Ngày 10/7/2015, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức kỷ niệm 99 năm Ngày sinh nhà nghiên cứu, soạn giả nghệ thuật dân tộc Mịch Quang.
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang, tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917 tại Tuy Phước, Bình Định, trong một gia đình nho học. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Trưởng ban Văn hóa trung đoàn 94. Từ năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc. Thời kỳ đầu, ông làm biên tập viên văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam. Đến năm 1959, ông về công tác tại Ban nghiên cứu tuồng, nơi tập hợp rất nhiều tài năng về tuồng như Phạm Phú Tiết. Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Mương Chương, Ngô Thị Liễu, Minh Đức… Chính ở đây, ông đã học tập dược rất nhiều về nghệ thuật tuồng và bắt đầu nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như “Tiền hiểu về nghệ thuật tuồng (1963), “Đặc trưng nghệ thuật tuòng” (1988), “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” 1995), Kinh dịch và Nghệ thuật truyền thống” (1999), “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” (2003)…
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tặng hoa chúc mừng soạn giả Mịch Quang. |
Nhà nghiên cứu Mịch Quang là một trong những người mở đường, đặt viên gạch đầu tiên và đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của hậu tổ tuồng Đào Tấn trên văn đàn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Và trong suốt nửa thế kỷ qua, ông tiếp tục có những công trình nghiên cứu sâu sắc về Đào Tấn – nhà yêu nước lớn, nhà hoạt động sân khấu kiệt xuất, nhà thơ lỗi lạc của dân tộc.
Không chỉ là nhà nghiên cứu, Mịch Quang còn là một tác giả xuất sắc, có những đóng góp quý báu trong suốt hpn nửa thế kỷ qua cho sân khấu cách mạng Việt Nam. Từ vở tuồng đầu tiên “Đường về Lam Sơn” ông sáng tác và dàn dựng cho Đội tuồng thuộc Phân hội văn nghệ tỉnh Bình Định hồi kháng chiến chống Pháp năm 1951, đến nay, Mịch Quang đã có hơn 20 kịch bản gồm các đề tài lịch sử, dã sử, hiện đại được các đơn vị nghệ thuật sân khấu cả nước dàn dựng, biểu diễn như vở “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”, “Vua Hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Phất cờ nương tử”, “Giấc mộng hồ hoa”, “Bà mẹ Làng Sen”… Đặc biệt, vở tuồng “Thanh gươm hát bội” của ông đã được tặng Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 1990, và là vở tuồng có sức sống lâu bền trong công chúng miền Trung qua nhiều thập kỷ.
Với những đóng góp lớn lao trong nghệ thuật dân tộc, với tài năng và nhiệt huyết của mình, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999, giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001, giải thưởng Đào Tấn và nhiều phần thưởng cao quý khác.