Nhà Lớn là một quần thể di tích lịch sử mang đậm chất văn hóa, tập tục địa phương, có từ cách đây hơn 100 năm ở xã đảo Long Sơn trực thuộc TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đến thăm Nhà Lớn, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà mái ngói âm dương tầng tầng lớp lớp, hàng trăm bàn thờ với họa tiết độc đáo do người dân ở đây làm thủ công, mà còn được ăn, ngủ, tắm, giặt, sinh hoạt vui chơi miễn phí và cách phục vụ ân tình của những người mặc áo đen, đầu búi tóc củ tỏi.
Từ thành phố Vũng Tàu, vượt qua cầu Gò Găng chạy xe 15 phút, trước mắt chúng tôi là một quần thể di tích văn hóa với những ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương san sát kề nhau. Lưng tựa vào núi, cửa quay ra hướng biển, uy nghi nhưng không trầm mặc, cổ kính nhưng không lạc hậu, Nhà Lớn như những tòa lâu đài, gác tía với những mái ngói âm dương san sát kề nhau.
“Ân tình, cởi mở, thoáng mát”, đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến Nhà Lớn. Bà Trần Thị Tám, năm nay 82 tuổi nhưng có hơn 60 năm phục dịch ở đây cho biết: “Tất cả đều phục vụ miễn phí. Từ nước uống, chỗ ngủ, ăn cơm đến tắm giặt. Nếu bà con ở xa tới sau khi tham quan, có nhu cầu nghỉ, chúng tôi sẽ bố trí nơi ăn nghỉ. Đó là qui định từ lâu rồi”.
Du khách tới đây được uống nước, ăn, ngủ miễn phí, đón tiếp trân trọng từ những người “hướng dẫn viên già áo đen”. |
Sau nghi thức “cung kỉnh” tức là lòng thành tiến cúng tiền, gạo tùy tâm, chúng tôi được bà Trần Thị Tám đưa thăm viếng cảnh nhà. Qua hành lang mát rượi dưới mái ngói âm dương, trước mắt chúng tôi là hàng trăm bàn thờ sơn son thiếp vàng, khảm trai óng ánh xếp hàng ngay ngắn. Trên mỗi án hương đều thờ tên hoặc ảnh một người. “Hơn 200 bàn thờ, là thờ hơn 200 người có công xây dựng, tu bổ cho quần thể Nhà Lớn này. Cứ đời này qua đời khác truyền nhau, ai có công được dân làng cúng tiến đều được thờ, bất kể đó là gái, trai hoặc thanh niên, trẻ tuổi. Tất cả những người đến đây làm đều tự nguyện, làm không có công”.
Sau khi thăm những bàn thờ cổ, chúng tôi được người “hướng dẫn viên già” đưa lên “lâu đài cổ”. Đó là ngôi nhà nằm phía trên được kết nối liên hoàn giữa các ngôi nhà bằng hệ thống cầu thang đi ngoài trời bằng gỗ. Đứng ở lâu đài này, phóng mắt về bốn hướng, dưới không trung rộng lớn là những mái nhà lợp ngói âm dương cổ kính đan sát nhau. Bà Tám cho biết: “Trước đây nơi này là mảnh đất hoang sơ, rừng nứa, tre và suối. Một bên là biển bồi, một bên là núi Long Sơn. Ngôi nhà ngói đầu tiên do ông Lớn làm bây giờ vẫn còn hầu như nguyên vẹn. Tất cả các vật dụng từ bàn thờ, hương án, kèo cột đều do người dân ở đảo làm thủ công tự nguyện hết. Thanh niên dựng vợ, gái lớn lấy chồng đều tự nguyện đến đây xẻ gỗ, nấu cơm đãi khách thập phương. Đời này truyền qua đời kia, thế hệ cha để lại cho con cháu thành truyền thống lâu rồi. Bởi vậy, mỗi ngôi nhà, mỗi mái ngói, hay bàn thờ hương án, đều thấm đấm mồ hôi, công sức của người dân xã đảo này”.
Một góc lâu đài trong quần thể Nhà Lớn. |
Cả đảo theo đạo Ông Trần
Đó là một nét riêng của người dân xứ đảo nơi đây. Ông Trần Văn Hai cho biết: “Gọi là đạo Ông Trần, thực chất là tưởng nhớ đến công lao của ông Mưu. Ngày mới khai sinh lập làng trên đảo, ông Mưu không có áo mặc. Ngày nào ông cũng để tấm lưng trần dãi nắng dầm mưa để xẻ gỗ, chặt nứa, dựng nhà. Do vậy, người dân nơi đây gọi Ông Trần là ghi nhớ đến công lao, đức độ của ông Mưu. Một nguyên nhân khác gọi là đạo Ông Trần được xuất phát từ tinh thần hiếu nghĩa, trọng đức, tôn nhân của ông Mưu. Tức sống trên đời việc đầu tiên phải học tinh thần đức độ, sống nhân ái, đoán kết giúp đỡ người nghèo khổ”.
Đạo ông Trần được truyền lại không theo giáo lý, kinh bổn, mà theo “di ngôn bất di tự”, tức là, tất cả lời ông giáo huấn, kinh đạo, được ông bà truyền cho cha mẹ, cha mẹ truyền lại con cháu, người trước truyền cho người sau cái tinh thần của đạo, chứ không để lại kinh bổn ghi chép. Bởi vậy, con cháu sinh sau cứ học tập người đi trước, theo cha mẹ mà làm, mà cống hiến.
Để tỏ lòng trung kính với những bậc tiền nhân đi trước, nghĩa hiếu với xóm làng bà con, không chỉ những người lớn tuổi, mà cả thanh niên trai gái trong xã ngày nào cũng đến Nhà Lớn để lao động. Tại đây, các chàng trai xẻ gỗ đóng bàn ghế, tủ thờ, làm cánh cửa, các cô gái thay nấu cơm, dọn nhà, lau hương án và đón khách thập phương tới thăm.
Trần Văn Lường, một thanh niên của đảo tự nguyện đến xẻ gỗ cho biết: “Tất cả trai tráng trong làng đều tự nguyện đến đây làm. Đàn ông xẻ gỗ, dựng nhà, đàn bà nấu cơm kỉnh Nhà Lớn. Hiện nay số trai tráng trong làng được chia làm 71 ca trực. Mỗi ca trực có 5 người, trực ba ngày ba đêm. Đàn bà trực một ngày một đêm. Ai muốn trực thêm thì tự nguyện ở lại. Đàn ông được phát quần áo đen nguyên bộ, còn đàn bà chỉ phát một áo, còn quần tự may. Tất cả màu đen. Đàn ông, đàn bà đều phải búi tóc tó, không ai được để xõa, hoặc tóc dài, đó là qui định ở đây”.
Bài và ảnh: Mai Thắng (còn tiếp)