Năm Giáp Ngọ cách nay đúng một hoa hội (1954), trên bìa một tờ báo xuất bản tại Hà Nội, lúc đó còn bị tạm chiếm, tờ “Tia Sáng Đặc San”, phủ kín một bức họa màu tả cảnh người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung đang thần tốc tiến đánh thành Thăng Long. Có hai chi tiết trong bức tranh đáng lưu ý.
Thứ nhất là Quang Trung cưỡi ngựa vung kiếm phóng như bay về phía thành Thăng Long, nơi giặc Thanh đang chiếm đóng, nhưng trên nền trời sáng rực ánh lửa cháy trong kinh thành hiện lên hình bóng Cột Cờ của thành... Hà Nội. Ai cũng cảm thấy cái phi lý vì kiến trúc Cột Cờ thì phải mãi đến năm 1805 (hay 1815) mới được Tổng trấn Bắc Thành của triều Nguyễn là Nguyễn Văn Thành xây dựng sau khi vua Gia Long quyết định rời đô vào Huế.
Nhưng chi tiết này được “giải mã” một cách thuyết phục là tác giả, một họa sĩ đang sống trong nội thành bị Pháp chiếm đóng đang gửi gắm một viễn cảnh lạc quan đang đến gần trong năm Giáp Ngọ này. Đó là nỗi niềm mong chờ đoàn quân giải phóng sẽ trở về quét sạch những kẻ chiếm đóng như mùa xuân năm Kỷ Dậu xa xưa (1789) của người dân Hà Nội. Điều này đã trở thành hiện thực vào ngày 10/10/1954, mà năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô.
Thêm một chi tiết nữa cũng dễ gây tranh cãi rằng vì sao hoàng đế Quang Trung không cưỡi voi chiến ầm ầm tiến vào Thăng Long trên mình khoác chiến bào còn vương cả khói thuốc súng lẫn pháo mừng xuân chiến thắng như trong sử sách và ký ức dân gian đều mô tả mà họa sĩ lại để ngài... cưỡi ngựa. Cách lý giải dễ thuyết phục nhất vì vẽ cho năm Giáp Ngọ nên phải có biểu tượng của con ngựa!
Sau này, khi miền Nam đã giải phóng, hình tượng hoàng đế Quang Trung đã được dựng tại trung tâm thành phố Quy Nhơn trở thành tác phẩm tượng đài đầu tiên được các nghệ sĩ “miền Bắc xã hội chủ nghĩa” xây dựng ở các đô thị miền Nam. Tác giả Lưu Danh Thanh lại cũng đặt ngài trên lưng ngựa hao hao giống bức tượng Đại đế nước Nga ở thành Lêningơrat, xứ sở đào tạo nhiều nhà điêu khắc Việt Nam. Mới đây, khi tỉnh Bình Định chủ trương sửa sang lại vẫn giữ nguyên mẫu tượng chỉ chỉnh lớn hơn một chút về kích thước và chuyển đổi chất liệu từ xi măng sang đồng đúc.
Rồi ngay tại Sài Gòn, xế cửa chợ Bến Thành, chế độ cũ cũng để lại tượng đài Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa với con chim bồ câu khi coi ngài là biểu tượng của quân chủng thông tin liên lạc... Còn với Thánh Gióng, truyền thuyết xưa nhất được truyền lại thì việc ngài cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân là lẽ đương nhiên, không thể khác.
Đọc sử cũ, cũng thấy nhắc đến ngựa từ câu chuyện thủ lĩnh nghĩa quân Lê Lợi ở thế kỷ XV trong thời dựng cờ nghĩa chống giặc Minh đô hộ, lúc gặp nạn cũng phải xả thịt ngựa ra ăn đến nhân thân nhân vật Châu Văn Tiếp, một trong “tam hùng đất Gia Định”, thế kỷ XVIII phò chúa Nguyễn chống Tây Sơn cũng xuất thân từ nghề buôn ngựa... hẳn nhiều người cũng nghĩ rằng ngựa ở xứ ta cũng chẳng khác thiên hạ!?
