Đêm ca Huế trên sông Hương thường được bắt đầu từ 7 giờ tối, khi ánh điện muôn màu của phố xá hắt xuống làm cho mặt sông càng lung linh. Đò nghe ca Huế được thả trên sông đoạn từ Phu Văn Lâu đến cầu Tràng Tiền, ngang qua kinh thành, lẫn trong màn sương giăng giăng. Du khách tựa lưng mạn thuyền thả hồn theo nhịp phách, tiền… dìu dặt thật không có gì thú vị bằng.Ca Huế hấp dẫn du khách trong những ngày Tết đến Xuân về |
Khách xuống thuyền, không tính thời gian thuyền khởi động rời bến, đều được thưởng thức chương trình ca Huế ít nhất 60 phút trở lên (không kể phần dịch ra tiếng nước ngoài đối với các buổi biểu diễn dành cho khách người nước ngoài). Mỗi suất ca Huế phải có tối thiểu 7 người, bao gồm 3 nhạc cụ (thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo) và ít nhất 4 diễn viên khi biểu diễn trên thuyền đơn; và nếu là thuyền đôi thì phải có đến 8 diễn viên và nhạc công. Trong những bộ trang phục truyền thống, các ca sĩ, nhạc công ca Huế là những nam thanh nữ tú bước ra cúi đầu chào khán giả. Những âm thanh của đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, nhị, tam thập lục… bắt đầu cất lên xóa đi không gian yên tĩnh. Những ngón đàn trau chuốt của nhạc công thể hiện các khúc nhạc tươi tắn, sang trọng như “Lưu thủy”, “Kim tiền”, “Xuân phong”, “Lang hô”, “Phú lục”, “Cổ bản”... làm lay động lòng người. Ca Huế thường hấp dẫn du khách, nhất là trong những ngày Tết đến Xuân về bởi đây là bộ môn nghệ thuật không xô bồ, ồn ào và chỉ thích hợp với không gian nhỏ trên thuyền, hoặc trong một thính phòng. Lúc đó tâm hồn của người nghe và cả ca sĩ cùng man mác trong một bầu không khí được thăng hoa cùng trời, mây, sông, nước. Ca Huế được người ta chia thành hai điệu chính: Điệu Khách (hay còn gọi là điệu Bắc) và Điệu Nam. Điệu Khách thì trang trọng vui tươi, âm sắc trong sáng rộn rã như: Cổ bản, long ngâm, phú lục, hành vân, long điệp… Điệu Nam thì trữ tình sâu lắng xen lẫn cái da diết bi thương thổn thức như: nam ai, nam bình, tương tư khúc, vọng phu… Ngoài hai điệu chính ca Huế còn nhiều hơi nhạc như: Thương, ai, xuân, thiền… để diễn tả những cung bậc, sắc thái tình cảm khác nhau trong cùng một làn điệu. Chính hơi nhạc đã làm cho các danh ca, danh cầm không chỉ ca xướng những làn điệu có sẵn, mà còn là đất cho họ sáng tạo khổ luyện tài hoa. Chỉ cần một ngón rung giọng, luyến làn, thả điệu là ta biết được công phu khổ luyện nghề đến đâu. Chẳng hạn một đoạn trong Tứ đại cảnh: "Mấy thu qua rồi lại. Đường khôn dại chơi vơi. Một bước đời, một nỗi buồn vui, tuồng hư thật trêu ngươi... Sắc với tài, danh với lợi tàn phai, tình văn nghệ không phai...". Ca Huế ngày nay còn có dịp thăng hoa trong các lễ hội Festival. Thuyền rồng Long Quang, được chế tạo mô phỏng theo mẫu ngự thuyền Tế Thông nổi tiếng thời Nguyễn, đưa du khách từ bến Nghinh Lương Đình, ngược dòng Hương Giang lên đến bến Tuần để thỏa sức khám phá vẻ đẹp của dòng sông từ buổi ban mai cho đến khi mặt trời đứng bóng (tour sáng), hay từ chiều đến lúc hoàng hôn buông giăng lững lờ (tour chiều). Ở mỗi tour như vậy đều có sự góp mặt của bộ môn ca Huế để tăng tính hấp dẫn đối với du khách.
Ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Để từng bước nâng cao chất lượng ca Huế trên sông Hương, tỉnh đã xem xét và cấp phép biểu diễn cho gần 400 diễn viên nhạc công, có giá trị trong 5 năm. Những đối tượng được cấp giấy phép hành nghề biểu diễn ca Huế là những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản và phải trải qua kỳ sát hạch do Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh thẩm định. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các làn điệu ca Huế để từng bước đưa vào biểu diễn, làm phong phú thêm chương trình biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Trong đó, tỉnh chú trọng xây dựng các chương trình biểu diễn chuẩn, đặc sắc, có chất lượng cao theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị của ca Huế; đồng thời, đa dạng hoá các chương trình biểu diễn nhằm tăng khả năng lựa chọn cho khán giả khi thưởng thức bộ môn nghệ thuật ca Huế trên sông Hương.
Quốc Việt