Tháng 3/2022, già Đinh Bi là 1 trong 10 nghệ nhân của tỉnh được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Các sản phẩm đan lát của nghệ nhân Đinh Bi phục vụ sinh hoạt gia đình như gùi, rổ, rá... Đặc biệt, những chiếc gùi họa tiết đặc sắc mang đậm dấu ấn dân tộc Bahnar vùng Đông Trường Sơn của nghệ nhân Đinh Bi đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua.
Nghệ nhân Đinh Bi cho hay, gùi họa tiết thường khó và yêu cầu cao nên ít người biết làm. Cũng vì thế, gùi họa tiết lại có giá thành cao hơn gùi thường và được nhiều người ưa chuộng. Để làm ra một chiếc gùi họa tiết phải đan tỉ mỉ mất hơn 20 ngày, giá bán ra khoảng 1,5 triệu đồng/chiếc. Còn gùi thường giá dao động khoảng 300-600 nghìn đồng/chiếc.
Dù tuổi đã cao nhưng đôi tay gầy guộc của già Đinh Bi vẫn thoăn thoắt với những đường dao bén sắc, vót từng nan tre thuần thục. Hơn 40 năm kinh nghiệm với nghề đan lát, những đường đan, mũi xỏ nan tre của ông đã thành kỹ năng điêu luyện khó có nghệ nhân nào trong vùng sánh được.
Chia sẻ với chúng tôi, già Đinh Bi cho biết, dù chân ông không thể tự di chuyển được nhưng tay ông vẫn rất khỏe. Hiện nay, việc đan gùi gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu bởi để tạo hoa văn được nghệ nhân phải sử dụng từ cây toác - một loại cây gần giống lồ ô nhưng đường kính lớn hơn. Muốn tìm được cây này phải sang vùng rừng núi ở xã Lơ Ku, cách xa nơi ông ở hàng chục km. Vì tuổi cao, đi lại khó khăn nên ông nhờ con trai đi lấy, đôi lúc phải thuê người vì các con bận việc nương rẫy.
Nguyên liệu (cây toác) sau khi lấy về phải được chẻ thành nan rồi phơi từ vài ngày tới một tuần cho khô hẳn để khi đan, nan không bị rút, nếu nan chưa khô, khi đan xong sẽ bị co rút, gùi sẽ méo mó, không đẹp. Sau khi phơi khô từng sợi mây, nan… ông cẩn thận lựa chọn những dây chắc, tỉ mẩn vót đều để khi đan, gùi được bền chắc và có tính thẩm mỹ cao nhất.
Để hoàn thành một chiếc gùi cũng phải mất gần một tháng. Chiếc gùi có nhiều phần như đáy, thân, miệng và chân gùi. Mỗi công đoạn lại đòi hỏi những kỹ thuật khác nhau. Phần đáy, thường sẽ được đan đầu tiên. Tiếp đến, nghệ nhân sẽ đan những nan dọc rồi đến nan ngang để tạo nên phần thân gùi.
Nghề đan lát đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ trong từng đường đan, mối lạt, từ những sợi mây, sợi nan đơn giản bằng sự khéo léo, óc sáng tạo của từng nghệ nhân sẽ cho ra sản phẩm gùi khác nhau. Khi nhìn chiếc gùi do nghệ nhân Đinh Bi tạo tác, người sử dụng sẽ nghĩ ngay đến những dấu ấn văn hóa riêng của người Bahnar trên đất Tây Nguyên hùng vĩ cũng như sẽ kích thích trí tò mò tìm hiểu về văn hóa dân tộc bản địa nơi đây.
Với đôi bàn tay khéo léo và tâm huyết giữ gìn nghề đan lát truyền thống, già Đinh Bi đã truyền dạy cho gần 50 học viên đan gùi trong vùng, bản thân ông đã đạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm do huyện K'bang và tỉnh Gia Lai tổ chức.
Hiện nay, cuộc sống của người Bahnar trên vùng đất Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đã thay đổi, có nhiều phương tiện hiện đại để vận chuyển nông sản, hàng hóa. Trong khi đó, việc đan gùi khá công phu và mất nhiều thời gian nên không còn nhiều người mặn mà với nghề. Mặc dù nhiều người biết đan gùi nhưng để nắm vững kỹ thuật đan, tạo hoa văn tinh xảo, cầu kỳ và duy trì nghề truyền thống thì hầu như còn rất ít.
Già Đinh Bi cho biết, ông luôn đau đáu việc truyền dạy nghề đan lát cho thanh niên trong làng nhưng hiện tại lớp trẻ ít người tâm huyết. Tuy vậy, trong quá trình đan lát già vẫn luôn vận động bà con nên tận dụng cây nứa, cây tre, cây lồ ô quanh rẫy nhà mình để chẻ ra làm nguyên liệu đan lát. Nhờ đó, nhiều người muốn nâng cao trình độ đã đến nhờ ông chỉ dạy đan các họa tiết với mức độ khó dần.
Không chỉ giỏi trong lĩnh vực đan lát, ông còn là bậc thầy đánh chiêng ở làng Kgiang. Năm 15 tuổi ông đã thuộc lòng và đánh thuần thục các bài chiêng trong các lễ hội cộng đồng. Là một trong những nghệ nhân có năng khiếu truyền đạt, nhiều năm qua, nghệ nhân Đinh Bi đã góp công sức vào việc giữ gìn văn hóa của người Bahnar trên địa bàn tỉnh. Tuổi cao, sức yếu, việc đi lại ngày càng khó khăn nhưng ông dựa vào người vợ cũng là nghệ nhân dệt thổ cẩm trong làng để dạy các chị em trong làng diễn tấu cồng chiêng. Đội chiêng nữ do ông Đinh Bi gây dựng và truyền dạy đang là mô hình kiểu mẫu của nhiều làng lân cận cũng như lan tỏa nhân rộng trong toàn tỉnh về thiết lập đội cồng chiêng nữ. Ông Đinh bi cũng rất tự hào vì đội cồng chiêng nữ của làng đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi diễn tấu cồng chiêng, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên trong khu vực.
Chị Đinh Thị Lăm, làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng chia sẻ, phụ nữ trong làng cũng biết đánh chiêng để cùng bảo tồn văn hóa dân tộc. Chị em được nghệ nhân Đinh Bi truyền dạy đánh cồng chiêng nên hiện nay cả nam và nữ cùng biết đánh, hiểu hơn về văn hóa cồng chiêng.
Cả một đời gắn liền với nương rẫy, trải qua bao thăng trầm, nghệ nhân Đinh Bi vẫn giữ cho mình một tình yêu bất tận với văn hóa truyền thống của dân tộc. Với ông, việc bảo tồn văn hóa dân tộc như ăn sâu vào máu thịt mỗi ngày.
Ông Trần Văn Nhơn, Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng cho biết, nghệ nhân Đinh Bi là một trong những tấm gương sáng điển hình trong công tác gìn giữ các văn hóa dân tộc của người Bahnar tại địa phương. Để lớp kế cận có ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, địa phương rất cần những nghệ nhân tâm huyết, nêu gương như già Đinh Bi. Qua đó, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để không chỉ riêng nghệ nhân Đinh Bi mà nhiều nghệ nhân khác trong làng có cơ hội phát huy tài năng của mình tại các cuộc thi từ cấp cơ sở đến huyện, tỉnh, thậm chí đi thi tay nghề tại các cuộc thi do Trung ương tổ chức.