Trong lúc đánh bắt hải sản ven bờ chiều 19/8, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi lại phát hiện thêm một chiếc tàu cổ bị đắm, vị trí chiếc tàu mới phát hiện này cách bờ biển khoảng 50m và cách hai tàu cổ được phát hiện trước đó gần 2km về phía bắc, thuộc địa phận vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Khu vực khai quật tàu cổ bị đắm trước đó ngày 4/6. Ảnh: Thanh Long-TTXVN |
Như vậy tại vùng biển này, từ tháng 9/2012 đến ngày 19/8/2013 ngư dân Quảng Ngãi đã phát hiện 3 chiếc tàu cổ bị đắm. Trước đó, năm 1998 tại vùng biển này một chiếc tàu cổ đắm cũng đã được phát hiện.
Con tàu nằm dưới mặt nước và bị phủ lớp cát dày khoảng 0,5m. Một số bộ phận thân tàu đã lộ ra bên ngoài. Ngay sau khi phát hiện con tàu đắm, có hàng chục tàu thuyền của ngư dân đổ xô lại khai thác cổ vật bên trong tàu cổ. Khi phát hiện ngư dân tập trung khai thác cổ vật, lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng đã có mặt kịp thời để bảo vệ hiện trường.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi cho biết: Việc phát hiện chiếc tàu thứ 4 tại vùng biển Vũng Tàu đã cho thấy khu vực bãi biển Vũng Tàu có nhiều tàu cổ bị đắm. Vùng biển nơi đây hàng trăm năm trước có thể là nơi neo trú của nhiều tàu thuyền trên đường thông thương, và cũng có thể do thiên tai bão táp mà nhiều tàu bị chìm; khả năng sẽ còn những con tàu khác chưa được tìm thấy ở khu vực này.
Trước đó, ngày 16/8, cũng tại vùng biển Vũng Tàu, ngư dân phát hiện chiếc tàu bị đắm, chứa nhiều đồ gốm sứ được xác định vào thế kỷ 16. Hiện chiếc tàu này đã được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi thả lưới sắt, thả đá lên trên để bảo vệ, tránh việc khai thác trái phép người dân địa phương.
Trong tháng 6 vừa qua, công ty Đoàn Ánh Dương đã khai quật con tàu 700 tuổi ở vùng biển xã Bình Châu với 4.000 cổ vật. Các chuyên gia khảo cổ nhận định đây là lần đầu tiên các cơ quan liên quan tham gia khai quật một con tàu đắm còn khá nguyên vẹn, có niên đại sớm nhất so với các con tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam.
Nguyễn Đăng Lâm