người góp ý. Có nhiều hoạt động tín ngưỡng, họ đồng ý cho phép sử dụng truyền thông, nhưng có nhiều hoạt động họ yêu cầu không giới thiệu ra ngoài. Đây có thể coi là kho tư liệu quý đối với những người nghiên cứu văn hóa dân tộc về tổng thể trong đời sống cộng đồng dân tộc như vai trò của người phụ nữ, sinh kế, tập tục nghi lễ... Tuy nhiên “với tiêu chí chỉ chụp lại những gì đang diễn ra, không dàn dựng trong khi dự án chỉ diễn ra tại cộng đồng khoảng 1 - 2 tháng nên chưa thể phản ánh hết các hoạt động văn hóa cộng đồng được”, chị Ngọc cho biết.
Nhưng qua tổng kết, nhóm chương trình Photovoice cũng nhận thấy, với cộng đồng nào tự hào về bản sắc dân tộc mình thì họ say mê tìm hiểu và chụp lại như một cách bảo lưu bằng hình ảnh. Đồng thời, với người già, kiến thức về văn hóa dày hơn nên phần giải thích sâu hơn; trong khi giới trẻ chụp ảnh tốt hơn và chịu khó tìm hiểu hơn. Thực sự, với những người làm công tác nghiên cứu, việc để người dân tự giới thiệu về bản thân họ cũng chính là dịp để họ ôn lại truyền thống văn hóa và trải lòng qua chính câu chuyện bằng hình ảnh của mình.
“Đến nay, cả 9 nhóm cộng đồng dân tộc đã cơ bản tiến hành sơ kết và nhóm nghiên cứu đang tiến hành chọn lọc những chủ đề ảnh tốt để giới thiệu trong triển lãm tại Hà Nội vào trung tuần tháng 4. Chúng tôi cũng dự định sau triển lãm sẽ in thành sách ảnh và tiến hành các triển lãm ảnh nhỏ tại địa phương theo yêu cầu của từng cộng đồng”, chị Ngọc cho biết.
Để nhân rộng phương pháp này, iSEE dự kiến triển khai chương trình này tại cộng đồng 54 dân tộc hoặc theo từng nhóm chủ đề như: Các biện pháp bảo vệ rừng hoặc kinh nghiệm làm thủy lợi... Tuy nhiên, đây là những đề tài chuyên sâu cần nghiên cứu kỹ trước khi triển khai và sự hỗ trợ lĩnh vực chuyên môn.
Xuân Cường