Đất nước Việt Nam đang bước vào một mùa xuân mới, mùa xuân của 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mùa xuân của 70 năm thành lập nước Việt Nam, mùa xuân của 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước... Trong tâm thế chào đón rộn ràng xuân mới, các thế hệ văn nghệ sỹ dù người lớn tuổi hay người trẻ tuổi, đều có tâm nguyện, mong sao cho Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn, tươi đẹp hơn... Cùng lắng nghe các thế hệ văn nghệ sỹ kể về những kỷ niệm sâu sắc của mình, hay những tâm sự, những mong muốn tốt đẹp trong mùa xuân mới đầy ý nghĩa này. Nhà văn Hồ Phương: Tôi tự hào mình là người Việt NamNhà văn Hồ Phương kể: Tôi vào học ở trường Trung học Chu Văn An đúng lúc Cách mạng tháng Tám thành công. Khi đó, tôi có quen một anh trong đội Thiếu niên tiền phong Hà Nội, anh mời tôi vào tham gia hoạt động trong đội. Sẵn "bầu" nhiệt huyết vốn có từ tinh thần Cách mạng tháng Tám, tôi đã nhanh chóng tham gia hoạt động trong đội thiếu niên tiền phong của trường. Vốn có một chút năng khiếu văn chương, lại biết vẽ, tôi thường xuyên tham gia viết báo, vẽ ký họa... Khi quân Pháp trở lại tham chiến, tôi cùng các bạn trong đội Thiếu niên tiền phong Hà Nội thường xuyên tham gia biểu tình, mít tinh phản đối Pháp quay trở lại Việt Nam.
Kháng chiến bùng nổ, tôi trở thành liên lạc viên, sau đó trở thành bộ đội thuộc Trung đoàn Thủ đô, sau đó vào Trung đoàn 308, Trung đoàn quân tiên phong, sau này thành Sư đoàn 308 anh hùng.
Nhắc đến kỷ niệm khi viết về tác phẩm "Cỏ non", một truyện ngắn rất nổi tiếng của ông, nhà văn Hồ Phương cho biết: "Chiến tranh kết thúc, tôi cùng các anh Hữu Mai, Chính Hữu thành lập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Trong một lần đi công tác vào một nông trường ở chân núi Ba Vì, giữa trưa trời nắng chang chang, nhưng khi đi qua đồi tranh, tự nhiên tôi nghe thấy tiếng "họ", rồi lại nghe tiếng mắng yêu: "Sao mày cứ chạy đi đâu đấy hở, tao cho mày vào chỗ mát mày không ở, cứ chạy bắng nhắng...”. Tôi tò mò đến gần, hóa ra là một anh bộ đội đang mắng một con bò. Tôi bật cười trước tình cảm trìu mến mà anh bộ đội đó dành cho con bò. Và tôi thấy lạ là con bò ấy lại có vẻ rất biết nghe lời. Suốt đường đi, trong đầu tôi cứ quẩn quanh hình ảnh anh bộ đội và con bò ấy, và đó đã trở thành hình tượng thôi thúc tôi trở về viết nên tác phẩm “Cỏ non”. Sau này, có nhiều đơn vị cho rằng anh Nhẫn trong chuyện “Cỏ non” ấy là ở đơn vị của mình, nhưng thực tình, nhân vật anh Nhẫn ấy là tôi sáng tạo ra. Sau này nhiều người lại tưởng nhầm là tôi viết về anh hùng Hồ Giáo, nhưng thực ra anh Hồ Giáo của tôi không phải là anh Hồ Giáo anh hùng mà nhiều người nhầm tưởng”.
Nói đến đất nước Việt Nam chào đón 70 mùa xuân đất nước, nhà văn Hồ Phương tâm sự: “70 năm từ khi thành lập nước đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, của Chính phủ... Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh lớn, đánh đuổi quân xâm lược. Trên mặt trận kinh tế, chúng ta cũng đã có những bước tiến dài, dân tộc Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu những cái mới, áp dụng những thành tựu tiên tiến vào trong công cuộc phát triển đất nước, để bộ mặt đất nước ngày càng thay đổi, đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp hơn. Cho dù đi đâu, làm gì, tôi luôn luôn tự hào mình là người Việt Nam”.
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: Có trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộcNăm 2015, Việt Nam đón chào rất nhiều ngày lễ lớn, trọng đại của dân tộc: 85 năm thành lập Đảng, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm thành lập nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Nhà hát Chèo Việt Nam đã có những bước chuẩn bị công phu để chào đón đất nước trong mùa xuân mới.
Bên cạnh việc dàn dựng và cho ra đời những vở diễn lớn, vào dịp kỷ niệm lễ 30/4 tới đây, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ vào Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhằm giới thiệu nghệ thuật chèo, một loại hình nghệ thuật truyền thống của người miền Bắc với người dân miền Nam.
Năm 2015 cũng là tròn 70 năm đất nước thành lập, cùng với những ngày lễ lớn của dân tộc là người Việt Nam, lại là một nghệ sỹ, bản thân tôi cũng có những cảm xúc rất riêng. Và tôi nghĩ rằng, không phải riêng tôi, mà tất các các nghệ sỹ, những người con Việt Nam đều có cảm xúc đặc biệt như tôi. Mặc dù thế hệ chúng tôi không sinh ra vào những thời khắc lịch sử ấy, không được chứng kiến những giây phút trọng đại của đất nước, nhưng là một người nghệ sỹ, chúng tôi được đi nhiều nơi, được tham gia nhiều chương trình, hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm những ngày lễ lớn... chúng tôi cảm nhận sự thiêng liêng đó qua các tác phẩm nghệ thuật.
Chúng tôi hiểu được rằng, để có được hòa bình, để xây dựng được một đất nước Việt Nam như ngày hôm nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã phải trải qua những cuộc đấu tranh, phải hy sinh xương máu, phải kiên trì, bền bỉ bao nhiêu năm để đúc kết, để tạo dựng nên một dân tộc Việt Nam anh hùng. Bản thân tôi cũng là một đảng viên, tôi hân hoan trong niềm vui xuân mới, nhưng tôi cũng càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn, bởi trong thời kỳ hội nhập với thế giới phát triển như hôm nay, chúng ta gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng mỗi người chúng ta đều phải giữ vững bản lĩnh chính trị, không ngừng nỗ lực, phấn đấu để xây dựng một đất nước Việt Nam hiện đại, phát triển về mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, và để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, bởi văn hóa là hồn cốt của dân tộc, chúng ta gìn giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam cũng chính là gìn giữ đất nước, quê hương mình.
Nhà điêu khắc Trần Văn Thức: Mong đất nước ngày càng đoàn kết hơnNhà điêu khắc Trần Văn Thức. |
Tôi là thế hệ trẻ, khi sinh ra chỉ còn thấy tàn dư của các cuộc chiến tranh. Nhưng chúng tôi có niềm vui vì được sống trong thời kỳ thanh bình, có điều kiện sống, học tập tốt hơn cha ông xưa. Chúng tôi có cơ hội được giao lưu, học hỏi với bạn bè khắp năm châu, có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nhiều nguồn tri thức mới... Đây là những điều kiện rất tốt để cho thế hệ trẻ chúng tôi có nội lực mạnh hơn, để có thể làm việc tốt hơn...
Là một người nghệ sỹ, vào thời khắc chào đón 70 năm mùa xuân đất nước, tôi mong muốn đất nước ngày càng tươi đẹp hơn, dân tộc Việt Nam ngày càng đoàn kết hơn, yêu nước hơn để tìm lại những giá trị đích thực của con người Việt Nam, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, phát triển đất nước về mọi mặt, gìn giữ hòa bình, kinh tế phát triển để mọi người dân cùng được ấm no, hạnh phúc... Bản thân tôi từ trước đến nay vẫn luôn không ngừng cố gắng, nỗ lực thể hiện điều đó trong các tác phẩm nghệ thuật của mình, bằng việc gửi gắm, thể hiện tình yêu gia đình, yêu quê hương, yêu làng xóm... của mình vào trong các tác phẩm nghệ thuật, cổ vũ tinh thần để mọi người dân đều cùng nhau vui vẻ, hạnh phúc...
NSND Tường Vy:Hát để chiến đấu“Tôi tham gia cách mạng và cũng nhập ngũ trong hoàn cảnh đặc biệt và với một quyết định rất nhanh chóng. Đó là khoảng năm 1953, trong hoàn cảnh đất nước đang chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), tướng Nava của Pháp đã mở cuộc không kích toàn máy bay “bà già” ném bom từ khắp miền Trung trở vào miền Nam Việt Nam. Lúc đó gia đình tôi ở cùng nhà bà ngoại, cũng là sở chỉ huy của cách mạng. Vì gia đình tôi nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao nên đã bị ném bom, và bị giặc bắn thẳng vào nhà.
Khi bị ném bom và bị bắn, tất cả mọi người đã bỏ chạy hết, chỉ có bà ngoại tôi mắt kém là không chạy được nên bà đã trốn xuống gầm bàn và bị bắn gãy chân. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ bị bắn phá, mọi người chạy về thì bà ngoại tôi đã mất. Quá đau lòng và căm thù, mẹ tôi đã quyết định động viên tôi đi bộ đội.
Khi đó tôi mới chỉ là một cô bé 16 tuổi, tuy còn non nớt và là con gái út trong nhà lại rất được mẹ thương, nhưng chứng kiến cảnh chiến tranh đau thương, tôi đã gật đầu nói với mẹ: “Con sẽ đi bộ đội”. Tôi còn có một người chị ruột lúc đó đang trong quân đội đã viết thư về nhà nói rằng đang có một lớp y tá quân đội cần tuyển người, khuyên tôi nên đi học để ra làm quân y. Và tôi đã đi đăng ký thi tuyển. Lúc đầu vào gặp anh tuyển quân, anh lắc đầu chê tôi gầy, anh hỏi tôi: “Em bao nhiêu ký?”, tôi trả lời mình 36 ký thì anh cười bảo: ”Gầy và bé nhỏ thế này làm sao đi bộ đội được”. Nhưng lúc đó lòng đầy quyết tâm, tôi đã thuyết phục anh: “Em gầy nhưng em hát được!”, anh hỏi: “Hát để làm gì?”, tôi bảo: “Em sẽ hát cho thương binh nghe để các anh ấy nhanh hồi phục”. Thấy tôi quyết tâm và nói cũng có lý nên anh đã bảo tôi hát một bài, tôi hát xong thì anh khen hay rồi anh gật đầu cho tôi vào. Tôi nhớ ngày hôm đó là ngày 17/7/1954, tôi chính thức đi học và trở thành người y tá quân đội.
Hơn 1 năm làm công việc chăm sóc thương binh sau mổ, có những người phải điều trị rất lâu mới bình phục, tôi đã gắn bó với những người thương binh ấy không chỉ bằng nghiệp vụ y tá mà còn bằng tiếng hát của mình. Hồi đó tôi còn nhỏ, tiếng hát còn nhẹ nhàng và dễ thương lắm, tôi hay hát dân ca cho các anh ấy nghe và ai cũng yêu mến tôi. Một lần có một ông đại tá về đơn vị tôi và thấy tôi hát hay, ông đã đề nghị xin Tổng cục Quân y chuyển tôi về Đoàn ca múa Quân đội. Khi nghe ông nói thế thì tôi trả lời rằng, tôi thích làm y tá để cứu bộ đội như lời mẹ dặn, nhưng ông đã nói một câu làm tôi thay đổi suy nghĩ đó, ông bảo: “Hát cũng là cứu người”. Và ngay sau đó tôi từ một y tá đã trở thành một người “nghệ sĩ mặc áo lính”.
Những ngày trong chiến trường đi hát phục vụ bộ đội, tôi từng rất nhiều lần được đi hội diễn cùng Bác Hồ, cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được Bác cũng như Đại tướng rất thương mến, nhất là các anh em bộ đội cũng rất thích được nghe tôi hát. Có một lần tôi đang trên đường hành quân từ Quảng Bình ra, bỗng gặp 4 chiếc xe tải đi ngược chiều, chở một tiểu đoàn quân đặc biệt tinh nhuệ vào chiến trường. Trong xe có người hỏi: “Ai đấy?”, xe tôi trả lời: “Xe của Đoàn văn công”, thế là mọi người nhao lên hỏi: “Có Tường Vy không?”, khi biết có tôi ở đó, đoàn xe đã dừng lại, quây 4 xe tải thành sân khấu và tôi bị “xách lên” hát, tôi xúc động và thấy khí thế quá liền hát bài “Tiếng đàn Ta lư”, tôi hát say mê, cao vút và anh em chiến sĩ thích quá cũng hát theo vang cả khu rừng. Đó cũng chính là sức mạnh của âm nhạc cách mạng, nó có một sức động viên tinh thần lớn lao đến mức, ngay giữa nơi mưa bom bão đạn, sinh - tử cận kề, con người ta vẫn được sống cùng những câu hát với một niềm tin mãnh liệt như vậy!”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Văn chương cách mạng đã hoàn thành nhiệm vụ của lịch sửNăm 1965, khi vừa tốt nghiệp và trở thành một bác sĩ, thì không chỉ tôi mà cả lớp tôi đều xung phong ra chiến trường. Khí thế của cuộc cách mạng lúc đó đã cuốn tất cả những thanh niên trí thức đầy lý tưởng như chúng tôi tình nguyện đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Năm đó tôi nhập ngũ và là một bác sĩ trẻ nên được phân công ngay vào quân khu IV để chữa trị cho thương binh. Trực tiếp nếm trải những khó khăn, gian khổ, chứng kiến những giây phút đồng đội hi sinh đã cho tôi rất nhiều cảm xúc để làm thơ. Trong bom đạn, chiến tranh trở thành đề tài chính trong thơ tôi, đề tài về tình yêu cũng có nhưng trong hoàn cảnh đó, tình yêu cũng mang dấu vết của chiến tranh.
Năm 1969, tôi đã in tập thơ đầu tay của mình mang tên “Cỏ mùa xuân”. Có một kỷ niệm rất đáng nhớ là khi tập thơ in xong, chưa về tay mình thì những bài thơ đó đã được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Phải nói là chiếc đài lúc đó rất “lợi hại”, nó có thể mang thông tin đi khắp nơi một cách đơn giản hơn rất nhiều so với việc đưa được tập thơ bằng giấy đến tay anh em chiến sĩ.
Năm 1972, tôi chính thức bỏ nghề y và trở thành một nhà thơ đi sáng tác suốt chiều dài cuộc chiến. Không gian chiến tranh cùng với nội tâm chứa đầy lý tưởng cách mạng đã khiến những bài thơ lúc đó nặng về chất anh hùng ca. Trong chiến tranh tất cả đều phải nén lòng lại, chữ “tình” trong thơ cũng vậy, phải nén lại để vượt lên là tinh thần cổ vũ cho người ra trận, để có tinh thần chịu đựng tất cả những thiếu thốn, gian khổ, hi sinh của cuộc chiến. Nhưng dường như tư tưởng một dòng đó đã tạo nên một sức mạnh ghê gớm, tạo nên phẩm chất một thời đại để cả nước cùng vượt qua cuộc chiến một cách rất mạnh mẽ. Điều này cũng làm cho tôi có những thuận lợi trong sáng tác, để cho ra đời những bài thơ với nhiều cảm xúc lớn, đó là những cảm xúc quần tụ, cảm xúc không phải của riêng mình mà của tất cả mọi người.
Không chỉ thơ mà nền văn học cách mạng nói chung đã như một thứ vũ khí rất mạnh, vì trong thời điểm ấy, nó đã góp một nhiệm vụ cho dân tộc để chiến thắng kẻ thù. Với tất cả những điều đó, thì một nhà thơ như tôi cớ gì phải tiếc một chữ “tình” trong văn chương. Với những thành tựu của nền văn chương cách mạng, chúng ta phải tự hào vì nó đã làm tròn nhiệm vụ mà lịch sử, đất nước giao cho”.
Phương Hà - Tạ Nguyên(thực hiện)