Người làm phát thanh phải tự thích ứng để vượt qua chính mình

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, phát thanh đã có sự chuyển đổi theo xu hướng chuyển đổi số. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, những người làm phát thanh phải tự thích ứng để vượt lên chính mình, khẳng định vai trò của phát thanh trong đời sống xã hội.

Chú thích ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN

Với chủ đề "Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên", Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV - năm 2022 do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 31/7 - 6/8/2022.

Đây là ngày hội lớn, là dịp để những người làm Phát thanh cả nước thể hiện tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và những phẩm chất của người làm báo; biểu dương, tôn vinh những tác phẩm, tác giả tiêu biểu của ngành Phát thanh.

Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ đã dành thời gian trả lời phóng viên TTXVN về những điểm mới, cũng như những nội dung được quan tâm tại Liên hoan năm nay.

Thưa ông, chủ đề của Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay là "Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên". Chủ đề này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của đất nước và của ngành Phát thanh?

Chủ đề Liên hoan toàn quốc lần thứ XV - năm 2022 năm nay là “Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên” bao hàm nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Phát thanh đã có sự chuyển đổi linh hoạt cách thức sản xuất, biên tập, dàn dựng chương trình, phương thức truyền dẫn theo xu hướng chuyển đổi số; chuyển đổi phương thức, cách tiếp cận thính giả, tăng cường sự tương tác với thính giả để trở thành người bạn tâm tình, gần gũi hơn với thính giả ở nhiều đối tượng, nhiều nơi.

Thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay, những người làm Phát thanh phải tự thích ứng để vượt lên chính mình, khẳng định vai trò của Phát thanh trong đời sống xã hội. Vì vậy, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay được đầu tư nhiều công sức, công nghệ với nhiều tác phẩm có nội dung hay, có tính sáng tạo cao, phản ánh mọi mặt các vấn đề đời sống xã hội, thể hiện rõ nhất như cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Các kỳ Liên hoan sau đều có những đổi mới trong cách thức tổ chức so với các kỳ trước, mở rộng quy mô và chuyên nghiệp hơn. Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV - năm 2022 có những điểm nhấn đáng chú ý nào, thưa ông?

Theo kế hoạch, vòng chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV - năm 2022 được tổ chức từ ngày 31/7 đến ngày 06/8/2022. Lễ Khai mạc được tổ chức vào 19 giờ 30 ngày 04/8/2022, Lễ Bế mạc và Trao giải được tổ chức vào 19 giờ 30 ngày 06/8/2022 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh; được tường thuật trực tiếp trên các Kênh sóng Phát thanh, Truyền hình và trực tuyến các nền tảng nội dung số của Đài Tiếng nói Việt Nam; được nhiều Đài Phát thanh Truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng.

Liên hoan năm nay diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh là một kỳ liên hoan đặc biệt khi cả nước vừa trải qua những tháng ngày chiến đấu với đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là điển hình, là một trong những địa phương nổi bật thể hiện ý Đảng, lòng dân và quyết tâm của các lực lượng chống dịch. Vì vậy, việc tổ chức Liên hoan được Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam chuẩn bị hết sức chu đáo, với sự giúp đỡ của Thành phố Hồ Chí Minh.

Liên hoan được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của chúng ta chiến thắng đại dịch và cũng là dịp để các nhà báo Phát thanh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong tuyên truyền, tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh. Có thể tới đây sẽ có những yếu tố sự kiện buộc người làm truyền thông phải có sự linh hoạt, thích ứng như với đại dịch COVID-19 vừa qua.

Ngoài những thể loại truyền thống như: Phóng sự, Phỏng vấn, Câu chuyện truyền thanh, Chuyên đề phát thanh, Kịch truyền thanh, Phát thanh trực tiếp…, điểm mới trong Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay là Ban Tổ chức quyết định tổ chức thi và trao Giải Giọng Vàng, nhằm phát hiện và tôn vinh những Phát thanh viên/người dẫn chương trình có giọng đọc, dẫn chương trình Phát thanh xuất sắc; trao giải cho hai thể loại: Kỹ thuật dàn dựng xuất sắc và thể loại Ứng dụng nền tảng số.

Đồng thời, trong khuôn khổ Liên hoan, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức các hoạt động nghiệp vụ sôi nổi, tạo diễn đàn cho những người làm Phát thanh ở Việt Nam giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, như: Hội thảo quốc tế "Phát triển nguồn thu cho các Đài phát thanh truyền hình trong xu hướng chuyển đổi số"; Hội thảo "Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến"; Triển lãm "Thành tựu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh"…

Thưa ông, tính từ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần đầu tiên (tổ chức vào năm 1994) đến Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV diễn ra vào năm nay đã 28 năm. Chặng đường dài này đã góp phần khẳng định sức sống và sự lan tỏa của “ngày hội” nghiệp vụ lớn của những người làm Phát thanh cả nước như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?

Liên hoan Phát thanh toàn quốc là hoạt động nghiệp vụ do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Lần đầu tiên, Liên hoan được tổ chức vào năm 1994 tại Hà Nội, tiếp đó là các địa phương khác, như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Nghệ An, Đồng Tháp... Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV - năm 2022 là lần thứ 2 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh (trước đó là vào năm 1995).

Liên hoan Phát thanh toàn quốc là ngày hội lớn, là dịp để những người làm phát thanh cả nước thể hiện tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và những phẩm chất của người làm báo, biểu dương, tôn vinh những tác phẩm, tác giả tiêu biểu của ngành Phát thanh cả nước. Đây cũng là cơ hội để các Đài Phát thanh - Truyền hình ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cùng trao đổi về những xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, đồng thời tìm ra những cách làm mới phù hợp hơn nữa với công chúng.

Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1994 đến nay, Liên hoan Phát thanh toàn quốc đã qua chặng đường gần 30 năm, với 14 kỳ liên hoan, đánh dấu sự trưởng thành cả về lượng và chất của những người làm Phát thanh cả nước. Hơn hết, Liên hoan Phát thanh toàn quốc thực sự trở thành ngày hội của những người làm Báo nói.

Qua mỗi kỳ Liên hoan, đã có những đổi mới trong cách thức tổ chức và mở rộng đơn vị tham gia đáp ứng nhu cầu của những người làm Phát thanh từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu của bạn nghe Đài. Cũng từ Liên hoan Phát thanh toàn quốc tạo tiền đề cho Đài Phát thanh -Truyền hình ở các tỉnh, thành phố tổ chức Liên hoan Phát thanh tại địa phương nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của các Đài truyền thanh cơ sở, cũng như đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên... đáp ứng nhiệm vụ thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời, thông qua Liên hoan lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc, sát thực với người dân ở cơ sở tham dự Liên hoan Phát thanh toàn quốc.

Được biết, tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay, số lượng các đơn vị tham gia đăng ký dự thi Chương trình phát thanh trực tiếp và trực tuyến năm nay nhiều hơn các kỳ liên hoan trước. Qua công tác chấm Vòng Sơ khảo, các tác phẩm tham gia dự thi Liên hoan năm nay được đánh giá có chất lượng như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV - năm 2022 có sự tham gia của 86 đơn vị, bao gồm 63 Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố, các đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội Nhân dân, Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Trung tâm Truyền thông Thanh thiếu nhi.

Ngay sau khi phát động, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19, song Ban Tổ chức Liên hoan Phát thanh đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các đơn vị trong cả nước.

Sau Vòng Sơ khảo, 203 tác phẩm lọt vào Vòng Chung khảo, cụ thể: 65 tác phẩm thuộc thể loại Phóng sự; 37 tác phẩm thuộc thể loại phỏng vấn; 11 Câu chuyện truyền thanh; 57 Chuyên đề phát thanh; 33 Kịch truyền thanh; 34 chương trình phát thanh trực tiếp…

Các tác phẩm dự thi đã đi sâu phản ánh việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các thành tựu kinh tế xã hội của đất nước, nhiều điển hình, nhân tố mới cũng như muôn mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, thông qua Phát thanh đã truyền cảm hứng cho thính giả với những tác phẩm đi vào Vòng Chung khảo viết về tấm gương người tốt, việc tốt hay cuộc chiến chống đại dịch COVID-19… Các tác phẩm cũng phản ánh sự đồng thuận của người dân cả nước, cũng như tình cảm, sự yêu mến của bạn bè quốc tế với Việt Nam.

Nhưng có lẽ, dấu ấn mạnh mẽ nhất vẫn là các tác phẩm phản ánh cuộc chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19 từ Trung ương đến các địa phương. Qua những tác phẩm này thấy cả sự quả cảm, những quyết định lịch sử, thấy cả những giọt mồ hôi của lực lượng chống dịch, những đau thương, mất mát do đại dịch gây ra… 

Trong bối cảnh phải cạnh tranh với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông khác, đặc biệt là mạng xã hội, giờ đây, cùng với sự đầu tư về công nghệ, những người làm Phát thanh cần phải đầu tư nhiều hơn công sức, cũng như là chất xám, để sáng tạo nhiều tác phẩm có nội dung hay, hình thức hấp dẫn, góp phần định hướng dư luận tốt hơn. Chắc hẳn đây cũng sẽ là vấn đề sẽ được thảo luận, làm rõ tại Liên hoan Phát thanh năm nay, thưa Tổng Giám đốc?

Đài Tiếng nói Việt Nam đã và đang chủ động nắm bắt, tối đa tận dụng công nghệ trong tác nghiệp, biên tập, dàn dựng, sản xuất, phát sóng chương trình và tương tác với công chúng. Phát thanh giờ đây không chỉ phát sóng trên radio truyền thống, mà còn tiếp cận thính giả trên cả không gian mạng, thông qua các Báo Điện tử VOV.VN, VTCNews hay các ứng dụng OTT của Đài Tiếng nói Việt Nam như VOV Live, VTC Now, VOV Media, hoặc trên nền tảng Facebook, Youtube. Nhờ đó, sự tương tác với công chúng nhanh hơn, kịp thời hơn. Công chúng có thể trở thành người cung cấp thông tin từ hiện trường cho nhà Đài, làm phong phú thêm nội dung phát sóng. Đài Phát thanh giờ đây luôn có sự tương tác kịp thời với thính giả, "nói cùng thính giả" để tạo sự thân thiện, gắn kết. Từ hiện trường, thính giả cũng có thể "lên sóng" nói với bạn nghe Đài qua những chương trình trực tiếp. Từ đó, Đài sẽ có được "tệp" công chúng trung thành, thường xuyên nghe Đài.

Khi phát sóng trên các nền tảng truyền thông mới, đội ngũ người làm báo nói cần tự làm mới mình, tạo ra những chương trình gần gũi với thính giả trẻ, nói những điều thính giả quan tâm, tạo được nhiều chương trình Phát thanh sinh động, hấp dẫn với chi phí sản xuất gọn nhẹ hơn, tiết kiệm hơn. Phát thanh vì thế không những tồn tại, mà còn phát triển đa dạng hơn trên môi trường số. Hiện nay, nhiều sản phẩm nội dung số của Đài Tiếng nói Việt Nam đã tạo được hiệu ứng tốt, thu hút công chúng và dần tạo được một cộng đồng những người xem, nghe các ứng dụng và trang mạng của Đài. Đài đang hoàn thiện dự thảo Đề án "Chuyển đổi số Đài Tiếng nói Việt Nam" để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm nay, tiến tới chuyển đổi số trong sản xuất, biên tập, phát sóng, lưu trữ chương trình, cung cấp nội dung số đa nền tảng, đa phương tiện, đảm bảo tính chuyên biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phúc Hằng (TTXVN)
Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 15 diễn ra từ ngày 4 - 6/8
Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 15 diễn ra từ ngày 4 - 6/8

Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 15, năm 2022, do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp cùng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố tổ chức sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 4 - 6/8, với chủ đề "Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN