Câu lạc bộ Phú Thọ từng nổi tiếng với môn thể thao đua ngựa. Khi trường đua ngựa này còn hoạt động, nghề nuôi và chăm sóc ngựa đua đã khá phát triển, đặc biệt là ở xã Xuân Thới Thượng và Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Từ khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, nghề nuôi ngựa đua ở đây cũng mai một theo năm tháng.
Một thời vang bóng
Thú chơi ngựa đua xuất hiện ở nước ta vào khoảng thế kỷ XX và Phú Thọ là trường đua ngựa duy nhất tại Việt Nam được một nhóm thương gia, sỹ quan người Pháp thành lập vào năm 1932. Sau nhiều chuyển biến, năm 2003, trường đua được giao cho CLB thể thao Phú Thọ quản lý và hợp tác với Công ty TNHH Thiên Mã để đầu tư nâng cấp, bước đầu chỉ tổ chức các cuộc đua phong trào nhằm thỏa mãn niềm đam mê, tạo thú vui chơi cho người trong giới.
Thời gian sau, môn đua ngựa lan rộng, nhiều tiếng tăm nên nhiều tay đua khắp nơi đã đổ về với nhiều cuộc đua quy mô. “Vào mỗi thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, trường đua tổ chức 10 đợt ngựa thi đấu, mỗi đợt có 12 con ngựa thi đấu. Các cuộc đua thu hút hàng ngàn lượt khán giả. Ngựa được phân theo 3 hạng A, B, C dựa theo chiề
Để chăm sóc những con ngựa đua nổi tiếng một thời, ông Út Đực phải chắt chiu để dành tiền mua “lúa” cho chúng ăn đỡ thèm. |
u cao của ngựa. Ngoài các trận đua ngựa tổ chức vào thứ bảy và chủ nhật, mỗi năm trường đua tổ chức ba giải lớn để ngựa tranh cúp vào dịp Tết, ngày giải phóng miền Nam và Quốc tế Lao động, Quốc khánh 2/9. Vào thời đó, tôi cũng có một con ngựa đua nổi tiếng với tên Nữ Tài giành được nhiều giải”, ông Phạm Văn Triều, người từng làm trong trường đua Phú Thọ và chứng kiến hầu hết các cuộc đua ngựa ở đây, kể.
Nghề đua ngựa đã kéo theo nghề nuôi ngựa của các hộ gia đình phát triển mạnh. Vào thời bấy giờ, riêng huyện Hóc Môn có đến hơn 20 hộ dân nuôi ngựa để đua và bán cho trường đua, chưa kể nhiều vùng lân cận khác cũng có nhiều hộ tham gia. Mỗi hộ có đến chục, hơn chục con, thậm chí có doanh trại lên đến vài trăm con. “Gia đình tôi có cặp Trúc Hương, Mỹ Phương. Nhiều tay chơi thuộc hạng đại gia Sài thành bấy giờ trả giá lên đến cả tỷ đồng nhưng tôi nhất quyết không bán. Vào thời đó, những con ngựa này thường không có giá nhất định. Chỉ cần dân chơi thích, người nuôi ngựa có thể ra giá bao nhiêu cũng được. Chính vì vậy mà những người nuôi ngựa đua sống rất sung túc với nghề của mình”, ông Trần Văn Năng (Út Đực) ngụ ấp 2, xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), người có gần 30 năm trong nghề nuôi ngựa, kể.
Hết thời ngựa ăn "lúa"
Khoảng 3 năm trở lại đây, trường đua Phú Thọ tạm ngừng hoạt động, nhường đất xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Cũng vì vậy, các hộ nuôi ngựa để đua và bán xem như không còn đất dụng võ. Một số gia đình đã từ bỏ, một số do yêu thích, coi đây là thú vui tuổi già nên vẫn giữ lại những con có thành tích để duy trì nòi giống. “Khi còn trường đua Phú Thọ, người ta thống kê có khoảng 1.200 con ngựa tham gia đua. Tính cả ngựa giống, ngựa đẻ và ngựa con thì đàn ngựa ở TP Hồ Chí Minh, Long An và các tỉnh lân cận khi ấy vào khoảng 4.000 con. Tuy nhiên, gần đây, số ngựa đua chỉ còn lại khoảng trên 250 con”, ông Baudron Jcan Yues, chủ một trang trại nuôi ngựa đua ở Hóc Môn, cho biết.
Trang trại nuôi ngựa của ông Baudron hiện đang tập hợp khá nhiều con ngựa đua dòng giống quý tộc. |
Theo những người nuôi ngựa đua, nghề nuôi này khá tốn kém tiền bạc, công sức. Bởi khẩu phần ăn của ngựa đua gồm cỏ, lúa, đậu nành, trứng gà sống và các loại thuốc bổ. Đặc biệt, so với ngựa thường, ngựa đua được cho ăn nhiều lúa hơn cỏ. Thông thường, một con ngựa thường ăn hết 1 đến hơn 1 dạ lúa (50 kg) trong vòng nửa tháng thì ngựa đua chừng 2 ngày hết 1 dạ. Ngay từ khi mới được 4 tháng, ngựa đua đã phải được cho ăn lúa để giúp xương cứng chắc, nếu không xương xốp, dễ bị gãy khi đua.
Ông Út Đực chia sẻ: “Vào những năm ngựa còn tung vó trên trường đua thì chúng được ăn lúa nhiều hơn và được chăm sóc rất kỹ. Còn bây giờ, kinh tế khó khăn những người nuôi ngựa chỉ muốn giữ lại cái nghề một thời, nên những con ngựa ngày xưa thay vì ăn lúa nay chuyển sang ăn cỏ. Ví dụ như cặp ngựa nổi tiếng Trúc Hương và Mỹ Phương, ngày xưa nổi tiếng ở trường đua được ăn nhiều lúa nhưng nay chúng phải ăn cỏ nhiều hơn, nhiều lúc thấy thương tôi cũng chắt chiu mua một ít lúa về cho chúng ăn cho chúng đỡ nhớ”.
Là ngoại kiều người Pháp, nhưng lại có đam mê với ngựa đua từ nhỏ, ông Baudron Jcan Yues cho biết: “Lúc nhỏ tôi thường theo ông ngoại đến trường đua Phú Thọ. Thời đó, con ngựa Thoại Lang của ông ngoại tôi được xem là con ngựa thần mã vì chưa có một con ngựa nào có thể thắng được con ngựa đó trong các cuộc đua”. Ông đánh giá Việt Nam có những con ngựa đua khá tốt khi phối giống của những con ngựa do nữ hoàng Anh tặng.
Tâm sự về nghề nuôi ngựa đua hiện nay, ông Baudron bùi ngùi: “Hiện nay số ngựa đua ở Việt Nam đã bị làm thịt gần hết vì những người chủ của nó không đủ kinh phí nuôi. Còn những người có thể duy trì việc nuôi ngựa thì cũng không biết mình sẽ gắn bó với ngựa đến lúc nào nữa. Vì vậy, nếu chúng ta không sớm khơi dậy môn thể thao đua ngựa, tôi sợ trong thời gian tới những con ngựa đua ở Việt Nam sẽ bị giết hết”. Ông Baudron cho biết thêm, những con ngựa đua hiện trị giá từ hai đến ba trăm triệu đồng là dòng giống của hai con ngựa mà nữ hoàng Anh quốc đã trao tặng cho Việt Nam và được đưa về trường đua Phú Thọ nhân giống từ hơn 20 năm qua. Giống cha, những con ngựa này cao lớn vạm vỡ lạ thường và từng tung vó trên trường đua Phú Thọ làm say mê hàng ngàn người hâm mộ thì nay đã bị giết hết. Hiện số ngựa đua quý này chỉ còn lại là giống con, cháu của chúng và số này đã được ông tập hợp từ các chủ nuôi ngựa ngày xưa. Ông Braudron hiện đang sở hữu 9 con ngựa đua. Đây là những con ngựa đua nổi tiếng một thời, đặc biệt trong đó có con Nobel và con Saphiar đều là dòng dõi của những con ngựa đua do nữ hoàng Anh tặng cho Việt Nam vào năm 1993. “Tôi mua con Nobel cách đây vài tháng với giá 100 triệu đồng. Nếu so với thời còn trường đua Phú Thọ, giá này chỉ bằng 1/3 giá trị”, ông Baudron cho biết.
Vực dậy môn đua ngựa
Để níu giữ môn thể thao đua ngựa không bị “xóa sổ”, tại một số nơi vẫn tổ chức các cuộc đua.
Ông Baudron cho biết, tuy ngựa đua chủ yếu là ngựa thồ, để làm việc là chính nhưng việc tổ chức đã góp phần duy trì môn thể thao này, mang lại niềm vui lớn cho giới đua ngựa. Một số nơi như quận 2 có câu lạc bộ cưỡi ngựa nằm trên đường Lê Văn Thịnh được mở ra nhiều năm nay để phục vụ cho giới trẻ học cưỡi là chính và thu hút đa phần là học sinh từ các trường học trong thành phố. Những hoạt động này ít nhiều cũng giúp cho người nuôi ngựa thấy vui và những con ngựa lại được thỏa sức tung vó trên trường đua sau nhiều năm bỏ nghề.
Anh Lương Quang Tý, nhân viên chăm sóc ngựa tại câu lạc bộ cưỡi ngựa quận 2 cho biết, chủ ở đây là một người Pháp. Ông thấy hiện có nhiều người yêu thích cưỡi ngựa, đua ngựa và bản thân ông cũng rất yêu ngựa và chơi ngựa kỳ cựu nên ông đã tự bỏ vốn mở câu lạc bộ để vừa phục vụ nhu cầu, lại vừa thể hiện tình yêu đối với con vật này. Tại đây, nếu vào cao điểm, số lượng người tham gia học có khi lên đến cả hơn trăm em mỗi ngày.
Bên cạnh đó, ngày 22/12/2013, tại khu du lịch Đức Thuận (tỉnh Long An) một nhóm người yêu ngựa của TP Hồ Chí Minh và Long An cũng đã tập hợp và tổ chức đua ngựa phong trào. Niềm vui như được khơi lại, hàng trăm chủ ngựa đã mang ngựa đến tham gia. Dân trong giới còn khẳng định, đây là địa điểm sẽ mở trường đua trong tương lai. “Mặc dù chỉ là giải phong trào, sân đua chưa hoàn thành nhưng chúng tôi rất vui. Vì ít nhất chúng tôi cũng có được cơ hội cho ngựa tham gia trở lại. Những con ngựa hiện tại sẽ lại có đất dụng võ, có cơ hội thể hiện nét đẹp của những bước phi nhanh, mạnh...”, ông Năng vui mừng cho biết.
Trong khi đó, không đành lòng đứng nhìn những con ngựa bị giết thịt dần, ông Baudron cũng đã đứng ra tập hợp những người còn đam mê với nghề nuôi ngựa trong vùng để xin phép thành lập “Hội thể dục thể thao ngựa đua”. Hiện, đã có hơn 200 chủ ngựa đăng ký tham gia hội và sân đua là những bãi đất để cho những con ngựa đua ngày xưa chạy cho đỡ buồn chân, còn chủ ngựa thì khơi lại niềm vui một thời còn trường đua. “Những con ngựa đua tại Việt Nam đều thuộc dòng giống cao quý, chúng sinh ra để tung vó kiêu hãnh. Giá trị của nó nằm ở những lần vươn lên giành chiến thắng, là tinh thần nó mang lại chứ không chỉ là thân xác nó. Vì vậy, chúng ta hãy để những chú ngựa đua được sớm trở lại trường đua thực sự chứ đừng bắt nó phải biến thành thịt, thành cao, xót xa lắm”, ông Baudron tâm sự.
Bài và ảnh: Đan Phương - Hoàng Tuyết