Ngõ Hà Nội - chứa đựng một không gian văn hóa

“Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…”, đó là lời bài hát “Hà Nội và tôi”, đã đi vào tâm thức nhiều người Hà Nội. Ngõ Hà Nội được ví như một không gian văn hóa rất riêng của đất Tràng An và trong giai đoạn đô thị hóa sau đổi mới, Hà Nội đã xuất hiện rất nhiều ngõ ngách giữa thành phố, nhất là khu ven đô trong quá trình làng lên phố.

Dịch vụ nhiều bất cập

“Ngõ Hà Nội đã có từ rất lâu đời, song trong quá trình đô thị hóa, ngõ lại càng phát triển”, tiến sĩ Phạm Thái Sơn, người từng làm nghiên cứu sinh về ngõ Hà Nội khẳng định: “Hiện có 3 cấp độ chỉ về ngõ Hà Nội gồm: Ngõ, rồi đến ngách, và cuối cùng là hẻm. Chúng tôi khảo sát những đặc trưng của ngõ tại 3 khu vực: Khu vực Văn Chương đại diện cho những ngõ hình thành trước đổi mới (1986), Giáp Bát (giai đoạn 1990), Yên Sở (giai đoạn sau năm 2000)”.

Ngõ Hà Nội - một nét văn hóa giữa lòng đô thị.


Khảo sát cho thấy, trước thực tế dân số bùng nổ, phát triển thiếu quy hoạch, người dân tự chia đất xây nhà do nhu cầu cuộc sống nên đã có khoảng 70% công trình do dân tự xây dựng từ năm 2000-2005. Đơn cử như khu Giáp Bát tăng 5.000 người từ năm 1998-2005, nên có rất nhiều không gian tự do như vườn, ao trở thành ngõ ngách, nhà ở do người dân tự chia nhỏ ra, dẫn đến việc ở đây có 80% ngõ ngách rộng dưới 4 m, được dân tự xây dựng. Càng gần các khu trung tâm, càng nhiều ngõ hẹp, chiều rộng dưới 2-3 m.

“Đô thị hóa làm xuất hiện nhiều phố nhỏ, có hệ thống ngõ ngách ngoằn ngoèo, ở đó mật độ dân cư và xây dựng tăng, dẫn đến ngõ càng thu hẹp lại, không đủ cho sự tăng trưởng dân số và quy hoạch. Cùng với đó là những dịch vụ công của những người sống trong ngõ đều ở mức kém hơn so với người dân sống ở mặt phố, đó là ý kiến của các gia đình được chúng tôi khảo sát”, tiến sĩ Sơn cho biết.

Tính liên kết cộng đồng

Xu hướng tại những khu đô thị hiện nay là “kín cổng cao tường”, “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”. Tính cộng cư giảm đi rõ rệt, không gian văn hóa chung, không gian sinh hoạt tập thể không còn là nơi người dân thường tìm đến. Ở Hà Nội, đến một khu phố để tìm đến nhà ai đó, người hỏi chỉ có thể hỏi theo số nhà mấy, ngõ mấy...? Còn nếu hỏi tên gia chủ chắc chắn sẽ nhận được những cái lắc đầu; trong khi vào các ngõ, ngách, hẻm sâu thì hỏi ai mọi người đều biết. Không phải chỉ vì ngõ nhỏ mà cái chính là do nếp sống cộng đồng… “Cuộc sống cộng đồng tại các ngõ nhỏ có sự liên kết hơn giữa con người với con người, tạo nên một môi trường văn hóa mang tính làng, xã hơn những khu vực khác trong thành phố”, tiến sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ. Giữ gìn ngõ nhỏ chính là gìn giữ cuộc sống cộng đồng - một nét văn hóa giữa lòng đô thị. “Chính vì thế, đây là thế mạnh cần phải phát huy trong quá trình xây dựng các khu đô thị. Đó là bằng cách tạo ra nhiều không gian cộng đồng để người dân giao lưu. Và các hoạt động giao lưu cũng mang tính “mềm dẻo” hơn, như chỗ vui chơi cho trẻ em, CLB sinh hoạt cho người già…, tiến sĩ Sơn nói thêm.

Ngõ hình thành ngày càng nhiều tại khu vực ngoại thành trong quá trình đô thị hóa. Nhất là diện tích mặt bằng ở Hà Nội ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ thì việc xóa bỏ những con ngõ nhỏ là điều gần như không tưởng. TS Phạm Thái Sơn cho biết: “Trước khi thực hiện đề tài về ngõ, tác giả từng có tư tưởng cần xóa bỏ ngõ Hà Nội bởi sự “nhếch nhác”, thế nhưng sau vài năm tìm hiểu về đời sống trong ngõ bỗng nhận thấy ở đây ít nhiều còn lưu giữ được nếp sống cộng cư khá rõ nét”.

Trước mắt, muốn giữ gìn được tính cộng đồng thân thiết trong ngõ, trong bối cảnh đô thị hóa ai cũng bận rộn, cần có sự đầu tư của chính quyền, với sự tham gia giám sát tiến trình xây dựng của người dân. Vì nếu có sự hợp tác công tư bình đẳng về vai trò giữa dân và chính quyền trong việc quy hoạch, từ đó dân sống có trách nhiệm để hạn chế rủi ro trong cuộc sống ngõ ngách.

XC

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN