Sinh ra và lớn lên ở vùng miền núi dân tộc thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cha mẹ là người Tày, gia đình khó khăn lại sinh nhiều con, nên lúc nhỏ nhà văn Cao Duy Sơn phải giúp bố mẹ vừa đi học vừa lên rừng lấy củi, vừa đi học vừa làm nương làm ruộng, không thiếu một việc gì mà tuổi thơ không đi qua, điều này đã in đậm trong ký ức của ông đến bây giờ. Để thoát khỏi cảnh nhọc nhằn, nghèo đói, nhà văn Cao Duy Sơn luôn cố gắng để học, rời ghế nhà trường bậc phổ thông rồi xung phong nhập ngũ nhưng trở về vẫn nuôi chí học để có một nghề ổn định. Đến với văn chương lại là duyên nợ, nhà văn Cao Duy Sơn tôn trọng, dấn thân và thao thức cùng những trang viết.
“Trong cuộc sống để chọn một cái nghề mà theo đuổi nhiều khi muốn nhưng không được, mà nó đến như một sự tình cờ. Đối với tôi, đến với sự nghiệp văn chương cũng thế, vì trước đó chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết văn. Sau này, bước vào nghề tôi cứ theo đuổi nó giống như một cái nghiệp, số phận buộc phải thế. Cũng như rất nhiều người khác được bắt đầu từ điều gì đó, đối với tôi thì bắt đầu từ sự đam mê đọc và thức cùng các trang tiểu thuyết trong và ngoài nước. Từ đấy ngấm vào trong mình rất nhiều yếu tố khác nhau, thấy rằng trong văn chương có một cái gì đó khiến con người ta không thể dứt bỏ được khi có sự đam mê”, nhà văn Cao Duy Sơn tâm sự.
Năm 1984, hai mươi bảy tuổi đời thì nhà văn Cao Duy Sơn mới có tác phẩm truyện ngắn đầu tay “Dưới chân núi Lục Vèn” in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Hai truyện ngắn tiếp theo “Thằng Hoán”, “Người săn gấu” đăng trên Tạp chí Tác phẩm mới (nay là Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm), được Ban biên tập gửi thư động viên. Nhà văn Cao Duy Sơn cho biết: “Hai tác phẩm được đăng trên Tạp chí Tác phẩm mới lúc bấy giờ, đối với một người mới chập chững bước vào nghề viết như tôi quả thật là đặc ân và may mắn. Từ đó, tôi có động lực để hăng say viết và tự tin theo đuổi nghề đã chọn”.
Sau hơn 10 năm cầm bút, nhà văn Cao Duy Sơn cho ra mắt cuốn sách đầu tay không phải là tập truyện ngắn mà là cuốn tiểu thuyết dày 400 trang “Người lang thang” - in năm 1993. Tác phẩm mới ra đời đã đạt giải A của Hội đồng Văn học miền núi của Hội Nhà văn Việt Nam và giải Nhì của Hội Hữu nghị Việt - Nhật. Thời điểm này in sách rất khó, được nhận in là một vinh dự nhưng cuốn tiểu thuyết lại đạt giải thưởng cao, đây chính là bước tiến và nguồn động viên lớn để nhà văn Cao Duy Sơn viết.
Sau những tác phẩm ra mắt bạn đọc thành công đều viết về đề tài dân tộc miền núi, bản thân nhà văn Cao Duy Sơn đã rút ra được điều quan trọng, đã thử viết nhiều kiểu, nhiều cách khác nhau, viết về đô thị và đồng bằng nhưng lại không thành công. Các tác phẩm viết về đề tài dân tộc miền núi, nơi sinh ra lớn lên, gắn bó từ đầu đời cho đến mãi sau này thì được độc giả, đồng nghiệp đánh giá cao. Theo nhà văn Cao Duy Sơn, càng viết về đề tài này thì càng bồi bổ cho mình rất nhiều kinh nghiệm, không gì khác là viết về những thứ mình biết, những gì đó rất quen thuộc và thân thuộc với mình. Chỉ có như thế mới mang hơi thở cuộc sống quanh mình, với những con người, cảnh vật, không gian văn hóa thấm đậm trong từng tác phẩm. Mỗi người viết cần có nét riêng, không pha lẫn với một ai đó, còn sự đọc và sự hiểu biết chỉ là gợi ý cho bản thân thêm nhiều vốn sống đáng quý. Vùng đất mình sinh ra không chỉ núi non, rừng rú, sắc chàm quê hương mà còn có những lễ hội ngày xưa, con người thuần chất mộc mạc, ăn ở với nhau đầy đặn như bát nước đầy, sống chan hòa và nghĩa tình, ít nói nhưng chân thực. Nó được khơi gợi và tạo cảm hứng cho nhà văn Cao Duy Sơn viết lên nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau, cái làm được và không mất đi trong con người ông cũng là giá trị tốt đẹp ấy.