Dấu tích những vết chân ngựa của Thánh Gióng hay lễ hội Gióng hoặc câu chuyện truyền thuyết gắn với đền Bạch Mã, một trong “tứ trấn” của Thăng Long với lịch sử xây dựng kinh thành là khởi đầu cho nhiều truyền thuyết liên quan đến ngựa như một vật linh trong tâm thức người Việt. Lại còn thấy con ngựa trở thành một hình tượng có từ khá sớm như những “di sản vật thể” trong các tác phẩm tạo hình hay trang trí.
Ngựa đá có mặt trong bộ tượng linh vật (cùng voi, tê giác, trâu và sư tử) tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được xây từ thế kỷ XI, có mặt trong rất nhiều lăng mộ từ thời Lê mà tiêu biểu là Lăng Họ “Ngọ” ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) xây năm 1697 thời Lê Hy Tông... Con ngựa có cánh hay biến dạng của nó là con “long mã” sớm có trong trang trí đồ họa trên gốm (Bát Tràng thế kỷ XVI), trên tranh Đông Hồ hay một số điêu khắc chạm trổ trong đình làng. Thờ ngựa gỗ trong đình đền hay đồ vàng mã hình ngựa trong các phủ thờ mẫu đều được coi là phương tiện để vận chuyển cả trên dương lẫn dưới âm...Trên đường làng hay trong thành nội cứ sắp đến chùa chiền hay phủ đệ đều thấy chôn bên lề đường tấm bia “hạ mã”. Còn trong ngôn ngữ có biết bao nhiêu câu tục ngữ, thành ngữ dân gian sử dụng hình tượng con ngựa để ví von...
Liệu những chứng cớ ấy có đủ để chúng ta cho rằng con ngựa ở nước ta cũng có mặt phổ biến trong đời sống thường nhật hay trong chiến trận như ở các nước khác, nhất là với nước láng giềng phương Bắc dễ phủ trùm ảnh hưởng tới các nước láng giềng truyền thống như nước ta hay không? Bằng cứ dễ nhận thấy nhất là hình tượng con ngựa trong những phim cổ trang, lấy thể tài lịch sử mà các nhà điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây đang nỗ lực... thể nghiệm. Với cảnh những đội kỵ binh phóng ngựa ầm ầm, các dũng tướng của ta cũng mang trụ giáp cẩm binh khí oai phong trên lưng ngựa. Nếu chưa thấy cảnh hoành tráng của những đạo kỵ binh hùng hậu thì chủ yếu là do kinh phí chứ không phải vì nghèo ý tưởng, nay đang khắc phục bằng công nghệ 3D (!?).
Lịch sử tự nhiên và sinh học cho thấy loại thú lớn chân guốc này đã sớm được con người thuần hóa để dùng trong việc vận chuyển và đặc biệt sử dụng trong chiến tranh. Nhưng nó chỉ phù hợp với địa hình của các thảo nguyên, hoàn toàn không thích hợp với một xứ sở nhiệt đới như nước ta nóng ẩm lại nhiều sông nước, được cư dân khai khẩn cho phù hợp với nền nông nghiệp lúa nước. Vì thế, hình tượng con ngựa luôn mờ nhạt bên cạnh con trâu và con voi trong đời sống lao động hay chinh chiến của người dân Việt. Con ngựa bản địa trên đất nước ta cho đến ngày nay đều thấp bé, phù hợp với việc vận chuyển đồ đạc ở những vùng cao nơi sinh sống của một số cộng đồng dân tộc như người Mông... Còn ở đồng bằng xa xưa thì chỉ có quan chức hay người giàu có cưỡi ngựa để “làm le”, biểu hiện quyền thế nhiều hơn là sự tiện dụng.
Khảo cổ học cho thấy có rất ít và thuờng là rất muộn những di vật xương ngựa trong các di chỉ khảo cổ học. Trong các bộ sưu tầm của các bảo tàng gần như cũng rất hiếm những vật trang bị cho một đạo kỵ binh với những con ngựa chiến. Con ngựa chủ yếu gắn với những hình tượng nghệ thuật đến từ bên ngoài bắt đầu từ tôn giáo, tín ngưỡng rồi dần dần mới đi vào trí tưởng tượng của người Việt nhiều hơn là sự có mặt của con ngựa trong đời sống lao động dựng nước hay các cuộc chiến tranh giữ nước. Hình ảnh Cụ Hồ hay các vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh cưỡi ngựa trên chiến khu thời chống Pháp chắc cũng chỉ mang tính biểu tượng hãn hữu mà thôi...
Ảnh hưởng từ phương Bắc xuống luôn là một yếu tố thường trực kéo dài qua nhiều thời kỳ lịch sử. Trong văn hóa Trung Quốc có hình tượng Bạch Long Mã, một con ngựa trắng có nguồn gốc từ con rồng. Bạch Long Mã hay Tiểu Bạch Long là con của Tây Hải Long Vương (em Đông Hải Long Vương) có lỗi lầm là ăn thịt ngựa của thầy Huyền Trang, nên Quan Thế Âm Bồ tát đã hóa thân kẻ có lỗi làm ngựa để đi Tây Trúc thỉnh kinh. Đây là tích nhà Phật mà tác giả Tây Du Ký đưa vào tiểu thuyết của mình, do vậy hình tượng ngựa là vật gắn liền với đạo Phật. Ở vùng phương Nam nước ta, Phật giáo chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Ấn Độ thì ngựa còn là biểu trưng cho mặt trời và cũng gắn với việc biểu tượng truyền tải kinh Phật (cùng với Bách Tượng - voi trắng)...
Còn những yêu tố khác của Đạo Lão trong đời sống tín ngưỡng thờ thần thánh và cả nền văn hóa có nguồn gốc từ vùng Trung Nguyên của một quốc gia có truyền thống gắn bó với con ngựa không chỉ trên những đồng cỏ thảo nguyên mà cả những cuộc chinh chiến liên miên thảo phát lẫn nhau hay bành trướng ra bên ngoài mà đỉnh cao là sự xác lập vương triều Nguyên - Mông ngay trên cơ đồ của nhà Hán đã chuyển tải hình tượng con ngựa vào văn hóa của người Việt. Nhưng trong thực tiễn, những sở trường của giống ngựa ở phương Bắc đã không còn phát huy được ở trên chiến trường toàn ruộng bùn, ao hồ và sông nước ở Đại Việt cũng là một trong những nguyên nhân thất bại của các cuộc chiến tranh xâm lược của các triều đại Trung Hoa.
Cũng nên nói thêm một chút như khúc vĩ thanh của câu chuyện về ngựa ở nước ta là khi người Pháp vốn gắn bó trong đời sống và thiện chiến trên lưng ngựa sang xâm chiếm và đô hộ nước ta cũng chẳng khác người phương Bắc... Nhưng rồi thực tiễn cho thấy người Pháp cũng chỉ bổ sung cho miền đất Viễn Đông này dấu ấn của con ngựa gắn với những chiếc xe thổ mộ ở phương Nam hay các sân quần ngựa thỏa mãn thú đua thể thao và chơi cá cược của người phương Tây; còn hấp dẫn hơn với người dân bản địa chỉ là các trò xiếc ngựa rồi những chàng cao bồi trong phim ảnh phương Tây...
Chắc chắn, một cảnh tượng những đạo kỵ binh ầm ầm đánh nhau trong các phim cổ trang tương lai sẽ không phải là những cảnh tượng từng diễn ra trong lịch sử nước ta... Đó cũng là điều muốn nhắc nhân năm Con Ngựa.
Xuân Nhâm Ngọ
Dương Trung Quốc