Sự kiện nhằm góp phần nâng cao kiến thức quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Nỗ lực bảo vệ văn hóa phi vật thể
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định: Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn được những bản sắc văn hóa của dân tộc, lan tỏa các giá trị tới bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội… Việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thành pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vì sự phát triển bền vững.
Tính đến nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Đồng thời, đã có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”, trong đó có 131 Nghệ nhân Nhân dân. Có khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 497 di sản được đưa vào "Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phân bố rộng khắp trên cả nước". Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và nhân loại.
Việc gia tăng về số lượng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội trong những năm gần đây đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản và thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ văn hóa phi vật thể. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục liên quan đến vấn đề quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể như: Nhận thức hạn chế và không đồng đều của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền; một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào Danh mục của quốc gia, quốc tế mà thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập; chưa nhận diện, nắm bắt kịp thời các giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, thiện trạng thực hành và bảo vệ di sản, các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản. Đồng thời, hiện nay, kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức; công tác xã hội hóa còn hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách hợp lý nên chưa thu hút được sự hỗ trợ, hợp tác, tài trợ của các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước...
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể giữa các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương cùng có chung di sản được ghi danh đối với những vấn đề liên quan đến chuyên môn.
Phát triển công nghiệp văn hóa
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua phát triển công nghiệp văn hóa. Để các giá trị văn hóa Việt Nam hội nhập mà không hòa tan, được kế thừa, tiếp nối và phát triển, Giáo sư Phạm Hồng Tung nhấn mạnh đến vai trò của giới trẻ, trong đó cần trang bị cho giới trẻ kháng thể và năng lực văn hóa. Để phát triển công nghiệp văn hóa, cần phân biệt được chủ nhân tác tạo và chủ sở hữu hiện tại của văn hóa, văn hóa phi vật thể, thực hiện kết nối hai chủ thể này, giải quyết những mâu thuẫn về sở hữu, làm cơ sở để phát triển công nghiệp văn hóa. Văn hóa là nguồn tài nguyên, việc phát hiện và khai thác đúng hướng các giá trị văn hóa sẽ biến tài nguyên văn hóa thành nguồn lực. Tận dụng các yếu tố nguồn lực để tạo ra giá trị kinh tế và phân bổ giá trị kinh tế hợp lý sẽ tạo ra nguồn vốn từ văn hóa. Như vậy, để chuyển từ tài nguyên văn hóa thành nguồn vốn, nguồn lợi nhuận cần qua 2 quá trình. Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú nhưng việc biến tài nguyên thành nguồn vốn vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, chưa phát huy được giá trị kinh tế từ các nguồn tài nguyên văn hóa.
Về việc khai thác các khía cạnh của văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, đại biểu nêu nhiều ý kiến về cách thức quảng bá, giới thiệu đạo Mẫu trong không gian văn hóa (không gian thiêng) và không gian thực tế (không gian thế tục) cần đảm bảo tôn trọng tôn giáo, tín ngưỡng, phù hợp văn hóa, dễ tiếp cận đối với cộng đồng trong nước và quốc tế. Để hạn chế những sai sót trong việc quảng bá và giới thiệu văn hóa phi vật thể nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh đến nguyên tắc và hướng dẫn thực hành về văn hóa phi vật thể như là chìa khóa, kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Chia sẻ về các ứng xử với văn hóa di sản văn hóa phi vật thể của người Việt được UNESCO ghi danh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã chỉ ra cách phân loại các hình thức di sản văn hóa phi vật thể. Đây là khái niệm quan trọng với các nội hàm cần được làm rõ khi các đơn vị làm hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể. "Cần có những cách thức quảng bá văn hóa phi vật thể khác nhau và phù hợp để cộng đồng hiểu rõ, hiểu đúng về văn hóa dựa trên việc nghiên cứu kỹ về mỗi văn hóa phi vật thể, đồng thời đề cao các nguyên tắc đạo đức bảo vệ văn hóa phi vật thể, phù hợp để cộng đồng trong nước và nước ngoài hiểu rõ về di sản Việt Nam", ông Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh.
Chương trình Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh" diễn ra trong 2 ngày (26 và 27/8) tại Bảo tàng Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với nhiều bài giảng, báo cáo, tham luận của các chuyên gia khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và các chuyên gia cố vấn về Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đại diện các sở, các nghệ nhân đại diện thực hành các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh.