Ông Nguyễn Viết Mãn, Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Lễ hội Cầu Ngư là nghi thức tín ngưỡng truyền thống của cư dân vùng biển Diễn Bích, được tổ chức vào dịp đầu Xuân, kết hợp với tục “nhúng giã”, “mở cửa biển” lấy ngày để cầu mong sự an lành, một năm đánh bắt, khai thác hải sản “thuận buồm xuôi gió, trời yên biển lặng” và no ấm cho nhân dân. Lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, ngày càng đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người dân trên địa bàn; đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa giữa các xã trong huyện, vùng, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thu hút khách thập phương về với quê hương Diễn Bích. Thông qua Lễ hội, địa phương mong muốn giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, hình ảnh Diễn Bích trên các phương tiện thông tin đại chúng và du khách thập phương.
Lễ hội Cầu Ngư gồm phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ được tổ chức tại đền Cả (xóm Quyết Thành) và Bến cá (xóm Chiến Thắng).
Phần Lễ diễn ra với các nghi thức truyền thống, như: Lễ khai quang, Yết cáo, Lễ tạ, Cầu ngư, Thả hoa… thể hiện lòng thành kính, tri ân của cư dân làng biển đến các vị chư thần; đồng thời kính thỉnh các chư thần chở che, phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, quê hương thanh bình, nhà nhà ấm no, hạnh phúc, bình an. Trong phần Lễ, các đội tàu thực hiện nghi thức “nhúng giã”, “mở cửa biển” trên sông Lạch Vạn với mong muốn ngư dân ra khơi, vào lộng được bình an, đánh bắt được nhiều tôm, cá, mùa màng bội thu, no ấm.
Phần hội diễn ra tại các xóm làng biển với các nghi thức: Rước kiệu lễ (cả rước bộ, rước thủy), rước hoa. Hàng ngàn người dân trên địa bàn cùng tham gia nghênh kiệu, tế nam quan, nữ quan, bát âm, dâng hương hoa, đồ tế lễ, kéo trống…
Tại phần hội, các trò chơi dân gian mang tính cố kết cộng đồng, hoạt náo, sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia cũng được tổ chức, như: Kéo co, bịt mắt bắt vịt… Đặc biệt, phần thi đan lưới đã tái hiện lại sự hình thành, phát triển và tồn tại hơn 100 năm qua của ngành nghề sản xuất ngư lưới cụ của cư dân làng biển Diễn Bích. Chính quyền địa phương cũng trưng bày nhiều hình ảnh giới thiệu về mảnh đất, con người, văn hóa và sinh hoạt đặc trưng của cư dân làng biển.
Ông Nguyễn Văn Định, xóm Hải Đông, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, một chủ tàu cho biết: Gắn bó với nghề biển từ bao đời cha ông để lại nên tín ngưỡng thờ thần sông, thần biển, thần luồng lạch, sông nước luôn tồn tại trong cư dân làng biển. Tham gia lễ hội năm nay, ngư dân cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, đánh bắt được nhiều tôm, cá trong mỗi chuyến vươn khơi.
Chị Nguyễn Thị Xoan, du khách đến từ huyện miền núi Yên Thành (Nghệ An) chia sẻ: Lần đầu tiên tham dự lễ hội Cầu ngư của người dân Diễn Bích, chị cảm thấy rất vui khi được hòa vào không khí sôi nổi của các trò chơi dân gian, tham gia đoàn rước kiệu. Đặc biệt, qua các lễ thức "nhúng giã", trò chơi đan lưới, được trực tiếp lên thuyền xuôi dòng Lạch Vạn trong lễ thả hoa…. chị đã hiểu hơn về nghề khai thác hải sản trên biển của ngư dân nơi đây. Bản thân chị đã có nhiều trải nghiệm thích thú và bổ ích.
Phát biểu tại lễ hội, ông Nguyễn Viết Mãn, Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Lễ hội Cầu ngư năm 2024 sẽ làm tiền đề cho các năm tiếp theo, hướng tới thành lễ hội truyền thống vùng miền đặc trưng của huyện, hội đủ thêm yếu tố để đề nghị UBND tỉnh Nghệ An công nhận Đền Cao Vũ là Di tích lịch sử văn hóa. Thông qua Lễ hội, địa phương huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tạo sự hào hứng, phấn khởi trong nhân dân, phát huy tính sáng tạo, đoàn kết khắc phục khó khăn trong lao động sản xuất, phấn đấu xây dựng Diễn Bích ngày càng ấm no, giàu mạnh, tiến tới đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn tiếp theo.
Lễ hội cầu ngư xã Diễn Bích diễn ra đến hết ngày 1/3.