Đây là nhận định được đưa ra tại buổi tọa đàm khoa học luận bàn về nội dung, quy trình đề cử Di sản Văn hóa thế giới cho Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Óc Eo - Ba Thê do UBND tỉnh An Giang phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, Hội Khảo cổ học tổ chức ngày 29/4.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết, Khu Di tích Óc Eo – Ba Thê là minh chứng vật chất về sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là không gian văn hóa đã, đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên con đường gặp gỡ, giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các nền văn hóa lớn trên thế giới (phương Đông và phương Tây). Bên cạnh đó, Văn hóa Óc Eo còn là gạch nối giữa hai nền văn minh phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử nhân loại là Trung Hoa và Ấn Độ.
Đặt vị thế Đông Nam Á, trong bối cảnh toàn cầu của nhân loại và vị thế của Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, có thể thấy rõ các mặt giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản văn hóa Óc Eo - Ba Thê.
Mặt khác, Đông Nam Á được coi là một trong những cái nôi của loài người, là địa bàn hình thành đại chủng tộc phương Nam (Australoid), với những tộc người đa dạng ngôn ngữ, bắt nguồn từ ngôn ngữ Đông Nam Á tiền sử (Nam Á, Nam Đảo, Thái, Hán – Trang). Các tộc người đó thống nhất trên sắc thái văn hóa cơ bản là nông nghiệp lúa nước - văn hóa biển đảo - thương mại quốc tế (thương cảng sông biển).
Với quan điểm tiếp cận hiện đại về di sản văn hóa quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài cho rằng, cần lấy không gian văn hóa và lãnh thổ quốc gia để xác định tính thống nhất trong đa dạng văn hóa, không nên phân biệt Đại Việt, Chămpa, Phù Nam. Tất cả dấu tích vật chất, tinh thần hiện đang tồn tại, hiện diện trong lòng đất, dưới đáy biển hay trên mặt đất điều bình đẳng, được tôn trọng như nhau với tư cách là di sản văn hóa của Việt Nam.
Hơn nữa, lãnh thổ không gian sinh tồn của 54 dân tộc Việt Nam hiện đang bao chứa dấu tích của 3 nền văn hóa nổi trội không chỉ trong khu vực Đông Nam Á, còn được cả thế giới thừa nhận là văn hóa Đồng Sơn (Bắc Bộ), văn hóa Sa Huỳnh (Chămpa) Nam Bộ và văn hóa Óc Eo (Đồng Nai) Nam Bộ. Do đó, văn hóa Óc Eo rất xứng đáng được xây dựng hồ sơ đề cử di sản thế giới.
Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, khu Di sản Óc Eo - Ba Thê thể hiện sự giao thoa mạnh mẽ giữa văn hóa Óc Eo với các nền văn hóa lớn trên thế giới như Phật giáo, Ấn Độ giáo của Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa, văn hóa Trung Đông và Địa Trung Hải,… Do đó, hồ sơ vinh danh Văn hóa Óc Eo – Ba Thê phải làm rõ các tiêu chí về giao thoa văn hóa của di sản, những nét độc đáo, đặc biệt về truyền thống văn hóa, giá trị nổi bật về hình thức lưu trú truyền thống đang bị tổn thương do những tác động theo thời gian, làm rõ tính bản địa về sự phát triển liên tục, đa dạng tiêu biểu.
Hồ sơ tập trung vào những tiêu chí quan trọng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi gửi hồ sơ Di sản văn hóa Thế giới nếu để di sản Óc Eo - Ba Thê ở loại hình Di sản cảnh quan văn hóa. Các kết quả đã nghiên cứu được ở Óc Eo - Ba Thê cho thấy, các di tích kiến trúc bị phá hủy quá nhiều, quá phân tán, chưa có các di tích kiến trúc điển hình, các dấu tích mang tính đô thị chưa xuất hiện tập trung hiện hữu đặc trưng cho một đô thị; di tích chưa hình thành nên một kênh văn hóa hay một tuyến văn hóa đặc trưng, dày đặc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, Óc Eo là tên gọi của một nền văn hóa khảo cổ quan trọng vào loại bậc nhất ở đồng bằng Nam Bộ, được định danh vào giữa thập niên 1940 bởi học giả người Pháp - Louis Malleret - theo tên gọi địa điểm Gò Óc Eo, ngày nay thuộc địa bàn thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Kể từ sau năm 1975, hàng loạt các chương trình nghiên cứu được giới khảo cổ học Việt Nam triển khai liên quan đến văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần đem lại những nhận thức mới, ngày càng đầy đủ hơn về đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân cổ từng khai phá vùng đất này trong quá khứ. Vai trò của văn hóa Óc Eo được giới nghiên cứu đánh giá rất quan trọng trong việc hình thành các quốc gia cổ đại vào những thế kỷ đầu Công nguyên trên vùng đất Nam Bộ.
Gần đây, trong giai đoạn từ cuối thập niên 1990 cho đến năm 2011, nhiều chương trình nghiên cứu từ kinh phí địa phương, hợp tác quốc tế được tiến hành tại Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê. Kết quả bước đầu đã dần tái hiện diện mạo cơ bản của đô thị cổ với các kiến trúc tôn giáo và di tích cư trú, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát huy giá trị di sản văn hóa. Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt vào tháng 9/2012.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, cùng với 8 Di sản thế giới khác của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh, việc xây dựng hồ sơ khoa học về Khu Di tích Óc Eo – Ba Thê sẽ là minh chứng về sự đóng góp của Việt Nam làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, tạo nên thương hiệu quốc gia, giới thiệu hình ảnh đẹp về Việt Nam với bạn bè thế giới.