Nghệ nhân Hà Thị Cầu, một đời duyên nợ với xẩm...

Một chiếc ghế tựa nơi góc sân là người bạn khi tuổi già đã tới, ngày ngày cụ Hà Thị Cầu (ảnh) ngồi đó dạy hát và ôn lại những câu chuyện của cuộc đời cho các học trò của mình nghe để hiểu về nghề hát xẩm, với mong muốn cháy bỏng: “Khi ‘tao’ qua đời rồi, xẩm sẽ không phải mồ côi”.

 

Về xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình, chỉ cần hỏi nghệ nhân Hà Thị Cầu, người ta sẽ dẫn khách đến tận nhà để gặp cụ. Nổi tiếng ở vùng đất Ninh Bình, nghệ nhân Hà Thị Cầu được coi là người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20. Cuộc đời cụ là câu chuyện dài về một người yêu xẩm, sống chết với xẩm. Quê gốc ở Ý Yên, Nam Định, sinh ra trong một gia đình 3 đời hát xẩm, được thừa hưởng giọng ca của người cha mù cả hai mắt, từ năm lên 10 tuổi, Hà Thị Cầu đã theo cha mẹ lang thang tứ xứ kiếm sống bằng nghề hát rong. Và giọng hát đặc biệt này đã thực sự được biết đến khi cụ theo học rồi gia nhập gánh hát của ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu ở Ninh Bình.


 

Nghệ nhân Hà Thị Cầu tên thật là Hà Thị Năm, Cầu là tên con trai của cụ, gọi theo cách của vùng Yên Mô, Ninh Bình. Trong cuộc đời đi hát của mình, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã từng đạt nhiều giải thưởng như: Giải đặc biệt nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình năm 1998; Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2004; Đặc biệt, năm 2008 bà đạt giải thưởng Đào Tấn với những đóng góp cho việc giữ gìn vốn quý nghệ thuật dân tộc.

Ở tuổi 91, trông cụ đã yếu đi nhiều, các nếp nhăn hằn trên khuôn mặt khắc khổ nhưng luôn luôn tươi tắn vì tính thích bông đùa. Người làng cũng vì mến cụ mà theo học rất nhiều. Khoảng sân nhỏ nhưng bày một bộ bàn ghế bằng xi măng rất to để có chỗ cho người đến ngồi học. Không còn sức khỏe để hát và đi dạy ở xa, ai thích học thì đến nhà cụ, “tao ngồi nghe chúng nó hát rồi chỉ dạy thêm thôi, bây giờ người học chủ yếu là hát thôi chứ không kéo được nhị”.


Từ việc truyền dạy cho rất nhiều học trò qua các lớp hát xẩm do Học viện Âm nhạc quốc gia hay sở văn hóa các tỉnh tổ chức, đến dạy cho chính người làng người xóm ở quê hương mình, đến nay cụ đã có tới 70 học trò xa gần được coi là “học được” theo nhận xét của cụ. Có người muốn học để theo nghề, nhưng cũng có người vì thấy cụ hát hay quá mà thích rồi xin theo học. Và những học trò ấy xem ra cụ Cầu lại “khoái” hơn. “Dạy cho người làng thích lắm”, cụ chia sẻ, “những ngày mưa gió hay nông nhàn không có việc gì làm ‘chúng nó’ lại vào nhà ‘tao’ chơi để ngồi nghe ‘tao’ hát rồi cũng học theo để hát”. Cụ vẫn kiểu xưng hô dân dã và hay bông đùa như thế với những người tuổi thuộc hàng con cháu mình. “Ở làng này ai thích học thì chỉ cần đến đây ‘tao’ chỉ dạy thêm cho”.


Có nhiều học trò nhưng “truyền nhân” mà cụ Cầu tâm đắc nhất và cũng theo cụ Cầu học lâu nhất đó là cô bé Vũ Thị Thu Sợi (sinh năm 1993), ở gần nhà. Bố Sợi là chân đánh trống cho cụ mỗi khi biểu diễn, biết con có năng khiếu hát xẩm, ông đã đến nhờ cụ chỉ dạy thêm cho con để động viên con theo nghiệp của cụ. Thấy cô có tài và lại có tâm theo học, cụ dành nhiều tâm huyết để dạy với mong muốn có người giữ lại nghề của mình. Từng đoạt giải đặc biệt cuộc thi “Giọng hát chèo hay” của tỉnh Ninh Bình, nhưng khi được theo cụ Cầu học hát xẩm Sợi lại đam mê với thể loại này và quyết tâm theo cụ bằng được. Học hát xẩm từ năm 12 tuổi và cũng thành công với thể loại này, năm 2011 cô đã đoạt giải B “Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc”.


“Cái ‘món’ này khó lắm, không phải cứ học là được, phải được trời phú cho giọng hát và có cái tâm mới theo được”, cụ chia sẻ. Cụ Cầu có 3 người con nhưng chỉ có con gái út là chị Nguyễn Thị Mận biết hát và cũng đã từng được mời đi diễn ở các hội diễn văn nghệ của tỉnh nhà. Chị ngồi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy truân chuyên gắn với nghiệp hát của cụ. Những bài hát cũng ra đời từ những năm tháng đó, cụ hát nhiều, sáng tác cũng nhiều, không nhớ hết được có tất cả bao nhiêu bài vì cụ cũng không biết chữ để ghi lại. Biết mình là người cuối cùng trong “nghề xẩm”, cụ miệt mài đi diễn và đi dạy ở nhiều nơi với hi vọng “xẩm không bị thất truyền”.


Tuy yếu nhưng cụ vẫn thích hát. Sai cô con gái mang cây nhị đã gắn bó với đời đi hát ra, cụ ca cho chúng tôi nghe bài “Theo Đảng trọn đời” là bài mà cụ tự sáng tác và tâm đắc nhất: “Cảnh nhà ta nay bước đường cùng, cha đi cầu thực, mẹ bồng con theo, nắng mưa con ơi lội suối trèo đèo...”. Từng lời hát như những dòng nhật ký về thân phận thân cô thế cô của mình, quân thù giày xéo quê hương, phải gồng gánh theo cha mẹ đi tứ xứ kiếm ăn bằng câu hát. Cả gia đình sống bằng nghề đi hát kiếm ăn nay đây mai đó, và chính những năm tháng ấy đã nuôi dưỡng giọng hát của cụ.


Mới ốm dậy nhưng giọng hát của cụ vẫn ngọt, vẫn réo rắt quyến luyến người nghe. Thỉnh thoảng giả vờ khóc, giả vờ cười như người đóng kịch. Dù phải chịu nhiều đắng cay với nghề nhưng cụ luôn tâm huyết và khao khát truyền lại nghề cho thế hệ đi sau. Không chỉ cô bé Sợi mà những học trò của bà có niềm đam mê với xẩm chắc chắc sẽ không để “xẩm phải mồ côi”.


Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN