Chúng tôi theo vòng cung phía tây lên danh thắng Yên Tử. Con đường bê tông 293, còn gọi là đường Tâm Linh từ thị xã Bắc Giang lên khu du lịch Tây Yên Tử dài cả trăm ki lô mét, chạy trên một vùng dày đặc với hơn 130 di tích văn hoá: Chùa Vĩnh Nghiêm, một trung tâm truyền bá Phật pháp của thiền phái Trúc Lâm, với những mộc bản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá; chùa Bổ Đà với những vườn tháp nổi tiếng; Suối Mỡ; chùa Kem; khu Đồng Thông...
Chúng tôi đã từng lên Yên Tử từ phía Đông, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) hành đạo, và để lại dấu ấn trong nhiều công trình đặc sắc. Chúng tôi đã lên am Ngoạ Vân, nơi Phật hoàng tu thiền và nhập thế... Đường lên Yên Tử từ phía Tây này trùng với con đường hoằng dương Phật pháp mà Trần Nhân Tông đã đi qua để gây dựng thiền phái Trúc Lâm, một dấu son tinh thần rực rỡ, gắn đạo với đời, một nền tảng tinh thần có vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hoá dân tộc.
Khu du lịch tâm linh và bảo tồn sinh thái Tây Yên Tử nằm sát chân núi, rộng gần 14 héc ta, được tỉnh Bắc Giang xây dựng từ năm 2014. Theo quy hoạch, ở đây sẽ có 4 chùa lớn: Chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Đến nay, khu nhà chính, các chùa Hạ, chùa Thượng cùng với đường cáp treo đã xong. Các hạng mục khác đang được thi công. Các công trình đều bề thế trên không gian lớn, hạ tầng khá tốt.
Từ dưới nhìn lên, đỉnh Yên Tử thấp thoáng trong mây, quang cảnh kỳ thú, có sức vẫy gọi con người. Điều đáng nói là khu phía tây này được kết nối với khu đông phía Uông Bí- Quảng Ninh tạo nên một quy hoạch du lịch liên thông, hoàn chỉnh về Yên Tử. Được biết, cùng với đường cáp treo, Bắc Giang cũng đang xây dựng một đường bộ lên núi Yên Tử theo con đường Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đi qua, để du khách có thể hành hương theo dấu chân tiền nhân và ngắm cảnh đẹp rừng núi nơi đây.
Theo quy hoạch của tỉnh Bắc Giang, khu du lịch tâm linh này nằm trong quần thể khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử bao gồm các khu Đồng Thông, rừng Khe Gỗ, chùa Am Vãi, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, suối Mỡ, suối Nước Vàng, chùa Vĩnh Nghiêm và thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Khu di tích, danh thắng này gắn liền với khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích trên 13.000 héc ta với nhiều loại động thực vật phong phú. Điều này cho thấy một cái nhìn có tầm bao quát để bảo tồn và phát triển vùng đất linh thiêng này của các nhà quản lý.
Chúng tôi lên núi theo đường cáp, rổi tiếp tục đi bộ lên. Từ phía Tây này, sau khi hết đường cáp, đoạn đi bộ lên đỉnh Yên Tử dài khoảng hơn 2 km, nhiều đoạn dốc ngược, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đường đi len lỏi qua những sườn núi, nhiều cây xanh, và được xây dựng khá tốt. Những người có sức lực và thời gian có thể đi theo đường bộ rồi nhập chung vào đoạn đường này.
Qua một khu tháp mới dựng, chúng tôi gặp tấm biển phân chia địa phận Quảng Ninh và Bắc Giang, sau đó gặp ga cuối của đường cáp lên núi từ phía Uông Bí, gần nơi tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng lớn mới dựng. Trước khi vào đây, khách từ phía Tây sang phải mua vé để vào khu phía Đông.
Khách du lịch từ hai phía gặp nhau gần nơi có tượng Phật hoàng và chung đường lên chùa Đồng trên đỉnh núi. Một ngày cuối tuần. Đường lên đỉnh khá đông khách. Qua dáng vẻ, giọng nói, có thể nhận ra du khách từ rất nhiều vùng trong Nam, ngoài Bắc và cả người nước ngoài cùng hành hương về đây. Mỗi chúng tôi đều có cảm giác rất đặc biệt khi lên đến chùa Đồng, đứng trên đỉnh cao mây bay lộng gió, thắp nén nhang thành kính tưởng nhớ đến Phật hoàng Trần Nhân Tông và các bậc an linh của đất nước giữa non thiêng Yên Tử.