Trong những ngày đầu năm mới, cùng với nhiều phong tục cổ truyền; tục xin, cho chữ, cũng là dịp khai bút đầu xuân là nét đẹp văn hóa vẫn đang được gìn giữ với nhiều ý nghĩa tốt đẹp, mà hơn hết là thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo từ bao đời nay của dân tộc ta.“Sống dậy” một nét văn hóa đẹp“Mồng một Tết cha/Mồng hai Tết mẹ/Mồng ba Tết thầy”
Phong tục xưa, bên cạnh chữ hiếu, chữ đạo luôn có một vị trí quan trọng khi “tết thầy” đã trở thành một trong những việc làm quan trọng đầu năm mới. “Tết thầy” không chỉ là dịp để mỗi người thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, mà còn là dịp để xin chữ, câu đối treo trong nhà ngày Tết. Đây cũng là dịp các ông đồ thể hiện sự uyên thâm của mình qua việc cho chữ, tặng chữ. Có khi người đến xin theo ước nguyện của mình, có khi lại được thầy đồ tặng chữ, bao nhiêu ước mong tốt đẹp đều được gửi gắm trong mỗi chữ mang về.
Những ai được ông đồ chữ đẹp viết câu đối treo Tết mới thực vinh hạnh, “nở mày nở mặt” với khách đến chơi nhà. Bởi thế mà mỗi gia đình đều trân trọng, treo chữ tặng, câu đối Tết ở vị trí đẹp nhất trong nhà. Có lẽ vì xưa kia, xin chữ ông đồ không phải dễ dàng, khi người đến xin chữ không chỉ phải trọng thầy, mến thầy mà còn phải là người hiếu học, biết trọng chữ nghĩa mới được thầy đồ cho chữ.
Đã có thời gian, khi chữ quốc ngữ bắt đầu được sử dụng rộng rãi, người ta gần như lãng quên đi nét đẹp xin, cho chữ. Đó là khi hình ảnh ông đồ bỗng trở nên cô đơn giữa dòng người trên phố trong một câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên:
“Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay”...
Tuy nhiên, thời gian gần đây nét đẹp này dường như đang sống dậy khi Hà Nội có thêm phố “Ông đồ”, cái tên mà người dân đã quen gọi khu Hồ Văn, Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội mỗi khi Tết đến, xuân về. Có lẽ bởi thế mà ngày nay, xin chữ treo Tết đơn giản hơn nhiều khi cùng với thú vui du xuân, dạo phố, mỗi người có thể tìm đến phố “Ông đồ” như một nơi để gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng trong năm mới.
Là người cho chữ ở phố “Ông đồ” nhiều năm nay, ông đồ Nguyễn Như Phách chia sẻ: “Rất đáng mừng khi mấy năm nay, Hà Nội có phố “Ông đồ”, không chỉ để những người “có chữ”, “biết chữ” như chúng tôi có dịp trổ tài, múa bút, mà còn là nơi để mọi người có thể đến thưởng thức, chiêm nghiệm những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong những ngày đầu năm. Các “ông đồ” không chỉ đơn giản là viết chữ, câu đối cho người xin chữ mà qua mỗi chữ viết ra còn có ý nghĩa giáo dục đạo đức, đạo làm người, nhất là với các cháu nhỏ”.
“Vô tư” xin chữ
Có lẽ bởi xin chữ ngày nay đơn giản hơn xưa nên người đi xin cũng được thoải mái xin chữ theo mong muốn của mình. Còn đơn giản hơn khi giá của mỗi chữ được quy định chung là từ 100.000 - 150.000 đồng, nhưng cũng có những “ông đồ” tùy khách mà lấy công, có những người chỉ tặng chữ hoặc chỉ nhận tiền mừng tuổi...
Cũng bởi đơn giản nên nhiều người không chỉ đi xin chữ cho mình mà còn xin để tặng cho anh em, bạn bè làm quà năm mới. Mọi người đến xin chữ thường nghĩ gì, thích gì thì xin chữ ấy. Có người mong một năm bình an, suôn sẻ thì xin chữ Thuận, chữ Phúc; có người mong kinh tế phát đạt thì xin chữ Phát hoặc chữ Lộc, có người mong con cái thành đạt thì xin chữ Tài... Có những người thì chỉ đến xin rồi được cho chữ gì thì nhận chữ ấy.
“Năm nào tôi cũng xin chữ Thuận treo trong nhà, vì tôi luôn cầu cho mọi việc được thuận lợi trong năm mới. Hơn thế theo quan niệm của tôi, giấy đỏ, mực tàu cũng là những thứ đem lại may mắn cho gia đình trong năm mới”, anh Vũ Đức Quý (Hà Đông, Hà Nội) tâm sự.
Khác với nhiều người đi xin chữ là để cầu may, cầu lộc, tiền tài trong năm mới, chị Nguyễn Thanh Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi tự tìm một bài thơ về công cha, nghĩa mẹ ở trên mạng rồi đến nhờ các ông đồ viết giúp ra giấy đỏ để treo như một sự ghi nhớ công ơn cha mẹ của mình, và để giáo dục con cái trong nhà biết giá trị của công sinh thành, dưỡng dục, biết tôn trọng ông bà, bố mẹ”.
Mỗi người một ý, mỗi người một mong muốn, còn các “ông đồ” thì cứ theo sở thích của khách yêu cầu mà viết. Tuy nhiên cũng vì thủ tục xin chữ dễ dàng hơn xưa nên nhiều khi người đi xin chữ lại “lạm dụng” khi trở nên cuồng tín và thể hiện cả sự cầu cạnh vào ý nghĩa của những chữ xin được, làm mất đi nhiều nét đẹp của tục xin, cho chữ. Nhiều doanh nghiệp thậm chí bỏ cả tiền triệu để xin được chữ để có được sự may mắn trong làm ăn. “Những chữ Nhẫn, chữ Đức, chữ Tâm để giáo dục con người ngày nay cũng ít được xin bởi ai cũng thực dụng hơn. Tất nhiên, mỗi chữ viết ra đều có ý nghĩa riêng tốt đẹp của nó nhưng đôi khi “lòng tham” của con người lại khiến nó mất đi nét đẹp vốn có”, “bà đồ” Trần Cát Lệ, câu lạc bộ Thư pháp Thảo Đường tâm sự.
Bài và ảnh: Tạ Nguyên