Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận và đánh giá cao các cấp, ngành của tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, du lịch; đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất làm cơ sở để Đoàn báo cáo trình Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế tiên phong thực hiện các mô hình tốt, cách làm hay, quan tâm, chỉ đạo ngành giáo dục triển khai hiệu quả chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Trung ương về phát triển văn hóa thông qua các chương trình, kế hoạch với những biện pháp cụ thể, rõ ràng.
Ông Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, địa phương cần bám sát nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua; kiên trì theo đuổi các mục tiêu phát triển văn hóa Huế, con người Huế. Phát huy tiềm năng lớn để đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, chính quyền địa phương cần biến những giá trị văn hóa thành nguồn lực phát triển cho mình.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, du lịch Thừa Thiên - Huế đang phát triển nổi bật, là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, do đó, cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để trở thành điểm đến hàng đầu trong nước và khu vực.
Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động thích ứng trong tổ chức dạy và học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến để đảm bảo mục tiêu "dừng đến trường không dừng học", duy trì kết quả phổ cập giáo dục các cấp, nâng cao tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia và hoàn thành các chương trình bậc học đúng tiến độ; đẩy mạnh chuyển đổi số và các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong giáo dục.
Sự nghiệp văn hóa của Thừa Thiên - Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được chú trọng thực hiện hiệu quả. Hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo, các giá trị văn hóa phi vật thể được khai thác đưa vào phục vụ du khách. Hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật trên địa bàn diễn ra quy mô, mang đậm giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế, thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, các sản phẩm thương hiệu đặc trưng như "Huế - Kinh đô ẩm thực", "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam", "Huế - Thành phố Lễ hội" được xây dựng, khai thác có hiệu quả.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho biết, tỉnh đang quy hoạch mô hình đô thị sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường, tập trung đô thị lõi, đô thị vệ tinh, giảm mật độ dân cư nội thành. Theo đó, cần có chính sách thống nhất quốc gia về văn hóa, phân cấp rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương để các địa phương triển khai thực hiện; bổ sung nội dung khuyến khích hồi cố cổ vật; xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị di tích; thu hút văn nghệ sỹ bằng những cơ chế chính sách phù hợp…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình cũng đưa ra một số kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách đãi ngộ để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm; sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa (xây dựng, đầu tư công, đất đai...) để khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc trong vấn đề khoanh vùng bảo vệ các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam và di tích đã được lập theo các quy định trước khi Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 có hiệu lực thi hành…
Cùng ngày, Đoàn khảo sát cũng đã đến thăm và làm việc với Đại học Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và chiến lược phát triển của đơn vị.