Nhà giáo Nguyễn Tài Đại (ảnh) sinh ngày 15/5/1921 tại làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, tham gia cách mạng tháng Tám năm 1945.
Suốt quãng đời hoạt động phục vụ cách mạng, đặc biệt trên lĩnh vực “Trồng người” cho đến lúc từ giã cuộc đời, nhà giáo Nguyễn Tài Đại luôn đam mê, tâm huyết với việc viết báo, sáng tác thơ, câu đối. Những bài thơ và câu đối của thầy thiên về suy ngẫm nhân tình, thế thái ở đời đậm triết lý phương đông, vừa có chất hóm hỉnh của cụ đồ Nghệ, vừa nhạy cảm, tinh tế, thấm đẫm tình người của tâm hồn một nhà giáo yêu đời, yêu dân, yêu nghề, luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người.
Lúc sinh thời, mỗi khi Tết đến, xuân sang, nhà giáo lão thành Nguyễn Tài Đại thường xuyên có thơ và câu đối Tết, đăng tải hầu hết các báo Trung ương và địa phương. Câu đối thầy Đại giàu chất nhân văn trí tuệ uyên thâm, sâu sắc, vừa giàu chất bác học lại vừa dân giã, mộc mạc, dễ đi vào lòng người.
Thầy được bạn bè, anh em văn nghệ sỹ và giới báo chí “suy tôn’’ thầy là “Nhà câu đối”. Khi biết được tin này, thầy chỉ cười và khiêm tốn nói“ Tôi không dám nhận danh hiệu đó đâu, tuy rất mê thơ và câu đối’’ .
Xin chữ, nhờ viết câu đối là một phong tục ngày xuân của người Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN |
Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, thầy Nguyễn Tài Đại là Trưởng ty giáo dục Nghệ An. Thầy được ty giáo dục phân cho 2 gói trà, 2 bao thuốc lá Tam Đảo và 2 cân thịt lợn (là tiêu chuẩn Trưởng ty), đó là tiêu chuẩn Tết năm 1970 của thầy. Thầy có ngay câu đối Tết:
Trà hương hai gói, thuốc lá hai bao, thịt lợn hai cân, ừ cũng Tết!
Thược dược một bông, hoa đào một lọ, rượu mùi một chén, úi chà Xuân!
Nói đến tài đối đáp của thầy, không thể nào không nói tới “sự kiện” thầy “trả nợ” câu đối trên báo Lao động. Đó là vào năm 1989, báo Lao động có đăng một vế thách đối: “Sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu, sửa đâu sai đấy”. Đây là một vế thách đối hắc búa, mấy năm liền chưa ai đối được. Mãi sau tám năm (1997), thầy được nghe Tỉnh ủy Nghệ An nói chuyện về tình hình kinh tế, thu chi ngân sách của tỉnh nhà. Thế là sau khi nghe nói chuyện thời sự, thầy sáng tác ngay vế đối lại của thầy như sau:
“Lấy thu bù chi, lấy chi bù thu, bù thu lấy chi?” Cái tuyệt tác của vế đối lại của thầy ở chỗ nghĩa bóng của nó, thầy đã vận dụng ngôn ngữ Nghệ Tĩnh: Bù chi-có nghĩa là bù sự chi tiền, còn có nghĩa như bù cái gì, (ngôn ngữ Nghệ Tĩnh), lấy chi- lấy sự chi tiền còn có nghĩa là lấy cái gì mà bù thu, (ngôn ngữ Nghệ Tĩnh), muốn bù thu thì lấy cái gì mà bù ...?! Vế đối của thầy khiến mọi người đều trầm trồ thán phục.
Những câu đối mừng xuân, mừng Đảng, ca ngợi Đảng kính yêu, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi đất nước và nhân dân, đã đăng báo và chưa đăng báo của thầy thì nhiều lắm, năm nào cũng thấy xuất hiện câu đối mới của thầy trên các báo, người viết bài này không thể nhớ hết được. Chỉ xin trích ra đây một số câu đối theo từng chủ đề để bạn đọc cùng thưởng thức:
Chủ đề ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu:
*Vui Tết cổ truyền, mừng nước, mừng dân, xuân khởi sắc/
Đón xuân hiện đại, ơn Người, ơn Đảng, Tết canh tân!
*Nước mạnh dân giàu, đường mới đi lên xuân hiện đại/
Tình cao nghĩa nặng, ơn sâu ghi tạc Đảng quang vinh!
*Uống nước nhớ nguồn, núi thẳm non cao ghi nghĩa Đảng/
Trồng cây vui Tết, rễ bền gốc vững tạc ơn Người!
Chủ đề ca ngợi đất nước, quê hương:
• Hướng tới mạnh giàu, giàu nghĩa, giàu tình, giàu trí tuệ/
• Không ngừng đổi mới, mới người, mới cảnh, mới giang sơn!
* Sông Lam sóng biếc dập dìu, long mạch phun châu tươi cảnh sắc/
Núi Quyết non xanh hùng vĩ, Phượng Hoàng tung cánh lộng trời mây!
Chủ đề ca ngợi mùa xuân:
*Mở hội mừng xuân, muôn vẻ non sông, muôn vẻ Tết/
Trồng cây vui Tết, bốn mùa đất nước, bốn mùa xuân!
*Sóng dậy Lam Giang, nước biếc uốn dòng soi cảnh Tết /
Trăng lồng Đại Huệ, non xanh lộng gió nẩy mầm xuân!
Thầy Nguyễn Tài Đại không chỉ làm câu đối ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, đạo lý ở đời, mà ngòi bút của thầy còn hướng tới phê phán, đả kích sâu cay cái xấu, cái ác, cái lạc hậu... Đó là bọn tham nhũng, buôn lậu, thói hư, tật xấu và các tệ nạn xã hội. Nói đến dòng câu đối phê phán này, không ngoài mục đích là xây dựng và đề cao cái tốt, cái chân- thiện- mỹ, được thể hiện qua câu đối, được công chúng rất thích đọc và nhớ lâu, dễ lưu truyền trong nhân dân. Sau đây là các câu đối phê phán, châm biếm tuyệt hay của thầy:
* Xóm thợ vui xuân, nhà dưới nhà trên bừng điện sáng/
Quan tham đón Tết, cửa sau cửa trước rộn phong bì!
(xuân 1997)
*Đón Tết Mậu Dần, quan nhũng, quan tham, ăn như hổ càng vênh mặt hổ/
Tiễn năm Đinh Sửu, thằng gian, thằng lận, béo hơn trâu quen thói đầu trâu!
.....
Ngày 25/1/2005, nhà giáo Nguyễn Tài Đại đã mãi mãi đi xa, nhưng những sáng tác câu đối, thơ xuân của thầy vẫn còn sống mãi. Câu đối của thầy không những trở thành di sản riêng của gia đình mà trở thành di sản của quần chúng nhân dân, anh em bạn hữu, đồng chí đồng nghiệp và các thế hệ học trò của ông. Bài viết nhỏ này như một nén hương thơm tưởng nhớ một người thầy - “nhà câu đối của Xứ Nghệ”, mà phong cách, đức độ, tài năng của thầy được mọi người mến mộ và kính phục.
Vũ Ba Lan