Hát ru là một loại hình văn nghệ dân gian, được lưu truyền rộng rãi từ đời này sang đời khác và có ảnh hưởng sâu đậm trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Hát ru là những gì chắt lọc, cô đúc cái tinh túy, cái thần của nghệ thuật âm nhạc và thi ca. Hiện lên trong các bài hát ru là một thế giới hồn nhiên và chan chứa tình yêu thương cùng với những hình ảnh bình dị, nhỏ bé và hết sức gần gũi với tuổi thơ.
Người hát ru (ông bà, cha mẹ, anh chị…) đã gửi tình cảm yêu thương đằm thắm, dung dị vào trong từng câu hát, để hướng về một đối tượng cảm thụ đặc biệt, đó là những bé thơ. Cùng với các động tác vỗ về, âu yếm, vuốt ve đầy trìu mến của người ru, những giai điệu mềm mại, êm ái và tha thiết kết hợp với hệ thống ngôn từ gợi cảm và trong sáng của bài hát ru đã không chỉ có tác dụng sinh lý (gây ngủ) mà còn gây cảm xúc thẩm mỹ, nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách cho trẻ nhỏ. Kết cấu bài hát ru thường được mở đầu bằng các cụm từ: Bồng bồng bống bống bang bang, Ru ru riếng, riếng rà rà, Ru con con ngủ cho rồi, Ru hời… Tiếp đến là những câu hát chính và kết bằng Ạ à ời, Ạ à ơi…
Bên cạnh những đặc điểm chung đó, hát ru cũng hết sức đa dạng và phong phú. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc trên đất nước ta với sự khác nhau của thiên nhiên, tâm lý tính cách con người và âm điệu ngôn ngữ… mà sản sinh ra những giai điệu hát ru của riêng mình. Trong đó, người Kinh là một trong những dân tộc có kho tàng hát ru dồi dào, giàu có nhất. Phần lớn các bài hát ru của người Kinh được thể hiện bằng thể thơ lục bát truyền thống cùng với những hình ảnh của các loài vật quen thuộc ở vùng đồng bằng sông nước, như: con cò, con vạc, con cá bống, con tôm, cây cải, cây khoai, cây lúa…
Bồng bồng bống bống bang bangBống ơi bống ngủ cho ngoanMẹ bống yêu bống ơ… ơ bống càng làm…à thơ. Ạ à ời… Ạ à ơi(Mẹ nựng con)
Ạ à ời… Ạ à ơiEm tôi buồn ngủ buồn nghêBuồn ăn cơm nếp…ơ…ơ cháo kê thịt gà. Ạ à ời… Ạ à ơi(Chị ru em)
À ơi ơ…Cái ngủ mày ngủ cho lâuMẹ mày đi cấy ơ…ơ…đồng sâu chưa vềBắt được con cá rô trêCầm cổ…a…a… lôi về nấu nướng à…ngủ ăn. Ạ à ời… Ạ à ơi (Bà dỗ cháu)
Đặc biệt, hình ảnh con cò xuất hiện nhiều nhất trong các bài hát ru với những sắc thái khác nhau. Có lẽ loài vật này là hình ảnh ẩn dụ của những người nông dân xưa quanh năm lặn lội dầm mưa dãi nắng, nên người hát ru đã gửi gắm tâm sự của mình qua hình ảnh rất gần gũi này. Vì thế trong những bài hát ru, hình ảnh con cò đều trở nên bé bỏng, rất đáng yêu đáng thương…
Cùng với hát ru của người Kinh, các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng có kho tàng hát ru phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc mình và thổ ngữ địa phương mình. Đó có thể là những câu hát giản dị, bộc lộ trực tiếp tình cảm thương yêu của người cha đối với con:
À ơi, à ời ơi…Bố nhớ con, con hỡiA, con bố đây rồiBố thương con, con àCon nằm trong tay bố…(Hát ru của dân tộc Lô Lô)
Và đó cũng có thể là những câu hát với những hình ảnh chọn lọc, ngôn từ tinh tế, gợi cảm để qua đó, người hát ru bộc lộ một cách gián tiếp tình cảm yêu thương của mình dành cho đứa trẻ. Lời hát ru của dân tộc Thái thể hiện nét độc đáo của tập quán làm ăn và cả phong cách ẩm thực của dân tộc mình qua lời hát ru:
Lúa chín vàng đem dao đi ngắtLúa gặt xong đem đòn đi gánhGặt lúa được nếp nôôngXôi lên, đổ ra trắng bócCơm này ăn mềm môi, ngủ ngon…Dù có sự khác nhau về hình ảnh, ngôn ngữ và cách thể hiện, nhưng các bài hát ru đều tạo được nhịp giai điệu êm ái, thơ mộng và quan trọng nhất là thể hiện tình cảm yêu thương đằm thắm, dung dị dành cho trẻ nhỏ:
Con cần gì? Cần địuTrên lưng bố, con ngheĐàn ong rừng vui caMắt long lanh, ngơ ngác(Hát ru của dân tộc Mường)
Trong các bài hát ru, thế giới tự nhiên đã được người hát ru cảm nhận bằng con mắt trẻ thơ nên rất hồn nhiên, trong sáng và giàu cảm xúc. Với tình yêu thương của mình, người hát ru đã hóa thân vào từng lời hát, bồi đắp đời sống tâm hồn của trẻ thêm phong phú, trong sáng và hình thành nhân cách đẹp đẽ trong những năm tháng đầu đời…
Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc gìn giữ và phát triển hát ru càng cần thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, khi mà ở đây đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang ngày càng bị mai một, nhiều bà mẹ không còn thói quen hát ru, nhiều trẻ thơ dễ bị cuốn hút bởi những loại hình vui chơi thiếu tác dụng giáo dục, thì hát ru với những giá trị thẩm mỹ, giáo dục… càng xứng đáng là những “viên ngọc quý” trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc ta.
Trần Văn Lợi