Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam và những bức ảnh về Bác Hồ

Đến với nghề nhiếp ảnh một cách tự nhiên, trong suốt cuộc đời cầm máy, ông đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng để lại ấn tượng sâu sắc với ông chính là những giây phút ông chụp những bức ảnh về Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.


Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam sinh ra và lớn lên ở quê hương quan họ Bắc Ninh. Năm 1949, ông vào làm việc trong Ban Tuyên huấn TƯ Đoàn Thanh niên Cứu quốc trên chiến khu Việt Bắc. Khi báo Tiền Phong ra đời, ông được phân công sang đó viết li-tô (viết chữ ngược lên mặt đá nhẵn để in báo) và sửa mo rát. Cũng tại đây, ông đã được làm quen với nghề nhiếp ảnh. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam nhớ lại: “Hồi đó, cả tòa soạn chỉ có một chiếc máy ảnh Fed của Liên Xô (cũ), khi trông thấy nó, tôi đã mê ngay. Thấy tôi tỏ ra thích thú, người được giao giữ chiếc máy ảnh đã ngỏ ý nếu muốn học thì ông sẽ dạy cho. Vậy là hàng ngày sau giờ làm, tôi đến phòng của người giữ máy ảnh để học chụp ảnh”. Cứ đều đặn như vậy, dần dần ông làm quen với máy ảnh, học cách lấy nét, đo ánh sáng sao cho chuẩn, nhưng chủ yếu là học trên lý thuyết, vì không có phim để chụp. Khi báo Tiền Phong chuyển về Hà Nội, ông được phân công phụ trách trang ảnh. Với vốn kiến thức còn ít ỏi về nhiếp ảnh học được ở Việt Bắc, ông lặn lội đi tìm mua thêm các sách hướng dẫn về nhiếp ảnh của Pháp còn sót lại sau giải phóng về tự học. Cứ như vậy, dần dần, ông trở thành một phóng viên ảnh “cứng nghề” và có tiếng trong làng báo.


 

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, phóng viên ảnh Mai Nam đã đi nhiều nơi, từ chiến trường đến các vùng quê, chụp hàng ngàn bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những giây phút hào hùng của nhân dân cả nước. Và mặc dù không phải là người được phân công chuyên chụp ảnh về Bác Hồ như các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, Vũ Đình Hồng, mà ông chỉ có cơ hội được gặp Bác trong những kỳ họp Quốc hội, ở những hội nghị hay những cuộc mít tinh, kỷ niệm lớn. Nhưng mỗi khi tác nghiệp có điều kiện được gặp Bác, ông lại tranh thủ chụp thật nhiều ảnh về Bác Hồ, một số ít để đăng báo, còn lại chủ yếu là lưu giữ làm kỷ niệm.


Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi được vinh dự chụp ảnh Bác là năm 1955, trong cuộc mít tinh ở Quảng trường Ba Đình. Tôi được phân công chụp ảnh cuộc mít tinh đó và đã có những bức ảnh đầu tiên về Bác Hồ. Từ đó, mỗi khi tác nghiệp, có điều kiện gặp Bác, tôi lại tranh thủ chụp thật nhiều ảnh của Bác để lưu giữ làm kỷ niệm”.


Trong suốt 15 năm, kể từ bức ảnh chụp Bác Hồ lần đầu tiên, đến khi Bác mất, nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam đã ghi lại được nhiều khoảnh khắc rất đẹp, rất đáng nhớ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khi Người đứng trên lễ đài, khi Người đi thăm anh chị em công nhân, thăm các cháu thiếu niên nhi đồng, cả những lúc Bác đi xem các cháu thi đấu thể thao... Năm 1960, trong dịp bầu cử Quốc hội khóa II, ông đã chụp được bức ảnh Bác Hồ đang bỏ phiếu tại trường Sư phạm Mẫu giáo. Đây là bức ảnh duy nhất chụp Bác khi tham gia bỏ phiếu ở địa phương, bức ảnh này đã được lưu giữ tại kho lưu trữ ảnh về Bác Hồ.


Chụp ảnh về Bác Hồ rất nhiều, nhưng chỉ duy nhất một lần nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam được chụp ảnh chung với Bác, đó là vào năm 1966. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam nhớ lại: “Năm đó, Quốc hội họp ở hội trường Ba Đình. Giờ giải lao, Bác xuống hội trường nói chuyện và chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu Quốc hội. Anh em phóng viên cũng rất muốn được chụp ảnh kỷ niệm với Bác. Tôi đã mạnh dạn thưa: “Bác cho anh em phóng viên được chụp ảnh kỷ niệm với Bác ạ”. Bác quay lại nhìn tôi, chưa kịp nói gì thì chuông hội trường rung lên, Bác lại lên bàn chủ tịch đoàn tiếp tục điều hành cuộc họp. Thỉnh thoảng thấy Bác nhìn mình, tôi lo lắm, không biết đề nghị của mình có làm Bác giận không. Đến giờ giải lao sau, Bác ra vẫy anh em báo chí: “Các chú vào trong này”. Khi anh em phóng viên vào cả phía trong hội trường Ba Đình, lúc đó Bác mới bảo: “Giờ Bác chụp ảnh chung với các chú”. Chúng tôi mừng lắm, riêng tôi được “ưu tiên” đứng gần Bác nhất, vì là người có công đề xuất việc này. Bác vừa chụp ảnh, vừa vui vẻ nói chuyện, hỏi thăm từng người...”.


“Ngày 1/5/1969, lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động diễn ra tại Hội trường Ba Đình. Không hiểu sao hôm đó, tôi lại nghĩ, hôm nay phải chụp thật nhiều ảnh chân dung của Bác, nghĩ vậy, tôi liền mang theo cả chân máy, ống kính và hôm đó, tôi đã chụp được khoảng 6-7 bức ảnh chân dung Bác Hồ. Không ngờ, đó lại chính là những bức ảnh cuối cùng về Bác mà tôi chụp được” - nghệ sỹ Mai Nam bùi ngùi nhớ lại.


Cho đến bây giờ, nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam vẫn luôn trân trọng và gìn giữ gia tài quý giá của mình, là gần 200 phim chụp về Bác Hồ, trong đó có những bức ảnh quý như Bác Hồ đang bỏ phiếu bầu cử tại kỳ họp Quốc hội; Bác Hồ đang kiểm tra máy cấy, Bác Hồ tại hội nghị Thanh niên 3 sẵn sàng, Bác Hồ với các cháu thiếu nhi... Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam tâm sự: “Trong những lần được gặp và chụp ảnh về Bác, tôi cảm nhận được ở Bác, một vị lãnh tụ rất giản dị, rất hòa đồng với quần chúng và thương yêu mọi người. Bác như một người cha, người ông, thậm chí Bác gần gũi như một người bạn đối với thanh niên”.


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất... “Nhưng với tôi, phần thưởng quý giá nhất là kho tư liệu ảnh, và đặc biệt là những bức ảnh quý mà tôi đã chụp về Chủ tịch Hồ Chí Minh” - nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam tâm sự.


Phương Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN