Tuy nhiên, trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyện thì mảng đề tài này lại vô cùng khan hiếm. Hằng năm, những bộ phim truyện nhựa, phim tài liệu truyền hình dài tập về đề tài DTTS - miền núi được “xuất xưởng” chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cái “bó” khi dựng phim về vùng dân tộc - miền núi chủ yếu liên quan đến vấn đề kinh phí. “Xây dựng một bộ phim về đề tài dân tộc - miền núi thường phải chi phí cao gấp ba, bốn lần so với phim làm tại thành phố, đồng bằng. Thời gian quay phim ở vùng cao cũng dài hơn vì giao thông đi lại khó khăn, trong khi đó, thù lao cho cả êkip làm phim lại quá thấp, đó là lý do chúng tôi ngại tham gia làm phim về mảng đề tài này”, đạo diễn Thế Hồng, Hãng phim Truyện - Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ. Đây cũng là lý do khiến các nhà làm phim thường chọn con đường an toàn, dễ đi, đó là làm những bộ phim mang tính chất giải trí, phim về mảng đời sống - xã hội ở vùng thành thị, nông thôn. Còn mảng phim về vùng dân tộc - miền núi chỉ thực sự được quan tâm khi có “đơn đặt hàng” của Nhà nước.
Êkip làm phim “Vòng xòe dưới trăng” đang thực hiện một cảnh quay trong phim. Ảnh: Ảnh đạo diễn cung cấp |
Tìm hiểu được biết, hằng năm, Nhà nước ta vẫn đều đặn “rót” kinh phí về Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch để Bộ giao về cho Cục Điện ảnh tự làm phim hoặc đặt hàng với các đơn vị sản xuất phim, nhằm phục vụ đồng bào DTTS vùng cao. Tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ để sản xuất phim phục vụ đồng bào mỗi năm chỉ, dao động từ 1,5 - 2,5 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí “khiêm tốn” này, Cục Điện ảnh chỉ xây dựng được 1 - 2 phim truyện nhựa và khoảng 12 - 18 chương trình băng hình phục vụ đồng bào các DTTS và miền núi để cung cấp cho các đội chiếu bóng lưu động tại các địa phương.
Trung tâm Sản xuất phim dân tộc, miền núi và biển đảo (trực thuộc Cục Điện ảnh) là đơn vị chính được giao nhiệm vụ sản xuất phim phục vụ đồng bào vùng cao. Từ năm 2012 đến nay, dù đã rất nỗ lực, nhưng do kinh phí có hạn nên trung tâm cũng chỉ sản xuất được 3 bộ phim truyện nhựa theo đơn đặt hàng của Nhà nước và 1 phim thiếu nhi gồm: Phim “Nước mắt người cha” (phim truyện video đã đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 năm 2013); phim “Tiếng khèn” (sản xuất năm 2014; phim thiếu nhi “Siêu quậy lên chùa” (sản xuất năm 2015) và bộ phim “Vòng xòe dưới trăng” (phim truyện nhựa - đang hoàn thiện phần hậu kỳ).
Đạo diễn Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim dân tộc, miền núi và biển đảo chia sẻ: “Nếu không có duyên nợ và tâm huyết với đồng bào vùng cao, không am hiểu về văn hóa, tập quán của các DTTS, thì các nhà làm phim khó có thể xây dựng được những bộ phim chạm vào được trái tim của đồng bào. Làm phim phục vụ đồng bào vùng cao thực sự không dễ bởi kinh phí hạn hẹp, trong khi đó chi phí đi lại, ăn ở sinh hoạt để làm phim lại rất lớn. Những người trong êkip làm phim nếu không có sự đồng cảm, sẻ chia thì rất khó có thể làm ra được những bộ phim hay, có giá trị về mặt tư tưởng, nghệ thuật”.
Để từng bước lấp đầy những khoảng thiếu hụt về mảng phim vùng dân tộc, miền núi, Giám đốc Trần Trung Dũng mong muốn trong những năm tới sẽ có sự phối hợp, kết nối chặt chẽ hơn giữa Trung tâm Sản xuất phim dân tộc, miền núi và biển đảo với các cơ quan, đơn vị làm công tác dân tộc để xây dựng những chương trình phối hợp mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, mang được nhiều hơn những “món ăn tinh thần” bổ ích phục vụ đồng bào. Thực tế chứng minh không có con đường nào để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước hiệu quả như truyền hình và phim ảnh. Đây chính là khoảng trống lớn nhất mà chúng ta đang bỏ ngỏ.