Ông Hồ Chí Đức - Trưởng Ban quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định sự cố trong việc phục dựng, tôn tạo Am Dược là sai sót đầu tiên, đồng thời cam đoan không để xảy ra sai sót trong quá trình phục hồi, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử.Như đã đưa tin, cuối tháng 12/2014, trong quá trình thi công Dự án phục hồi, tôn tạo di tích Chùa Một mái và Am Dược, đơn vị thi công đã làm không đúng với hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
Theo hồ sơ thiết kế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như tỉnh Quảng Ninh thỏa thuận, phê duyệt, việc tôn tạo Am Dược phải “giữ nguyên mặt bằng cũ và tường đá cũ còn sót lại, dựng lại Am Dược theo kích thước mặt bằng hiện trạng, hệ thống bao che xây thêm vào tường đá hiện trạng, gia cố nền móng bằng cách ốp đá nguyên khối vào bệ móng”.
Nền móng cổ của Am Dược bị đào lên hoàn toàn vào cuối năm 2014. Ảnh: Xuân Tùng/TTXVN |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đơn vị thi công cho rằng phần móng và tường cũ của di tích đã cũ và yếu nên tự ý đào hết các phần móng và phá bỏ tường của di tích để xây mới hoàn toàn mà không có sự đồng ý của cơ quan chức năng bảo tồn di tích.
Trưởng Ban quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo trình tự, khi đơn vị phát hiện di tích quá cũ và yếu không thể tận dụng được thì phải dừng thi công đồng thời báo cáo về Ban. Từ đó, Ban sẽ thực hiện các bước theo trình tự để thay đổi hồ sơ thi công, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngay sau khi sự việc được phát hiện, Ban quản lý các Di tích trọng điểm đã đề nghị tạm dừng thi công, tổ chức thu gom hiện vật, đánh số phân loại để tiếp tục sử dụng lại vào công trình.
Hiện nay, chủ đầu tư (Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh) đã tạm dừng thi công và đề nghị mở rộng quy mô công trình từ 3 gian tiền đường lên 5 gian. Ban quản lý các Di tích trọng điểm sẽ làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đề nghị điều chỉnh thiết kế theo đề xuất của chủ đầu tư. Nếu không được điều chỉnh, chủ đầu tư phải tuân thủ thực hiện theo thiết kế hồ sơ đã phê duyệt.
Ông Hồ Chí Đức khẳng định: Đơn vị thi công có tư cách pháp nhân, có đủ điều kiện, năng lực và kinh nghiệm thực hiện các công trình tôn tạo, phục dựng các di tích. Đơn vị thi công đã từng thực hiện các dự án phục dựng, tôn tạo di tích chùa Bảo Sái, chùa Đồng, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông... của di tích Yên Tử. Sai sót hy hữu trên sẽ không tái diễn đối với các dự án phục dựng, tôn tạo khác ở Khu di tích Yên Tử.
Hiện nay, tại Khu danh thắng Yên Tử có 11 dự án đang được triển khai với tổng số vốn lên tới 1.752 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn huy động xã hội hóa, còn lại là vốn địa phương và các nguồn vốn khác.
Văn Đức (TTXVN)