Người nhạc sĩ 'sống giữa bao nhiêu ân tình'

Sau đám tang giáo sư Trần Văn Khê, sau sự đau đớn của một ngày mất đi hai nhạc sĩ lớn là Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân, những ngày đầu tháng 7 này, làng âm nhạc Việt Nam lại chứng kiến sự ra đi của một nhạc sĩ quân đội có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam: Thiếu tướng- nhạc sĩ An Thuyên. 

Ông ra đi vì cơn nhồi máu cơ tim chiều 3/7 tại Bệnh viện Quân y 108, đột ngột nhưng bình yên và thanh thản. “Nửa vầng trăng” đã thật sự chia cắt với cõi trần gian này để trở về miền cực lạc…

 


Ca sĩ- BTV Bông Mai chia sẻ, nhạc sĩ An Thuyên đã có dấu hiệu không tốt về sức khỏe thời gian gần đây. Bông Mai và em trai, nhạc sĩ An Hiếu, đã định sẽ đưa bố đi khám tổng quát để có hướng điều trị. Nhưng mọi chuyện dường như đã muộn, trái tim vốn chan chứa tình cảm yêu thương của người nhạc sĩ quân đội đã ngừng đập lúc 16 giờ 4 phút ngày 3/7, khi nhạc sĩ được con gái đưa vào viện vì đau ngực. Sự ra đi khiến cả gia đình ông bàng hoàng, bạn bè, người thân bàng hoàng, những người yêu nhạc ông cũng bàng hoàng, vì nhạc sĩ mới chỉ là tuổi 66, dù đã về hưu nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh và vẫn còn liên tục cống hiến cho những dự án âm nhạc lớn.

Đớn đau nhất có lẽ chính là cô con gái Bông Mai, cô “công chúa” gần 40 tuổi vẫn thấy mình bé bỏng khi “núp bóng ba để sống” và tự hào vì được núp bóng ba. Bông Mai là cô con gái nhạc sĩ cưng nhất, cưng cũng bởi con vất vả, cuộc sống riêng tư đâu hẳn là đã suôn sẻ. “Đúng tôi là công chúa của ba, vì ba dành cho tôi tình yêu lớn và tặng cho tôi sự đam mê với nghề đã chọn. Đúng tôi núp bóng ba bởi dưới bóng ba tôi có thể nhìn thấy mặt trời, tôi có thể nằm dưới cái bóng lớn ấy để ước mơ, để nuôi hy vọng… Giờ gần 40 tuổi tôi vẫn núp bóng ba, bởi tôi luôn mong ước mình nhỏ bé, mãi mãi nhỏ bé dưới cây đại thụ ấy…”, Bông Mai tâm sự. Cũng chính cô, đã viết những dòng thơ đầy nước mắt về giờ phút cuối bên ba:

“Chiều hôm ấy nắng vàng như rực lửa
Đi bên ba mà chẳng biết sắp chia ly
Giờ mình con thu lu trong phòng trống
Tìm lại cho mình những khoảnh khắc đã trôi
Giường vẫn đó giờ ba không nằm nữa
Còn lại con với day dứt khôn nguôi…”

Dù đớn đau, nhưng với sự cứng cỏi của mình, Bông Mai vẫn đang cùng mẹ và em trai An Hiếu chuẩn bị tang lễ cho nhạc sĩ An Thuyên.

Nhạc sĩ An Thuyên sinh ngày 15/8/1949, tại xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 11 tuổi, ông đã nổi tiếng là người chơi tốt các nhạc cụ dân tộc. Năm 1967, An Thuyên bắt đầu công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, ông trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Quân khu IV. Năm 1981, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về Phòng Văn nghệ Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, công tác ở đó cho đến tận lúc về hưu.

Nhạc sĩ An Thuyên là một người có sức lao động đáng nể. Tên tuổi của ông gắn với rất nhiều ca khúc nổi tiếng, đặc biệt là những ca khúc mang âm hưởng dân ca và thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng như: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hành quân lên Tây Bắc”, “Khi xe tăng qua miền quan họ”, “Thơ tình của núi”, “Chín bậc tình yêu”, “Huế thương”, “Neo đậu bến quê”, “Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Ca dao em và tôi”...

Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ An Thuyên còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công như “Trương Chi”, “Đôi đũa kim giao”, “Biển tình cay đắng”, sáng tác cho khí nhạc như Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Ông còn viết nhạc cho phim, nhạc cho múa và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...

Với những sáng tác đi vào lòng người, nhạc sĩ An Thuyên đã nhận được nhiều giải thưởng: Giải nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985 với ca khúc “Tiếng đàn balalaica trên sông Đà” (phỏng thơ Quang Huy); Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng cho ca khúc “Hành quân lên Tây Bắc” (1984), “Thơ tình của núi” (1994). Giải Nhất của Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho ca khúc “Khi xe tăng qua miền quan họ” (1985), “Mẹ Việt Nam anh hùng” (1995). Ông cũng đoạt nhiều giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Giải Nhì với bài “Chín bậc tình yêu” (1992), giải Nhất với bài “Bài ca người tình báo” (2000), Giải Nhất với bài “Đi tìm bóng núi” (2004), giải Nhì hợp xướng “Chào Việt Nam thênh thang mùa xuân” (2004). Đặc biệt, năm 2007 ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với chùm tác phẩm: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hành quân lên Tây Bắc”.

Gia đình nhạc sĩ An Thuyên là một môi trường nghệ thuật tuyệt vời. Vợ ông là đạo diễn, nghệ sĩ Ngô Huyền Lâm và con gái là ca sĩ- BTV âm nhạc Bông Mai, vốn là thành viên của nhóm “Con gái”. Cả hai hiện công tác tại Đài THVN. Còn con trai ông, nhạc sĩ An Hiếu, hiện công tác tại trường ĐH Nghệ thuật quân đội.

Lễ viếng nhạc sĩ An Thuyên sẽ bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 12 giờ 30 ngày 9/7/2015, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình). Trong tang lễ, gia đình chỉ có một tâm nguyện: Bởi gia đình theo đạo Phật, nên mong muốn khi đến viếng, thay vì vòng hoa, mọi người mang đến một lồng chim nhỏ, trong đó chứa vài con chim để gia đình phóng sinh tại chỗ…


A.M
Nhạc sĩ An Thuyên - bậc thầy của những sáng tác mang âm hưởng dân gian
Nhạc sĩ An Thuyên - bậc thầy của những sáng tác mang âm hưởng dân gian

Ai đã từng biết đến nhạc sĩ An Thuyên đều phải thốt lên rằng, âm nhạc của ông đưa người nghe về với dòng sông, bến nước, con đò và những gì gắn bó với những miền quê tươi đẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN