Con trâu trong văn hóa tín ngưỡng
Tiến sĩ Trần Long, giảng viên khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết, hình tượng con trâu phổ biến trong văn hóa phương Đông gắn bó với cuộc sống người dân ở vùng Đông Nam Á và Nam Á.
Đối với người dân Việt Nam, con trâu còn gần gũi cả về vật chất và tinh thần. Trong quá khứ, con trâu trở thành nguồn lực chủ yếu trong nền kinh tế nông nghiệp, là công cụ không thể thiếu, đóng vai trò rất quan trọng đối với người nông dân.
Trong tín ngưỡng văn hóa nông nghiệp, hình ảnh con trâu thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ như chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm - biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Đặc biệt, vào lúc đón giao thừa chuẩn bị bước sang năm mới, người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó gia chủ làm ăn có thuận lợi hay không.
Sau này, con trâu xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân trong những ngày đầu xuân năm mới. Tại tỉnh Bắc Giang, từ xưa đã có tục tế trâu, thờ trâu trong các lễ hội truyền thống. Tục lệ làm Tết trâu có ở các vùng Hoằng Hóa, Nga Sơn (Thanh Hóa), Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Ngoài ra, con trâu còn gắn liền với các lễ hội như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên… Trong sự diễn dịch bói toán hay trong quan niệm dân gian, người ta thường cho rằng, những người sinh vào năm con trâu thì có tính chịu khó, cần cù, chăm chỉ, còn về sức mạnh thì con người đó “khỏe như trâu”.
Theo Thạc sĩ Việt Nam học Nguyễn Trần Ngọc Tuyết, hình ảnh con trâu kéo cày trên ruộng đồng, hay con trâu đứng, nằm gặm cỏ hoặc đầm mình trong vũng, ao hồ là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm giác thi vị, thanh bình, yên ả của miền quê. Con trâu cũng là đại diện hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù của con người Việt Nam, biểu tượng cho sức khỏe lực điền.
Trong tri thức về loài vật của người Việt, tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần người Việt từ hàng ngàn năm qua. Đối với văn hóa phương Đông, trâu là một trong 12 con giáp, gọi là Sửu; đồng thời trâu còn là gia súc đứng đầu lục súc: Trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Trong tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh những chú bé mục đồng tóc để chỏm thổi tiêu thong dong trên lưng trâu giữa cánh đồng lúa chín vàng; hay bên lũy tre xanh có những con trâu nằm nghỉ ngơi, nhai cỏ sau những giờ làm việc vất vả…
“Nhờ hình ảnh con trâu thân thiện, gần gũi, siêng năng, cần cù và cũng gắn liền với lũy tre làng thể hiện một nét văn hóa Việt Nam nên con trâu được chọn trở thành linh vật của SEA Game 22 (năm 2003) tại Việt Nam. Lúc này, hình tượng Trâu Vàng cũng được bạn bè quốc tế xem là biểu tượng thân thiện, gần gũi của thể thao Việt Nam”, Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Tuyết nhận xét.
Những đóng góp của con trâu
Sinh thời, Bác Hồ dù bận trăm công ngàn việc vẫn không quên nhắc nhở người dân chăm sóc trâu, bò, bởi đó là vốn tài sản lớn, nguồn sức kéo quan trọng của nông dân. Bác đã viết bài báo “Cần chăm sóc trâu bò trong vụ rét sắp tới” nhằm khuyên bà con đề phòng trâu, bò bị rét chết bởi cái lạnh thấu xương, đặc biệt ở vùng rừng núi phía Bắc.
Bài báo của Bác có đoạn: “Việc chăm sóc trâu, bò là nhiệm vụ chung của cả hợp tác xã. Cán bộ địa phương đều ra sức làm tốt. Đó cũng là một cách thiết thực của đồng bào nông dân ở hậu phương tham gia sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”. Có thể nói, đối với Bác, không có việc nào là nhỏ, nếu như mỗi người, kể cả người chăn trâu, bò, làm tốt công việc của mình, đều góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Tuyết còn dẫn chứng, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trận Tầm Vu tại tỉnh Hậu Giang là một trong những trận phục kích chặn đánh xe cơ giới của bộ đội chủ lực Khu 9 ngày 19/4/1948. Quân ta đã tiêu diệt hơn 100 tên giặc, 14 xe vận tải quân sự địch bị phá hủy… Sau trận đánh, quân ta đã thu được 1 khẩu pháo 105 ly, cùng nhiều súng máy, súng trường và quân trang, quân dụng khác. Tuy nhiên, sau khi thu được khẩu pháo 105 ly của địch, do khẩu pháo khá nặng nên bà con địa phương đã cho mượn 2 con trâu cày để kéo khẩu pháo về căn cứ an toàn.
Hiện nay, dù đất nước đã đổi mới rất nhiều nhưng con trâu vẫn là hình tượng gần gũi, thân thiết với người nông dân. Ở những vùng sâu, vùng xa không có điều kiện phát triển cơ giới hóa sản xuất thì con trâu vẫn là sức kéo chủ yếu, là đầu cơ nghiệp để giảm nghèo, phát triển kinh tế. Nhiều địa phương còn chuyển đổi mục đích bằng việc nuôi trâu vỗ béo lấy thịt đem lại lợi nhuận cao hơn.
“Việc nuôi trâu ngày nay vẫn có nhiều hiệu quả, bởi trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, đồng ruộng, môi trường đầm nước của nước ta, trâu lại ít bị dịch bệnh hơn các loài gia súc khác, dễ nuôi, bất kể cỏ ở đâu cũng là nguồn thức ăn dồi dào cho trâu ăn”, Tiến sĩ Trần Long phân tích.