Nhà báo Hứa Kiểm và tuyến đường 20 quyết thắng

Cuộc đời cầm máy ảnh của nghệ sỹ nhiếp ảnh - nhà báo Hứa Thanh Kiểm (Hứa Kiểm - ảnh), nguyên phóng viên TTXVN, gắn bó nhiều với chiến trận.

Ông luôn có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất, để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong chiến tranh. Những bức ảnh của ông đã trở thành tư liệu vô cùng quý giá, lưu giữ lại những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc.



Tay máy xung kích


Nhà báo Hứa Kiểm kể, năm 1966, ông chính thức khởi đầu sự nghiệp phóng viên chiến trường của mình bằng một đợt thường trú 6 tháng ở Vĩnh Linh. Từ đó, ông thường xuyên được phân công công tác tại các mặt trận, chụp những trận đánh lớn, các chiến dịch quan trọng như trận pháo kích Cồn Tiên, Dốc Miếu năm 1967; trận Cù Đinh, Ba De (năm 19); túc trực ở trọng điểm giao thông Trường Sơn ATP (cua Chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Pu La Nhích) từ năm 1969 - 1970.

Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sĩ lái xe. Ảnh: Hứa Kiểm

Cuối năm 1970, Hứa Kiểm đi cùng quân dân Campuchia, chụp ảnh các trận đánh giải phóng Stung-treng và Ka-ra-chia. Năm 1971 - 1972, ông lại trực chiến thường xuyên ở các trận địa cao xạ, tên lửa, không quân, hải quân; lăn lộn với binh chủng tăng, thiết giáp ở miền Bắc… Mùa xuân năm 1975, Hứa Kiểm được phân công cùng với các phóng viên ảnh Vũ Tạo, Đinh Quang Thành và phóng viên tin Trần Mai Hưởng trong Tổ tin, ảnh mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam, đi cùng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bốn năm sau, ông trở lại Campuchia ghi tiếp hình ảnh nước bạn đánh đổ bọn diệt chủng…

Có thể nói, cuộc đời của nhà báo Hứa Kiểm gắn liền với các mặt trận, các trận đánh lớn, lịch sử của dân tộc. Nhưng có lẽ ông gắn bó nhiều hơn, ấn tượng nhiều hơn với tuyến lửa Vĩnh Linh. Nơi đây có binh trạm 14, là binh trạm cửa khẩu, nơi có nhiều trọng điểm ác liệt nhất. Trong binh trạm đó có 3 trọng điểm liên hoàn ATP (tên viết tắt của cua chữ A, ngầm Tà Lê và đèo Pu La Nhích). 3 trọng điểm này địch thường xuyên bắn phá liên tục, thậm chí địch còn mang cả B52 ra quần đảo, nhằm cắt đứt con đường huyết mạch, tiếp tế lương thực, đạn dược vào trong chiến trường khi đó. “Những năm 1967 - 1969, Vĩnh Linh bị địch quần đảo ác liệt, đây được gọi là “vùng đất chết”, bởi ngay cả cỏ cũng không kịp mọc”, nhà báo Hứa Kiểm kể.

Ngày ấy, khi chứng kiến sự ác liệt của chiến tranh, chàng phóng viên trẻ Hứa Kiểm luôn trăn trở, làm thế nào để đưa được những hình ảnh này vào ống kính, để có những bức ảnh có chất lượng gửi về cơ quan, góp phần cổ động các tầng lớp nhân dân… Chính vì vậy, khi anh em chiến sỹ đề xuất phóng viên nên ở trong khu vực an toàn, Hứa Kiểm kiên quyết đề nghị, hãy cho ông ra mặt đường, ra chỗ ác liệt nhất để tác nghiệp, với một lý do đơn giản, nếu chỉ ngồi trong hầm, làm sao có thể có những tác phẩm chất lượng.

Vậy là ông lăn xả ra đường, tìm đến mọi ngóc ngách trên “cung đường lửa” để tác nghiệp. Ông phục nhiều giờ đồng hồ ở cua chữ A, nơi ác liệt nhất chỉ để chờ ghi lại khoảnh khắc đoàn xe đi qua. Ông chờ từ sáng đến trưa để được chứng kiến và lưu giữ lại thời khắc anh em tuyên thệ trước khi vượt cung đường lửa. Ông không ngần ngại lội ngập trong bùn đất, để ghi lại cảnh anh em chiến sỹ vượt những đoạn đường lầy lội… Ông ghi lại cảnh ngầm Tà Lê bị bom đạn cày nát như cám, rồi những hình ảnh anh em công binh và thanh niên xung phong, sau mỗi đợt bom lại lao ra khẩn trương san lấp, giải phóng đường để ô tô tiếp tục hành trình…

Muốn làm được, phải say nghề

Sau những chuyến “lăn xả” đó, Hứa Kiểm mang về cho cơ quan một bộ ảnh tư liệu vô cùng quý giá, về “cung đường lửa” - đường 20 quyết thắng, kéo dài khoảng 10 km từ Tây Quảng Bình đến biên giới Việt - Lào. Bộ ảnh đã “kể” cho công chúng của nhiều thế hệ sau này, biết được những khó khăn, gian khổ, những nỗ lực vượt khó và chiến tích phi thường của chiến sỹ ta trên tuyến đường 20 ngày ấy, đặc biệt là vùng trọng điểm liên hoàn ATP. Trong số hàng trăm bức ảnh được chụp trên cung đường huyết mạch ấy, có rất nhiều bức ảnh mà ông tâm đắc. Đó là bức ảnh các chiến sỹ tổ chức tuyên thệ, quyết tâm tiến vào cung đường lửa, hoặc bức ảnh anh em công binh, lái xe vác cuốc, xẻng đi vượt lầy, ảnh anh em san lấp hố bom trên ngầm Ta Lê… “Trong thời khắc đó, khi chứng kiến những hình ảnh đó, tôi luôn có một cảm giác tự tin, tin tưởng vào một chiến thắng đang ở rất gần”, nhà báo Hứa Kiểm cho biết.

Nhà báo Hứa Kiểm kể, thời gian làm nhiệm vụ ở tuyến đường 20 quyết thắng, ông nhớ mãi chuyến đi với chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch, quê ở Hải Dương. Chuyến đó, ông cùng Lê Văn Bạch đi qua vùng trọng điểm ATP, đi sâu vào bên trong. Chỉ trong một đêm, xe đi dưới sự oanh tạc liên tục của bom, đạn, máy bay thả bom bi… rồi do đường đi khó khăn, xe đi trong đêm tối, tầm nhìn hạn chế mà 2-3 lần suýt lao xuống vực. “Kết thúc chuyến đi, tôi tổng kết và nói với bạn đồng hành, là anh lính trẻ tên Bạch: chuyến đi này mình suýt chết 6 lần. Bạch cười và nói với tôi: Thủ trưởng ơi, nếu tính như vậy thì lúc nào cũng là suýt chết, lúc nào cũng chết hụt. Với cánh lính bọn em, thì nói đơn giản là “Hôm nay ta chưa chết!”. Nghe Bạch nói câu đó, tôi sững người, và vô cùng cảm phục sự kiên cường, cũng như tinh thần lạc quan của chàng lính trẻ ấy”, nhà báo Hứa Kiểm tâm sự.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, bộ ảnh “Đường 20 quyết thắng” của nhà báo Hứa Kiểm được trưng bày đã khiến người xem vô cùng ngạc nhiên, cảm phục. Công chúng không chỉ cảm phục các chiến sỹ trẻ Việt Nam dũng cảm kiên cường, mà còn cảm phục chính người cầm máy, đã không ngại hiểm nguy, luôn có mặt ở những nơi gian khó, ác liệt, ghi lại một cách trung thực, chính xác và sinh động những hình ảnh về con người thời chiến và kỳ tích phi thường của họ.

Sau này, nhà báo Hứa Kiểm còn đi nhiều, chụp nhiều trận chiến khác, ông cũng có mặt ở TP Hồ Chí Minh trong thời khắc lịch sử, ghi lại những hình ảnh của quân Giải phóng trong ngày 30/4/1975. Nhưng, ký ức về những ngày trên tuyến đường 20 vẫn để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc. Khi được hỏi, ông rút ra được kinh nghiệm gì khi làm phóng viên chiến trường? Nhà báo Hứa Kiểm bảo, làm phóng viên chiến trường là phải biết lăn xả, phải chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận hy sinh thì mới có được những bức ảnh tốt. “Chỉ có vào những chỗ gian khổ nhất, mới có thể có được vinh quang”, nhà báo Hứa Kiểm nói.

Với những giá trị lịch sử, bộ ảnh “Đường 20 quyết thắng” của nhà báo Hứa Kiểm đã giành được số phiếu đồng thuận cao của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật lĩnh vực Nhiếp ảnh lần thứ 5.


Lan Lộc
Giao lưu với nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh
Giao lưu với nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh

Sáng ngày 17/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia – Sự thật đã phối hợp với Công ty cổ phần sách Thái Hà (Thaihabooks) có buổi giao lưu, giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Lời tựa một tình yêu” và cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN