Tại Ngày hội sách năm nay, độc giả được giao lưu với tác giả - họa sĩ Trang Thanh Hiền và giới thiệu cuốn sách “Tranh Tết: Nét tinh hoa truyền thống Việt” (ThaihaBooks); giao lưu cùng tác giả - Giáo sư, tiến sĩ Thái Kim Lan, Nhà văn Lê Phương Liên, Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý và ra mắt cuốn sách “Mai này mưa tạnh trong xuân” (NXB Kim Đồng)…
Năm nay, cùng với việc tổ chức Ngày sách Việt Nam 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông còn đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Quyết định 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam.
Bên cạnh đó, sẽ có nhiều chương trình hấp dẫn tổ chức tại Thư viện Quốc gia như: Thi vẽ tranh theo sách với chủ đề “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình”; thi kể chuyện theo sách bằng tiếng Việt và tiếng Anh; thi nhận diện tác giả, tác phẩm; tiếp nhận sách tài trợ của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa và các thư viện còn gặp nhiều khó khăn; hội chợ sách…
Với chủ đề “Sách - Kết nối tri thức và phát triển”, Ngày hội sách năm nay tiếp tục được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh những người làm công tác sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; nâng cao trách nhiệm của các cấp các ngành, cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, qua 5 năm, chương trình đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của sách và việc đọc sách trong đời sống cộng đồng; đã xuất bản được gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản; mô hình “đường sách”, “phố sách” đã được phát huy hiệu quả…