Live show quốc tế - Đẳng cấp bạc tỷ, thu bạc tỷ

Trước khi trở lại diễn tại Las Vegas hồi tháng 5/2011, diva Celine Dion đã nhận được câu hỏi từ báo giới: “Liệu Dion có cứu được Vegas, thủ đô của những live show, nơi mà hàng đêm có đến hơn trăm live show liên tục diễn ra?”. Đáp lại là nụ cười mỉm. Và sau live show đầu tiên của diva, mọi thắc mắc, hoài nghi đã tan thành mây khói.

Đẳng cấp

Trên sân khấu là một Celine Dion trong bộ đồ bạch kim gợi nhớ tới Dusty Springfield năm nào. Cô nhìn khán giả và sau đó quay lại nhìn vào dàn nhạc 31 người và nở một nụ cười rất nhẹ. Tiếng kèn bắt đầu trỗi lên và Celine khề khà nhẹ vào micro một bản tình ca rất quen thuộc của nhóm Journey, Open Arms. Hai chiếc đèn bên cạnh sân khấu bật sáng, tất cả ánh sáng còn lại tắt ngúm, một chiếc dây được kéo lên, 2 vũ công bay ngay phía sau Celine trong trang phục màu trắng, đèn chiếu nhẹ, cảm giác cả bài hát lơ lửng. Phía trước, Celine vẫn nhẹ nhàng nhắm mắt hát về một tình yêu xa vắng. Ở dưới khán giả bắt đầu mơ màng.

Bốn năm trước, từ 2003-2007, Celine Dion tung hoành tại Nhà hát The Colosseum (khách sạn Caesars - Las Vegas, Mỹ) với hơn 700 đêm diễn kín khán phòng và sau đó cô tuyên bố nghỉ hát. Thế cho nên lần này, khi quyết định trở lại, Celine Dion gặp rất nhiều thách thức, mà thách thức đặc biệt nhất, còn quan trọng hơn cả giọng hát của cô, là sân khấu có chiêu trò gì mới hơn? Tờ The Daily Beast trong bài phân tích Vegas giàu, Vegas nghèo đã cho rằng với live show gây đình đám 3 năm trước mà đặc biệt là màn Celine Dion hát lại ca khúc My Heart Will Go on với màn đi dây tuyệt hảo của các vũ công, khi mà khán giả ngồi dưới có căng mắt, giương ống nhòm cũng không tìm được sợi dây nào thì bây giờ Celine có lặp lại đỉnh cao lần nữa?



Bản vẽ phối cảnh sân khấu của Celine Dion tại Las Vegas đẹp và rất sang trọng


Ken Ehrlich, đạo diễn của Celine Dion, cho rằng chiêu trò lúc nào cũng có, căn bản nên dùng chiêu nào cho sự trở lại của Celine. Ông cùng cả trăm phụ tá, kết “trắng” cả sân khấu, nhạc công mặc vest đen cho gợi nhớ những bigband hơn nửa thế kỷ trước, một mình Celine màu trắng theo tinh thần “concert” hơn là “live show” nhưng phía sau các vũ công sẽ tạo nên sự huyền ảo bằng những cánh buồm phấp phới, như những cơn sóng đã đưa Celine tới đỉnh cao thành công.

Đêm diễn đã diễn đúng với ý đồ và sáng hôm sau tờ USA Today giật tít: “Cô ấy không hát mà cô ấy đã bay”. Lúc ban đầu đúng ra chỉ là một ban nhạc đệm 10 người nhưng đạo diễn Ken quyết định đẩy thật mạnh phần nhạc, tạo nên một kiểu nhạc kịch tân thời pha lẫn hoài cổ và thế là 21 người được thêm vào, phần nhạc được sửa đổi bổ sung miễn làm sao nâng giọng hát của Celine bay cao. Họa sĩ Yves Aucoin được giao nhiệm vụ vẽ sân khấu theo kiểu Broadway nhưng không được gây cảm giác nặng nhạc kịch. 40 vũ công tập bay gần 2 tháng trời trước một màn hình led khổng lồ để làm sao chuyển tải được sự lả lơi trong ca khúc Celine thể hiện. “Một kiểu nhạc kịch pha lẫn Hollywood, Celine đã biến The Colosseum thành của riêng mình, vốn trước đó thuộc về Las Vegas”, tờ Las Vegas Review-Journal bình luận.

Từ hai năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại, các casino trên đại lộ Strip (hay còn gọi là Dải Las Vegas, trục đại lộ chính của Las Vegas) lỗ vốn. Tổng số tiền lỗ của các casino là vào khoảng 6 tỷ USD. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 14%, tỷ lệ cao nhất tại Mỹ, còn nếu cộng thêm với những người bị cắt giảm giờ làm mà không hoàn toàn mất việc, thì tỷ lệ này là 26%. Đây chính là lý do vì sao người ta lại tìm đến Celine Dion. Ngoài vị thế là một ngôi sao, Celine còn được hy vọng sẽ là vị cứu tinh của Las Vegas. Trong lần lưu diễn này, theo đánh giá của Đại học Nevada, một mình Celine sẽ giúp thành phố thu về khoản lợi nhuận 114 triệu USD hàng năm và giải quyết hàng nghìn việc làm.



Alice Cooper với màn trình diễn cùng con trăn quấn quanh cổ


Celine Dion đẳng cấp nhưng show diễn của cô vẫn chưa phải là duy nhất để thể hiện sự tưởng tượng và những ý tưởng sáng tạo đến nghẹt thở của những nhà tổ chức show tài năng thế giới. Hầu như mỗi tên tuổi đều có những live show thể hiện đặc tính của riêng mình. The Who là màn đập đàn guitar ngay trên sân khấu. Alice Cooper là màn tắt hết đèn, trơ trọi một ánh đèn led chiếu thẳng vào mặt Alice đang cắn… con dơi thật, khán giả hét toáng lên trong khoảng 3 phút thế rồi cả một đàn dơi bay ra, sân khấu như lọt thỏm giữa rừng cây, nhạc vào, không khí kiểu Halloween bao trùm… Đến giờ, show diễn năm 1979 của Alice vẫn khiến nhiều người nhớ lại còn cảm thấy kinh hoàng.

Càng nhiều ý tưởng và “độc” là càng ăn tiền. Live Shows Merchandising là công ty tổ chức sự kiện, event, festival âm nhạc, live show thuộc hàng số má nhất hiện nay. Theo nhiều nhà phân tích, những cái đầu có ý tưởng sáng tạo hầu như đều tề tựu về đây và cho đến giờ, sau hơn 10 năm thành lập, công ty này đã được hơn 100 nghệ sĩ, ban nhạc cậy nhờ tổ chức show diễn cho họ, từ cựu binh AC/DC cho đến măng non Miley Cyrus. Công ty còn làm show cho nhóm xiếc Mặt Trời (Cirque Du Soleil), dựng sân khấu nhạc kịch (vở Lion King), tổ chức những festival âm nhạc đình đám. Họ đưa ý tưởng cho nhóm U2 diễn trong một quả cầu tại sân Wembley để nêu bật vai trò bảo vệ môi trường, biến sân khấu của Madonna thành một sàn nhảy vuông với các ô cờ nhấp nháy hàm ý cuộc đời là một sàn nhảy với những tính toán lo toan… Live Shows Merchandising đang là công ty được nghệ sĩ nổi tiếng tin cậy nhất hiện nay và khách hàng của họ ngày càng mở rộng.

Chiêu trò không bao giờ chết

Tinh thần dàn dựng sân khấu phải đến những năm cuối 1960 đầu 1970 mới bắt đầu được chú trọng. Trước đó, ngoài những chương trình âm nhạc tạp kỹ (kết hợp múa lửa với mô tô bay) thì hầu như những show diễn của các nghệ sĩ lớn thường rất nhẹ nhàng, lịch sự và trang trọng. Phải đến những năm 1960 khi âm nhạc bắt đầu bùng nổ, nhiều thể loại nhạc và hình thái xã hội thay đổi thì lúc đó sân khấu mới thay đổi. Kinh điển nhất vẫn là đại nhạc hội Woodstock năm 1969 khi cả vạn người sửng sốt nhìn Jimi Hendrix quỳ trên sân khấu và châm lửa đốt cây đàn của mình. Nhiều người tưởng đó là phút bột phát nhưng theo lời nhiếp ảnh gia Jim Marshall, hình ảnh đó đã được tính trước và nhiệm vụ của ông là biến nó trở thành huyền thoại. Sau này chính bức ảnh Jimi đốt đàn đã trở thành một biểu tượng bất diệt của rock.



Michael Jackson và những màn trình diễn của anh đã trở thành huyền thoại



Meat Loaf cưỡi mô tô lên sân khấu, phía sau là một tòa lâu đài cổ với công chúa đang bị giam giữ bên trong, thế rồi mô tô biến thành con rồng chiến đấu với quỷ để cứu người đẹp. Show diễn năm 1984 của Meat Loaf đến giờ nhiều người vẫn chưa quên. Người ta cũng không thể quên hình ảnh Madonna sang Nhật biểu diễn năm 1984 với bộ đồ cực kỳ quyến rũ (Jeans Paul Gaultier thiết kế) trong ca khúc Live a virgin rồi sau đó đổi màu tung tẩy nhí nhảnh trong Material girl (sau này trong vài chương trình ca nhạc hải ngoại, nữ ca sĩ Lynda Trang Đài cũng bắt chước y chang).

Năm 2008 Sticky & Sweet Tour của Madonna cũng gây kinh hoàng cho khán giả khi toàn bộ ca sĩ và vũ công sử dụng đến 3.500 bộ trang phục với 36 nhà thiết kế, chỉ riêng trang phục đã được đựng trong 30 hòm chuyên dụng.

Những chiêu trò được sử dụng nhiều nhất bắt đầu từ thập niên 1980 khi thể loại disco, rồi sau đó dòng new wave, new romantic đang bắt đầu thịnh hành. Sade biến sân khấu thành một phòng trà để hát Smooth Operator, David Bowie biến sân khấu thành vũ trụ, bản thân thành phi hành gia để hát Starman (trong chương trình ấy đã có một nhân viên bị chết vì điện giật do trời mưa), Michael Jackson thì biến Dangeruos Tour trở thành một trong những world tour vĩ đại nhất thế giới với đầy chiêu trò, bay cao, bay ngang, moon-walk, ánh sáng… Năm 1996, Michael còn mang cả xe tăng thật lên sân khấu trình diễn bài Earth song trong chuyến lưu diễn History World Tour. Michael hát trên một cần cẩu được đưa lên rất cao và hiệu ứng của nó làm cho khán giả phía dưới gần như chết lặng. Sau này chính Celine Dion thổ lộ rằng cô đã bị ngợp trong thế giới biểu diễn của Michael Jackson và cô nuôi mơ ước sau này mình sẽ làm những show diễn gần giống tinh thần như thế.

Những chiêu trò sân khấu không bao giờ chết, không bao giờ hết và nhiều nhà phân tích âm nhạc cho rằng, khi mà tình hình bán đĩa đã bắt đầu thụt lùi thì các nghệ sĩ sống bằng nguồn chính là đi tour, chính vì thế để lôi kéo khán giả đến xem, họ phải có thật nhiều chiêu trò và trong thời gian tới, khi Giáng sinh đến gần, những chiêu trò sẽ lại nở rộ như nấm sau mưa. Và người được hưởng lợi nhất vẫn là người bỏ tiền mua vé vào xem. Vé của Celine Dion tại Las Vegas từ nay cho đến hết tháng 2/2012, giá từ 55USD đến 250USD, đã không còn một chiếc.



Theo thethaovanhoa.vn

Kỷ niệm 2 năm ngày mất của Michael Jackson
Kỷ niệm 2 năm ngày mất của Michael Jackson

Ngày 25/6, đúng ngày kỷ niệm hai năm huyền thoại âm nhạc Michael Jackson về cõi vĩnh hằng, người hâm mộ khắp nơi trên thế giới đã có nhiều hoạt động bày tỏ tình yêu và sự ngưỡng mộ đối với ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN