Chung tay hồi sinh lễ hội
Năm nay, người dân khu vực chùa Láng, quận Đống Đa đều vui mừng khi Lễ hội chùa Láng diễn ra với quy mô lớn, phục dựng các nghi thức truyền thống. Hấp dẫn nhất là nghi thức rước kiệu Thánh dọc sông Tô Lịch, kiệu không đi trên cầu mà đi trên sông, gọi là nghi thức “Độ hà”, rồi tiếp tục sang bờ đến chùa Hoa Lăng thăm “Thánh Mẫu”. Bên cạnh đó, Lễ hội cũng khôi phục diễn “Hội Thánh” sôi nổi thu hút nhiều người tham gia. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn chia sẻ, việc phục dựng các nghi thức truyền thống tại Lễ hội chùa Láng có ý nghĩa lớn, tạo dựng nét độc đáo, đặc sắc của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Từ khi được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội 5 làng Mọc (một lễ hội dân gian bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng Mọc anh em gồm: Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân, Phùng Khoang, thuộc quận Thanh Xuân và quận Nam Từ Liêm) đã thực hành các nghi thức đầy đủ và bài bản hơn. Năm nay, lễ hội tổ chức với nhiều nghi thức như: Lễ rước kiệu, tế hội đồng, múa hát và các trò chơi dân gian…
Cũng như các lễ hội truyền thống khác, Lễ hội 5 làng Mọc là lễ hội dân gian được nhân dân địa phương nắm giữ, thực hành, trao truyền qua các thế hệ. Bởi vậy, khi lễ hội diễn ra, người dân 5 làng Mọc đều phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Loan, người làng Chính Kinh chia sẻ, lễ hội này 5 năm tổ chức một lần, mọi người đều mong ngóng, chờ đợi và nhiệt tình tham gia. Mọi hoạt động của lễ hội đều có sự thống nhất cao của dân làng. Bởi vì, nó gắn với đời sống tinh thần, tâm linh của dâng làng nên mọi người đều trân trọng, gìn giữ.
Bên cạnh đó, một số lễ hội khác như: Lễ hội đền Đồng Cổ, Thập tam trại, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh… cũng phục dựng nhiều nghi lễ truyền thống. Các lễ hội đều thu hút sự chung tay của cộng đồng tham gia gìn giữ, thực hành, trao truyền di sản. Người dân nhiệt tình tham gia bàn bạc, phục dựng cách thức thực hành nghi thức, lựa chọn người hành lễ, trang phục lễ hội... Sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng đã giúp các nghi thức có cơ hội “sống” lại, trở về với vị trí vốn có của nó.
Bà Bùi Thị Hương Thủy, Phó trưởng Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đánh giá cao vai trò của cộng đồng khi đơn vị này xây dựng hồ sơ Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia của các lễ hội và giúp các địa phương phục dựng các nghi thức cổ. Theo bà Hương Thủy, do sự thay đổi của các giai đoạn xã hội, nhiều lễ hội bị mai một, nhiều nghi thức truyền thống mất đi khiến cộng đồng dân cư, nhất là các bậc cao niên tiếc nuối. Khi địa phương có điều kiện khôi phục lại, nhân dân trong vùng thường rất nhiệt tình, huy động mọi tầng lớp tham gia.
Bảo tồn hài hòa cùng phát triển
Với vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước, Hà Nội xác định đầu tư phát triển văn hóa được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác. Thành ủy Hà Nội đã ban hành một chương trình và nghị quyết liên quan đến phát triển văn hóa. Điều này khiến hoạt động văn hóa Thủ đô trở nên sôi động hơn, nhiều loại hình văn hóa mới xuất hiện, nhiều giá trị cũ được khôi phục, trong đó có cả lễ hội.
Với 1.206 lễ hội trải dài khắp trong năm (tập trung vào mùa Xuân), lễ hội Hà Nội được coi là nguồn lực lớn để thu hút khách du lịch, nhất là khi du lịch văn hóa là lợi thế của Hà Nội, luôn nhận được sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Điều đó có thể nhìn thấy qua Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, Lễ hội Cổ Loa...
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, không ngạc nhiên khi tất cả các lễ hội truyền thống ở các làng hay trong phố của Hà Nội đang cố gắng duy trì những giá trị vốn có; đồng thời, khai thác triệt để hơn những thứ bị quên lãng hay mai một để các lễ hội truyền thống trở lại như xưa; sáng tạo thêm những giá trị mới phục vụ cho cuộc sống hôm nay. Lễ hội truyền thống luôn đi cùng phong tục tập quán của cư dân địa phương, các sản phẩm ẩm thực, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn... Đây là nguồn lực để khai thác phát triển kinh tế của Hà Nội.
Khi đời sống kinh tế - xã hội đang ngày càng chuyển biến, nhu cầu hưởng thụ văn hóa cũng tăng theo và người dân thường tìm về giá trị truyền thống cũ nhiều hơn. Việc phục hồi các lễ hội truyền thống không nằm ngoài xu hướng đó, vừa bảo tồn các giá trị truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, việc phục hồi để vừa đảm bảo các giá trị cũ, vừa phù hợp với xu thế mới đang đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà quản lý văn hóa và cộng đồng dân cư.