Soi xét bản thân
Sau khi xuất ngũ, Cao Duy Sơn chuyển sang làm phóng viên đài truyền hình Cao Bằng, mãi đến năm 2003 về công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Dân tộc thiểu số Việt Nam. Những năm tháng lâu dài làm nghề phóng viên, đã cho nhà văn Cao Duy Sơn rất nhiều kinh nghiệm, sự hiểu biết về vùng đất đã đi qua. Nhà văn cứ âm thầm, góp nhặt, những dấu ấn để lại nhiều kỷ niệm đẹp, cảm xúc luôn hướng về họ, về những nhân vật và bối cảnh xảy ra tại vùng đất đó, nó rất riêng. Chính điều này, mang đến bạn đọc một không gian văn hóa dân tộc miền núi, đậm chất văn chương của một vùng đất. “Là người viết thì phải đam mê và viết những điều mình thích, hiểu biết về nó rõ nhất, đầy đủ nhất và hãy thể hiện theo cách của mình. Văn chương không có định hình và khung nhất định cho tất cả mọi người. Mỗi người viết văn đều tạo cho mình một khung hình riêng, địa hạt riêng và kích thước riêng, kích thước to nhỏ là tự mỗi nhà văn sẽ làm lấy. Dạy nhau làm văn khó lắm, tôi cho rằng đọc nhiều là người bạn lớn, sống là phải đọc. Những tác phẩm văn học tôi viết ra, dù chưa thể hiện đầy đủ hết nhưng đã phần nào truyền tải tương đối tường tận tới bạn đọc, viết để người khác đọc được là rất khó đối với người viết, vì vậy tôi luôn tâm niệm phải cố gắng rất nhiều và luôn trăn trở để có được những trang viết hay được độc giả đón nhận. Theo đuổi văn chương, nếu không được viết nhiều sẽ làm mình mụ mị đi, không nghĩ ra được gì hơn, vì vậy phải thực sự kiên nhẫn và gắn bó”, nhà văn Cao Duy Sơn chia sẻ.
Trung thành với con đường đi đã chọn, buộc nhà văn Cao Duy Sơn phải dứt quê hương về Hà Nội, để có nhiều thời gian viết. Được tiếp xúc với anh em, bạn bè trong nghề và bàn luận về văn chương, khiến bản thân nhà văn Cao Duy Sơn viết nhiều hơn. Dù tiếp xúc với ai, học gì và viết như thế nào thì theo ông tác phẩm luôn hướng về đề tài dân tộc miền núi. Nhà văn Cao Duy Sơn tâm niệm “những tác phẩm đạt giải thưởng chỉ là ghi nhận của mọi người, nhưng viết được và viết ra thì bản thân thấy nhẹ nhõm và trút được gánh nợ lòng đối với miền quê mình sinh ra, vùng đất đi và những con người mình gặp”.
Đối với người viết, ấn tượng sâu sắc về kí ức tuổi thơ, xây dựng cho con người ta một tâm hồn luôn nhớ về quá khứ tốt đẹp. Vùng đất tạo dựng lên cho chân dung nhân vật của từng tác phẩm của mình là vùng đất mang đậm chất văn hóa của dân tộc của vùng đất đó, nó vang mãi và in đậm trong sự nuối tiếc. Qua những dịp đón xuân mới, ngày chợ trai gái chỉ đến ăn uống, không mua bán và tìm nhau hát lượn, hát sli; những cảnh sắc cô gái mặc sắc màu chàm đeo xà tích, đeo hộp đồng đựng miếng trầu, những chàng trai dệt những bộ trang phục thật đẹp để mặc, họ vẫy gọi nhau để giao hẹn cùng đến điểm nào đó, hát đối đáp thử tài nhau; ngày hội sư tử kỳ lân vào ngày hội xuân; ký ức về hạt gạo sén mạy thơm ngon không đâu có… Tất cả đã bị mai một, nhưng nó lại ghi dấu trong lòng nhà văn Cao Duy Sơn, gợi ý cho ông tìm lại quá khứ, càng tìm lại càng thấy những con người, những số phận và nhân vật mình gửi gắm trong đó. Qua đó, để mọi người biết trân trọng văn hóa, truyền thống của một vùng đất, theo nhà văn dù không bảo tồn và giữ gìn được, nhưng ít nhiều cũng nhắc nhở người ta đừng bao giờ quên và ngõ hầu lúc nào đó nó được sống lại, có được những con người thật sự văn hóa, biết yêu dân tộc, biết yêu vùng đất quê hương mình.
Bài và ảnh: Việt Hoàng