Không chỉ người dân vùng ngoại thành Hà Nội đến vui chơi, giải trí mà sức lan tỏa của điểm đến này còn vượt qua cả giới hạn địa lý, thu hút người dân tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, thương mại, tăng nguồn thu cho địa phương.
Sức hấp dẫn của điểm đến
Theo UBND thị xã Sơn Tây, qua một năm triển khai thí điểm hoạt động tuyến phố đi bộ, lượng khách tham gia ước đạt trên 42 vạn. Trung bình mỗi buổi tối, tuyến phố đi bộ thu hút gần 1 vạn lượt khách, đặc biệt có tối tăng lên 2,5 - 3 vạn lượt khách do hiệu ứng của các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc.
Hiệu quả đạt được của tuyến phố đi bộ về mặt xã hội được thể hiện khá rõ, cảnh quan, môi trường được cải thiện, không gian văn hóa Thành cổ được bảo tồn và phát huy; di tích lịch sử Thành cổ, các công trình văn hóa được quan tâm chỉnh trang, cơ sở hạ tầng được nâng cấp... Khi cả khu vực ngoại thành Hà Nội chưa có sản phẩm du lịch về đêm thì tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo điểm nhấn hấp dẫn cho cả xứ Đoài.
Để tạo được điểm đến ấn tượng như vậy, thị xã Sơn Tây tích cực đầu tư chỉnh trang, cải tạo hạ tầng cơ sở, từ trang trí hệ thống chiếu sáng, cảnh quan, vệ sinh môi trường. Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm và Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo cho biết, giai đoạn 1 dự án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây hoàn thành, góp phần cải tạo cảnh quan khu vực bên trong Thành cổ, hình thành "Đàn chim bồ câu Thành cổ Sơn Tây", thả 500 con cá koi và cá chép vào hai giếng ngọc, trang trí 250 đèn lồng khu vực đường dạo...
Công tác tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đường phố trong không gian phố đi bộ được thị xã quan tâm, tạo sức hút đối với người dân và du khách. Thời gian qua, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây diễn ra trên 350 lượt biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 6 điểm sân khấu chính và các khu vực sân khấu xung quanh. Các hoạt động trò chơi dân gian như nặn tò he, viết thư pháp, vẽ truyền thần, nhảy sạp, kéo co, bóng bay nghệ thuật... diễn ra hàng tuần. Bên cạnh đó, trong khuôn viên phố đi bộ tổ chức khu vực gian hàng trò chơi, đồ lưu niệm, giới thiệu các sản phẩm OCOP, giới thiệu ẩm thực xứ Đoài...
Bày tỏ sự vui mừng khi địa phương có tuyến phố đi bộ đêm, ông Nguyễn Văn Thanh, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây cho biết, trước kia, người dân thị xã không có điểm vui chơi, giải trí về đêm, nhất là những ngày cuối tuần. Vì vậy, việc xây dựng tuyến phố này khiến người dân rất phấn khởi. Ông và các con, cháu thường xuyên đến vui chơi, giải trí, mua sắm và cảm thấy rất hào hứng.
Việc kết nối không gian đi bộ mở rộng với di tích Thành cổ Sơn Tây và các tuyến phố xung quanh đã tạo thành một chuỗi kết nối giữa không gian văn hóa cộng đồng với các tuyến phố thương mại như Quang Trung, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi.., góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của các tuyến phố xung quanh. Đặc biệt, lượng du khách đến nghỉ dưỡng, lưu trú tại các điểm du lịch ở khu vực thị xã như Glory resort, Thảo Viên resort, Làng Mít, các khách sạn Lâm Ký, Đông Thành… tăng 20-30%. Những ngày cuối tuần, những khu du lịch như Glory resort, Làng Mít lượng khách đặt phòng thường xuyên kín phòng, không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách. Đặc biệt là Glory resort, mặc dù là khách sạn tiêu chuẩn 5 sao nhưng luôn mở cửa đón mỗi ngày hàng trăm học sinh vào tham quan, trải nghiệm du lịch, học nghề; ngày cao điểm thu hút hàng ngàn học sinh từ nhiều vùng trong thành phố Hà Nội.
Mở rộng thêm không gian tuyến phố đêm
Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cho biết, sau một năm thí điểm hoạt động tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị xã nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn và nhân dân về việc mở rộng phạm vi tuyến phố. Không gian mở rộng dự kiến là toàn bộ tuyến đường xung quanh Thành cổ. Việc mở rộng nhằm phát huy tối đa lợi thế về vị trí, cơ sở hạ tầng xung quanh khu vực bờ hào Thành cổ và của khu vực chợ Nghệ gắn với phát triển kinh tế đêm của thị xã.
Qua điều tra khảo sát bước đầu đối với 65 hộ dân của 3 tổ dân phố Nguyễn Thái Học, Lê Quý Đôn, Phạm Ngũ Lão bị ảnh hưởng trực tiếp nếu mở rộng tuyến phố và 50 khách du lịch, 100% đánh giá các hoạt động của phố đi bộ giai đoạn vừa qua là tốt và rất tốt; 72% người dân được hỏi đồng tình với việc mở rộng phạm vi tuyến phố đến hết vòng Thành cổ... Tại khu vực này, thị xã nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức mở thêm các khu ẩm thực đêm, khu vui chơi mua sắm nhằm hình thành các không gian liên hoàn gắn với không gian tuyến phố đi bộ hiện có. Thị xã đầu tư hạ tầng, cảnh quan, khi đủ điều kiện sẽ báo cáo UBND thành phố cho phép mở rộng toàn tuyến theo đề án đã đề ra.
Thị xã Sơn Tây thí điểm thực hiện chuyên chở khách du lịch bằng xe điện phục vụ nhu cầu tham quan, khám phá trải nghiệm các điểm di tích và tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Lộ trình tham quan kết nối hoạt động của tuyến phố đi bộ với các điểm di tích trọng điểm như: Di tích làng cổ Đường Lâm, đền Và, Văn Miếu, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, làng trồng hoa cây cảnh Viên Sơn, Trung Sơn Trầm. Một mặt, thị xã triển khai bổ sung các tuyến xe bus kết nối với các khu resort nghỉ dưỡng tại khu vực phía Tây như Glory, khu vực phía Nam như: Làng Mít, sân golf Đồng Mô, Thảo Viên, Quảng Tây resort… góp phần phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách đến với phố đi bộ, tạo thêm một sản phẩm du lịch mới của thị xã.