Từ xưa đến nay, không nhiều nhà văn, nhà thơ trăn trở tìm cái mới trong cách thể hiện những đứa con tinh thần của mình, thậm chí tìm cho mình một hướng đi riêng, tạo nên phong cách khó trộn lẫn trên văn đàn. Việc họ “từ chối” chính bản thân mình trong viết lách khi “không có gì mới để nói, không có gì đặc biệt để viết”, nhất là lúc việc phát hành sách tương đối thuận lợi như hiện nay thật đáng trân trọng.
1.Dịch giả, nhà thơ Dương Tường (ảnh) (SN 1932) vốn nổi tiếng với nhiều tác phẩm dịch như: Anna Karenina (L.Tolstoy), Cuốn theo chiều gió (M.Mitchell), Người dưng (A.Camus), Con đĩ biết lễ nghĩa (J.P.Sartre), Đồi gió hú (E.Bronte), Cái trống thiếc (G.Grass), nhiều vở kịch của Shakespeare,...
Gần đây ông được dư luận chú ý khi dịch Lolita, tác phẩm từng bị liệt vào cuốn “dâm thư”, ồn ào trên văn đàn của toàn thế giới suốt một thời gian dài. Hiện nay, dù đã ở tuổi 80, nhưng ông vẫn đang tiếp tục công việc dịch thuật đầy thách thức khi lao vào dịch tác phẩm “Đi tìm thời gian đã mất” từ tiếng Pháp của Marcel Proust. Đây là bộ tiểu thuyết khổng lồ được coi là kiệt tác của thế kỷ 20. Tất nhiên, với sức khỏe hiện nay, ông không thể làm việc này một mình mà cùng làm với một nhóm, nhưng ngay cả như thế thì việc này cũng đã lấy mất hầu như thời gian và cả sức khỏe của ông.
Nổi tiếng với văn học dịch, chinh phục nhiều đỉnh cao là những kiệt tác của thế giới, ông cũng từng đi “ở ẩn” để có thể tập trung cao nhất cho công việc; nhưng điều ông đau đáu, khiến ông mất ngủ nhiều nhất lại là thơ. Ông đã in: 36 bài tình (in chung với Lê Đạt), Đàn, Mea culpa và những bài khác,... Nhưng thơ Dương Tường không phải ai cũng có thể đọc được và thích được, ngay cả với những người cùng thời với ông chứ chưa nói đến giới trẻ với lối sống nhanh, ăn gà KFC, đọc ráp, nhảy híp hop bây giờ.
Ông cũng có bài thơ đầy ý nhạc như Tình khúc 24 mà nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc (bài hát sau đó rất nổi tiếng, được nhiều ca sĩ thể hiện trong đó thành công phải kể đến ca sĩ Hồng Nhung); nhưng để có bài hát đằm sâu như thế, Phú Quang cũng đã phải “gọt” cho ngọt, cho hợp với khuôn nhạc chứ không khó hiểu như thơ của ông: “24 phím cầm chiều/24 nhành sương mím/24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư/Gửi lại em /cầu thang 24 bậc /tờ thư 24 gác mưa /làn menuet 24 âm xưa/… Gửi lại em/gửi lại em tất cả/ kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ /Riêng đêm em xòa bóng nốt ruồi /24 quầng / anh giữ”.
Nhưng có những bài thơ của ông khiến người đọc phải ngẫm ngợi mà dẫu có ngẫm ngợi có khi cũng vẫn chẳng hiểu thế nào. Chẳng hạn ông viết: “Kỉ niệm/rớm xanh/lối em đi/em đi/còn /balcon rớm nắng/rớm ánh nhìn/mi cửa sổ/rớm/bóng em để lại/em đi /ngực nhụy/rớm hương/buồn tiền sử /và em lại đi /nắng rớm /chiều đào (Kỷ niệm, 1993). Mỗi người cảm nhận thơ theo cách của riêng mình và thơ cũng có cung bậc, ngôn từ, âm điệu của riêng nó, nhưng quả thật khi ông viết “em đi /ngực nhụy/rớm hương/buồn tiền sử /và em lại đi /nắng rớm /chiều đào” thì có lẽ chỉ riêng mình ông có thể hiểu rõ nhất ý nghĩa của nó.
Nhưng điều đáng nói ở đây, dù là việc dịch thuật hay làm thơ, ông cũng làm thật nghiêm túc, thậm chí vắt kiệt mình để được là mình, để thể hiện tính cách của mình. Ông muốn rằng, mình phải có con đường riêng trong sáng tác thơ, không lặp lại, không theo cái truyền thống thường thấy; nói theo kiểu học thuật thì ông muốn cách tân thơ, nhưng thực chất là ông không muốn trở thành nhà thơ như bao nhà thơ khác, ông muốn thoát ra khỏi cái thông thường, là mình và chỉ có mình mới thế.
Thế nên, khi tôi hỏi ông về thơ, rằng bây giờ thơ với ông thế nào, muốn nghe ông kể chuyện làm thơ thì ông nói rất nhanh rằng, hiện tại ông không sáng tác thơ nữa, cũng không muốn nói về thơ nữa bởi “chẳng có gì mới để nói”. Lòng khí khái nghề nghiệp, mà thực chất là tự trọng của bản thân, tôn trọng chính cái nghiệp mình chọn, cái nghiệp mình đeo đuổi khiến nhà thơ Dương Tường, dù cho đã lên lão từ lâu rồi vẫn muốn mình có bản sắc riêng, không thể lẫn với bất kỳ ai. Đây là điều thật đáng trân trọng ở ông mà không phải ai cũng có được, khi họ đã thành danh.
