Xẩm cổ “sống” trong lòng quê hương
Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ nơi nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu từng sống ở làng Quảng Phúc (xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) giờ đã là nơi thờ cụ và cũng là không gian sinh hoạt của gia đình, bà Nguyễn Thị Mận cùng các thành viên trong câu lạc bộ hát tặng chúng tôi bài “Thăm huyện Yên Mô”. Đây là một trong những sáng tác của cố nghệ nhân từ những năm 1970 và đến nay vẫn là một trong những niềm tự hào của người “quê xẩm”.
Là con gái và cũng là một “truyền nhân” của cụ Hà Thị Cầu, bà Mận tự hào về câu lạc bộ hát xẩm giàu truyền thống nhất nhì ở địa phương với sự góp sức của bạn bè, chòm xóm để cùng nhau giữ chất xẩm dân gian.
Bà Mận kể, năm 2013, nghệ nhân Hà Thị Cầu - người được mệnh danh là “Báu vật nhân văn sống”, “Người giữ hồn xẩm”, “Nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” qua đời. Khi ấy, ông Trịnh Xuân Quảng, một cựu chiến binh - thầy giáo sống gần nhà bàn với bà Mận tìm cách duy trì chiếu xẩm. Nhưng cũng phải đến năm 2018, câu lạc bộ xẩm Hà Thị Cầu mới được thành lập với 12 thành viên. Câu lạc bộ truyền dạy miễn phí cho các nghệ sỹ không chuyên và học sinh trên địa bàn huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Đàn nhị, trống, phách gắn với đời xẩm của cụ Hà Thị Cầu vẫn còn đó. Tay trống Vũ Đức Năng từng gắn bó với cụ cũng sẵn lòng truyền dạy cho đời sau. Ở lứa học trò đầu tiên, nghệ nhân hát xẩm Đào Bạch Linh về dạy cách kéo nhị.
Nhìn cách các nghệ nhân nâng niu cây đàn nhị, nắn nót, cẩn trọng trong từng phím đàn cũng đủ cảm nhận tấm lòng với xẩm. Lời hát, cốt cách của xẩm cứ thế mà thẩm thấu tự nhiên.
Dù phải mưu sinh bằng những nghề khác để nuôi xẩm, nuôi niềm
đam mê, bà Mận vẫn thuộc gần hết các bài xẩm nổi tiếng của nghệ nhân Hà Thị Cầu và biểu diễn giống mẹ trong từng câu hát, điệu nhấn nhá. Các giọng ca Đinh Thị Cậm, Nguyễn Thị Hòa, Mai Thị Phách... đều đã ở tuổi trên dưới 70 cùng về tập trung tại ngôi nhà của cụ với mong muốn duy trì hoạt động của câu lạc bộ, truyền dạy cho thế hệ mai sau.
Bà Nguyễn Thị Hòa (73 tuổi) tâm sự: “Xẩm đến với chúng tôi tự nhiên như những buổi chiều ngồi nghe cụ Cầu vừa quệt trầu, vừa kéo nhị. Lời hát cứ như thế ăn vào máu, ngấm vào người”.
Thánh thót giọng “con hát trẻ”
Giảm đi nhiều độ khàn đục, độ chông chênh, nghiêng ngả - những nét vô cùng đặc biệt của xẩm mà phải cần thời gian, cần trải nghiệm, cần hiểu xẩm mới có thể đưa vào từng câu hát, lời xẩm vẫn thánh thót qua các giọng ca trong trẻo của thế hệ trẻ.
Câu lạc bộ xẩm Hà Thị Cầu đã truyền dạy đến khóa thứ 3 với 29 em học sinh. Trong đó, có nhiều em được cha, mẹ gửi học từ năm 4 tuổi. Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi những mầm non của “quê xẩm” tự tin gõ trống, phách, kéo đàn nhị trình diễn cùng các bà bài “Ngãi mẹ sinh thành”.
Ở tuổi 12, em Đinh Thùy Linh, chắt ngoại của cụ Hà Thị Cầu được đánh giá có giọng hát tốt. Linh cho biết: “Ở đây các em nhỏ cũng đã thuộc đến 30 bài, em và bạn lớn hơn đều thuộc tới 50 - 70 bài hát, làn điệu. Lúc đầu khi mới tiếp cận em thấy chưa quen cách hát sao cho ra xẩm, nhưng sau đó
càng học em càng hứng thú và không còn thấy khó nữa”.
Xẩm là thể loại âm nhạc dân gian có lối diễn xướng độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc, được hình thành khoảng thế kỷ thứ XIV.
Ðể góp phần bảo tồn, đưa nghệ thuật truyền thống đến với thế hệ trẻ, những năm qua, câu lạc bộ thường xuyên tổ chức dàn dựng lại khung cảnh hát xẩm tại chợ, sân đình cũng như đến các trường học giao lưu, truyền dạy nghệ thuật hát xẩm. Nhiều giọng ca trẻ đã tham dự các liên hoan hát xẩm của huyện, tỉnh. Nghệ thuật hát xẩm còn được biểu diễn phục vụ các hoạt động du lịch, các sự kiện lớn của địa phương...
Bà Mận xúc động nói: “Lúc mẹ tôi còn sống, cụ thường lo lắng sau khi khuất núi, không còn người nối nghiệp. Nay trực tiếp biểu diễn và truyền dạy, tôi thấy ngày càng có nhiều người biết xẩm, yêu xẩm”.
Để tiếp nhận đủ những bí quyết xẩm nỉ non, luyến láy của cụ Hà Thị Cầu, có lẽ chưa một hậu bối nào dám nhận. Nhưng nhìn cách các nghệ nhân nâng niu cây đàn nhị, nắn nót, cẩn trọng trong từng phím đàn cũng đủ cảm nhận tấm lòng với xẩm. Lời hát, cốt cách của xẩm cứ thế mà thẩm thấu tự nhiên. Vậy là hồn xẩm, hình bóng người hát xẩm vẫn còn đây.