Trong tuần lễ tính từ ngày 2/2, “Baby Shark” đứng thứ 36 trong Hot 100, tiến thêm 1 mức so với tuần trước đó. Đây cũng chính là tuần thứ 4 liên tiếp bài hát có ca từ đơn giản này chiếm giữ Billboard.
“Baby Shark” được xem là một kỳ tích của nền âm nhạc xứ sở Kim Chi, có thể so sánh với các nghệ sĩ K-pop thịnh hành như Psy, Wonder Girls và BTS. Bài hát “Idol” mới nhất của BTS thậm chí còn leo tới nấc thứ 11 của Billboard.
Sau khi được ra mắt năm 2015 bởi Pinkfong - nhãn hiệu giải trí giáo dục của công ty SmartStudy – bài hát vui nhộn dài hai phút đã nổi tiếng khắp mạng xã hội cũng như được khán giả trong và ngoài nước yêu thích.
Nó thậm chí tạo được một làn sóng “nhái lại” trên Youtube, lôi kéo cả những người nổi tiếng như nhóm nhạc nữ Red Velvet của Hàn Quốc đến người dẫn chương trình Ellen DeGeneres ở Mỹ bắt chước lại nhịp điệu. Tính đến ngày 1/2 phiên bản tiếng Anh của “Baby Shark” đã thu hút hơn 2,27 tỷ lượt xem trên Youtube và số lượt xem vẫn chưa ngừng gia tăng. (Xem video Baby Shark trên Youtube)
Tuy nhiên, tại quê nhà, bài hát thiếu nhi này đang phải đối mặt với một số vấn đề pháp lý sau khi Đảng Tự do Hàn Quốc đã sử dụng bài hát này trong chiến dịch trang cử địa phương năm 2018.
Công ty SmartStudy buộc tội Đảng Tự do Hàn Quốc vi phạm bản quyền đồng thời đe dọa hành động pháp lý. Ngược lại, đảng chính trị đối lập lên tiếng phản bác và cáo buộc SmartStudy đạo nhạc lại bài “Baby Shark Song” của nhà soạn nhạc Mỹ Johnny Only.
Đảng Tự do Hàn Quốc cho biết hành động buộc tội của SmartCity đã cản trở các hoạt động vận động bầu cử hợp pháp của họ, đồng thời tuyên bố đảng này đã xin phép Johnny Only để sử dụng bài hát này.
Ít tháng sau đó, hồi tháng 10, nhà soạn nhạc Mỹ đã tự nộp đơn đòi bồi thường thiệt hại đến tòa án Hàn Quốc, yêu cầu SmartStudy bồi thường 5 triệu won (tương đương 4.476 USD) vì nhái lại bài hát từ năm 2011 của ông.
Tuy nhiên, SmartStudy đã bác bỏ tuyên bố đạo nhạc. Công ty này khẳng định “Baby Shark” được làm mới từ một bài hát thiếu nhi truyền thống, không vi phạm bản quyền.
Phiên điều trần đầu tiên dự kiến diễn ra ngày 31/1, tuy nhiên bên Johnny Only lại từ bỏ vụ kiện. Được biết, phía Mỹ đang chuẩn bị nộp đơn kiện mới để đòi số tiền lớn hơn.
“Baby Shark” kể về một gia đình cá mập và cuộc đi săn cá bé. Phiên bản tiếng Anh của ca khúc được minh họa bởi điệu nhảy dễ thương và nhịp điệu doo doo doo gây nghiện.