2.Một người nữa có cái khí khái như thế là lão nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng: Hồ Quý Ly (2000, Giải thưởng của Hội nhà văn HN 2001), Mẫu thượng ngàn (2005, Giải thưởng Hội nhà văn HN 2011), Đội gạo lên chùa (2011). Năm nay lão nhà văn đã bước vào tuổi 80 (ông sinh năm 1933). Dù từng viết truyện ngắn từ khi ở trong quân đội, nhưng ông vẫn được liệt vào thế hệ nhà văn trẻ bởi những tiểu thuyết nổi danh làng văn xuất hiện khi ông đã vào tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi không dễ dàng gì để có thể cầm bút viết những tác phẩm dài hơi (cuốn nào của ông cũng ngót nghét 800 trang), và viết khỏe rất khỏe, liên tiếp cho ra mắt bạn đọc các tác phẩm rất đáng chú ý khoảng chục năm trở lại đây, mà lại hoàn toàn viết tay.
Thời gian này, khi cái rét bắt đầu tràn về, lão nhà văn bị ốm, ông ho nhiều. Ông bảo ngày xưa, khi còn trẻ, ông đã bị bệnh lao, ho cả ra máu. Bây giờ bệnh đã khỏi, nhưng tuổi cao rồi, sức khỏe cũng đã cạn.
Hiện giờ, ông đang dịch một cuốn sách tâm lý học từ tiếng Pháp của nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới Jean Piaget “Sự hình thành của cái tượng trưng” (tên sách gốc La formation du symbole). Ông bảo xen giữa các cuốn tiểu thuyết bao giờ ông cũng dịch sách, thường là dịch sách tâm lý học, xã hội học, tất nhiên dịch những cuốn sách này không hề đơn giản. Đến nay ông đã có khoảng 7 đến 8 đầu sách dịch. Bây giờ mỗi ngày ngoài việc đọc sách báo khoảng vài ba tiếng, thì ông dành từ hai đến ba tiếng để dịch sách. Cuốn sách này lão nhà văn dịch đã quá nửa năm nay rồi và cũng phải mất chừng ấy thời gian nữa mới hoàn thành. Khi dịch, ông vẫn viết tay, khi nào dịch xong sẽ thuê đánh máy, nếu đem in chắc khoảng 600 trang.
Tôi hỏi lão nhà văn, sau tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, ông có viết gì nữa không. Ông cười hồn hậu bảo rằng: Tất nhiên, đã là nhà văn, thì đương nhiên sẽ luôn có dự định. Và tất nhiên nhiều người khi nghe câu này sẽ nói là “đang ấp ủ viết cái này cái khác”. Nhưng ông khác, nếu như không có cái gì đặc biệt, không có cái gì hay thì không thể làm, không thể viết. Và nếu như không thể thực hiện được thì tốt nhất không nên nói ra, bởi nếu dự định làm gì đó, ông sẽ canh cánh trong lòng không thể yên được. Lòng tự trọng với nghề và mong muốn viết những tác phẩm đáng để đọc, nhất là những cuốn tiểu thuyết nặng ký (về cả văn hóa và lịch sử), nhất là đối với nhà văn tuổi cao như ông quả là hiếm xưa nay.
3.Nhà văn Y Ban (ảnh) là người có cá tính mạnh. Cá tính ấy người ta dễ dàng nhận ra trong từng con chữ. Chị cũng là tuýp người luôn mong muốn làm mới mình, để không lặp lại và cảm thấy mình không “cũ” đi. Chị khẳng định rằng mình rất dị ứng thậm chí là ly khai với cách viết tiểu thuyết truyền thống. Những tiểu thuyết của chị mỗi cuốn đều có một cách viết khác nhau.
Tiểu thuyết đầu tiên “Đàn bà xấu thì không có quà” là một sự phá cách khi cấu trúc chỉ gồm ba chương cho một nhân vật: sáng, trưa, tối và xâu chuỗi chúng lại thành một cuộc tình online của một người đàn bà có cái mặt vô cùng đẹp nhưng thân hình vô cùng xấu. Tiểu thuyết thứ hai “Xuân từ chiều” viết từ đầu đến cuối không hề xuống dòng. Tiểu thuyết thứ ba “Trò chơi hủy diệt cảm xúc”, chị chọn lối viết các chương khác nhau với những nhân vật, cuộc đời, tính cách khác nhau, nhưng chương cuối cùng khi xâu chuỗi lại thì tất cả những nhân vật đó thực ra là những mảnh ghép để làm nên một con người hoàn chỉnh… Chị bảo đấy là dụng ý của mình, chị muốn người đọc tìm thấy cái mới mỗi khi đọc tác phẩm của mình. Đây cũng chính là tính cách của Y Ban, chị muốn trong mỗi tác phẩm của mình phải có yếu tố bất ngờ và quan trọng là có cái gì để bạn đọc tìm thấy và chờ đợi mỗi khi tác phẩm của chị ra đời...
Những trăn trở về nghề nghiệp, luôn muốn tìm cái mới, thể hiện sự sáng tạo không ngừng của những nhà văn nhà thơ đã làm nên phong cách của họ. Điều này khiến họ không bị “trộn lẫn” trong đám đông. Cá tính mạnh mẽ ấy khiến họ nổi bật làm nên vẻ đẹp nhân cách và chắc chắn họ sẽ cống hiến cho làng văn những tác phẩm để đời. Và trên hết, lòng tự trọng đã khiến họ thực sự là những tài năng khiến bạn đọc có thể “điểm mặt chỉ tên” và tất nhiên người như thế không nhiều.
Xuân Phong